Tham dự hội nghị có: ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) chi nhánh TP. Hồ Chí Minh; đại diện lãnh đạo, cán bộ của các tổ chức hội viên (TCHV) HHNHVN khu vực phía Nam; cùng đại diện các Ban, đơn vị trực thuộc Hiệp hội.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng cho biết, hội nghị được tổ chức nhằm sơ kết hoạt động của hội viên khu vực phía Nam và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024.
Thông tin về hoạt động của Hiệp hội, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, hoạt động của HHNHVN đã diễn ra sôi động và đạt được nhiều kết quả nổi bật cả trên các mặt, như: góp ý chính sách, truyền thông, đào tạo, công tác hội viên…
Trong đó, hoạt động góp ý về cơ chế chính sách đã được triển khai tích cực thông qua việc tổ chức các hội thảo, toạ đàm, gửi văn bản góp ý… Hiệp hội đã và đang tham gia góp ý gần 20 thông tư của NHNN, cùng với đó là nhiều thông tư của các bộ, ngành có liên quan đến hoạt động ngân hàng. Các ý kiến góp ý của Hiệp hội được Chính phủ, các Uỷ ban của Quốc hội, NHNN, các bộ, ngành có liên quan đánh giá cao. Qua đó cho thấy, vai trò, vị thế của HHNHVN từng bước được nâng lên.
“Để làm được việc đó không chỉ có sự đóng góp của các cán bộ Cơ quan Thường trực HHNHVN, mà còn có sự đóng góp ý kiến tích cực từ các TCHV”, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.
Đối với công tác truyền thông, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký cho biết, với 2 kênh truyền thông chính là Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ và Trang tin điện tử, hoạt động truyền thông của Hiệp hội đã được triển khai rất tốt, đặc biệt trong dịp Kỷ niệm 30 năm thành lập HHNHVN vừa qua. Hiệp hội cũng đang triển khai hoàn thiện Bản tin kinh tế - tài chính để gửi tới các TCHV, nhằm giúp các hội viên có thêm thông tin về kinh tế, tài chính - tiền tệ trong nước và quốc tế.
Công tác đào tạo cũng là điểm nhấn trong 6 tháng đầu năm 2024, với chất lượng các khoá đào tạo đang ngày càng được nâng cao và nội dung đào tạo được điều chỉnh phù hợp với thực tiễn và nhu cầu của các TCHV...
Với hoạt động của các TCHV khu vực phía Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng cho biết, thông qua Văn phòng đại diện tại TP. Hồ Chí Minh, các khó khăn, vướng mắc của các TCHV đều được Hiệp hội nắm bắt, hỗ trợ kịp thời để đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng cho các TCHV. Hiệp hội cũng đã tích cực phối hợp với cơ quan toà án, viện kiểm sát khu vực phía Nam tổ chức các hội thảo, toạ đàm, gửi kiến nghị… để tháo gỡ khó khăn, cũng như tìm ra các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng xét xử và thi hành án tín dụng liên quan đến hoạt động ngân hàng.
Tuy nhiên, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các TCHV tốt hơn nữa, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HHNHVN đề nghị, các tổ chức hội viên cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các Ban, đơn vị, nhất là Ban Công tác hội viên trong việc phản ảnh những khó khăn, vướng mắc, để từ đó, Hiệp hội có cơ sở kiến nghị lên các cơ quan chức năng, nhằm bảo về quyền và lợi ích chính đáng cho các TCHV.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh điểm qua tình hình kinh tế - xã hội và thị trường tài chính - tiền tệ trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Theo đó, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN, hoạt động ngân hàng đã được triển khai quyết liệt và hiệu quả. Nhìn chung, các TCTD trên địa bàn đã thực hiện tốt các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước và của ngành Ngân hàng.
Trong 6 tháng đầu năm, diễn biến lãi suất, tỷ giá duy trì ổn định, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, qua đó góp phần tăng trưởng kinh tế. Tăng trưởng tín dụng trên địa bàn 5 tháng đầu năm 2024 đạt 1,93% so với cuối năm 2023, trong đó: khối NHTM cổ phần có mức tăng trưởng tốt nhất, tiếp theo là khối NHTM nhà nước, khối ngân hàng nước ngoài và liên doanh nước ngoài.
Với hoạt động của HHNHVN, ông Nguyễn Đức Lệnh đánh giá cao hoạt động góp ý về cơ chế chính sách, các ý kiến của các TCTD là TCHV của HHNHVN đều có chất lượng và được cơ quan quản lý đánh giá cao. Bên cạnh đó, hoạt động truyền thông của Hiệp hội cũng được triển khai rất tốt, cả về truyền thông chính sách và truyền thông của các TCHV. Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác truyền thông, ông Lệnh đề nghị các TCHV cần thay đổi công tác truyền thông để xã hội hiểu hơn về hoạt động ngân hàng.
