Tại buổi làm việc, chuyên gia của BCG giới thiệu về dự án hợp tác của Chính phủ Vương quốc Anh cùng ASEAN và Việt Nam với mục tiêu thúc đẩy tài trợ thương mại, tập trung vào số hóa và phòng chống gian lận.
Đây là dự án nhằm tăng tính thanh khoản và giảm thiểu rủi ro gian lận trong tài trợ thương mại, nhằm thu hẹp khoảng trống trong tài trợ thương mại tại Việt Nam thông qua việc sử dụng các giải pháp công nghệ. Đồng thời, xây dựng Việt Nam như một hình mẫu về hội nhập tài chính, từ đó thúc đẩy việc áp dụng các giải pháp tài trợ thương mại trên toàn khu vực ASEAN.
Nghiên cứu do BCG cùng Chính phủ Vương quốc Anh thực hiện năm ngoái cho thấy, có khoảng trống lớn về tài trợ thương mại ở ASEAN, với Việt Nam chiếm 25% trong số đó. Yếu tố chính gây ra khoảng trống này là rủi ro gian lận, đặc biệt là trùng lặp hoặc giả mạo tài liệu.
Mặt khác, dự án tập trung vào thử nghiệm các giải pháp tài trợ thương mại giữa các ngân hàng và Fintech, và xây dựng lộ trình phát triển Nền tảng dữ liệu tài trợ thương mại (TFR) tại Việt Nam.
TFR là một nền tảng tập trung để ghi lại và xác minh thông tin liên quan đến thương mại; nhằm cải thiện tính minh bạch của các giao dịch, giảm gian lận và tối ưu hóa quy trình tài trợ thương mại.
BCG hiện đang xem xét, liệu TFR có thể giúp giải quyết các rủi ro gian lận và thu hẹp khoảng trống tài trợ thương mại hay không. BCG đề nghị tham VNBA tham vấn và trao đổi ý kiến về các vấn đề này.
Trao đổi tại cuộc họp, Phó Chủ tịch điều hành kiêm Tổng Thư ký VNBA Nguyễn Quốc Hùng chỉ ra các rào cản lớn nhất đối với tài trợ thương mại tại Việt Nam, nhất là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), bao gồm: Quy mô sản xuất còn nhỏ, manh mún; Thiếu tài sản bảo đảm dẫn tới khó tiếp cận vốn trong khi Quỹ bảo lãnh tín dụng cho SME chưa phát huy được hiệu quả; Doanh nghiệp thiếu thông tin thị trường... Đặt biệt, xuất hiện nhiều hình thức gian lận trong tài trợ thương mại phức tạp, chẳng hạn một bộ chứng từ mang đi vay vốn tại nhiều ngân hàng...
"Các TCTD đã nỗ lực dùng công nghệ để kiểm soát chặt chẽ, tuy nhiên không thể tránh khỏi các kẽ hở. Ngăn chặn, phòng chống gian lận luôn được các TCTD đặt trọng tâm", ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết.
Về TFR, ông Nguyễn Quốc Hùng hoan nghênh sáng kiến này của BCG và cho rằng, nếu thực hiện được, nền tảng này sẽ có thể cải thiện được tính minh bạch của giao dịch và liên kết thông tin giữa các ngân hàng.
Tuy nhiên, để thí điểm được TFR tại các ngân hàng Việt Nam, cần có sự chỉ đạo của cơ quan quản lý. Do đó, VNBA sẽ trao đổi với Ngân hàng Nhà nước, cũng như thảo luận với các tổ chức hội viên trong thời gian tới về vấn đề này.
Tại cuộc họp, bà Anis Mohd Nor - Giám đốc phụ trách khu vực Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia của BCG đồng tình với các ý kiến phải hồi của phía VNBA. Đồng thời gửi lời mời VNBA tham dự thảo luận bàn tròn về tài trợ thương mại trong khuôn khổ UK-SEA Tech Week vào tháng 3/2025.
Kết thúc cuộc họp, hai bên thống nhất sẽ thảo luận sâu sắc, hợp tác chặt chẽ hơn trong thời gian tới.
Q.L