Báo cáo sơ lược hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm 2024 của TCHV khu vực phía Nam, ông Nguyễn Hoàng Minh, Trưởng Văn phòng đại diện HHNHVN tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, tính đến ngày 18/6/2024, HHNHVN - khu vực phía Nam có tổng số 28 tổ chức hội viên, bao gồm: 21 hội viên chính thức và 7 hội viên liên kết, trong đó gồm 16 ngân hàng, 6 công ty tài chính và 6 tổ chức trung gian thanh toán (TGTT) và công nghệ tài chính (Fintech).
6 tháng đầu năm 2024, các tổ chức tín dụng (TCTD) địa bàn TP. Hồ Chí Minh không ngừng nâng cao năng lực tài chính, tăng vốn điều lệ, phát triển công nghệ mới, đẩy mạnh chuyển đổi số, đặc biệt triển khai nhiều giải pháp kích cầu, chương trình hành động quyết liệt để tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp…
Theo thông tin của NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, tổng huy động vốn của các TCTD trên địa bàn đến ngày 30/6/2024 ước đạt 3.575.700 tỷ đồng, tăng 1,0% so với cuối năm 2023 và tăng 8,56% so với cùng kỳ năm trước; Tổng dư nợ tín dụng của các TCTD trên địa bàn đến ngày 30/6/2024 ước đạt 3.654.800 tỷ đồng, tăng 3,2% so với cuối năm 2023 và tăng 10,21% so với cùng kỳ.
Về tổng tài sản, hầu hết các TCTD có sự tăng nhẹ (từ 1-3%) hoặc giữ nguyên, chỉ một vài đơn vị có sự sụt giảm nhẹ (từ 1-4%) so với đầu năm. Do nợ xấu tăng cao, trích lập dự phòng rủi ro cũng tăng, theo đó, lợi nhuận của 45% ngân hàng khu vực phía Nam có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm trước, với mức giảm trong khoảng từ 5-63%. Một số công ty tài chính ghi nhận lợi nhuận âm. Đặc biệt, không nằm ngoài tình hình chung của toàn hệ thống, toàn bộ TCTD có tỷ lệ nợ xấu/dư nợ vay tăng so với đầu năm.
Song song với những kết quả đạt được, báo cáo cho biết, các TCHV còn gặp nhiều vướng mắc, tồn tại trong hoạt động kinh doanh, có thể kể đến như: nhu cầu vốn tín dụng đối với bất động sản và các lĩnh vực liên quan chưa có tăng trưởng rõ nét; việc bán đấu giá tài sản là nhà đất thế chấp không được nhiều nhà đầu tư quan tâm gây khó khăn trong việc phát mãi tài sản để xử lý nợ; công tác xử lý nợ xấu còn chậm, tồn đọng nhiều hồ sơ lâu năm ở thi hành án chưa được hỗ trợ xử lý triệt để làm ảnh hưởng đến tiến độ thu hồi nợ; tín dụng trung, dài hạn tiếp tục gặp khó khăn, mức tăng trưởng không đồng đều; khó khăn trong phát triển tín dụng xanh; khó khăn trong triển khai và áp dụng Basel II nâng cao và Basel III phù hợp với thị trường Việt Nam….
Ngoài những vướng mắc được đề cập trong báo cáo, đại diện các TCHV tham gia phát biểu tại hội nghị cũng nêu lên một số khó khăn, vướng mắc đang gặp phải liên quan đến hành lang pháp lý cho phát triển ngân hàng số, hay những lo lắng về xác thực sinh trắc học với các giao dịch chuyển tiền của khách hàng khi Quyết định 2345/QĐ-NHNN có hiệu lực vào ngày 1/7 tới đây….
Với những khó khăn vướng mắc trên, các TCHV đề xuất, cơ quan quản lý điều chỉnh kịp thời các nội dung Luật có liên quan đến TCTD; tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý, chính sách thúc đẩy đối với các ngành nghề với các tiêu chí, tiêu chuẩn xanh cụ thể; sớm ban hành các Thông tư, hướng dẫn chi tiết Luật các TCTD về triển khai áp dụng Basel II nâng cao và Basel III; có chế tài xử phạt nặng mang tính răn đe đối với tội phạm công nghệ cao; HHNHVN thường xuyên mở các lớp đào tạo nghiệp vụ phát hiện và xử lý gian lận; tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý liên quan đến TGTT, Fintech…
Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng đã trả lời các vấn đề vướng mắc được TCHV nêu ra. Đồng thời đề nghị các TCHV dành nhiều sự quan tâm hơn nữa đối với việc tham gia góp ý cơ chế chính sách, cũng như phản ảnh những khó khăn vướng mắc trong hoạt động tới Hiệp hội. Thông qua đó, Hiệp hội sẽ có cơ sở đến kiến nghị đến các cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các TCHV tốt hơn.
Ngô Hải