Tóm tắt: Để đảm bảo quyền thu hồi nợ, các tổ chức tín dụng (TCTD) quy định khoản vay phải có tài sản bảo đảm (TSBĐ). Đối với doanh nghiệp, TSBĐ cho khoản vay khá đa dạng, trong đó cổ phần cũng được xác định là một loại TSBĐ. Tuy nhiên, hiện nay, việc thi hành án cổ phần còn nhiều hạn chế, vướng mắc do pháp luật hiện hành thiếu vắng các quy định cụ thể. Bài viết tập trung phân tích vấn đề thi hành án cổ phần là đối tượng trong giao dịch bảo đảm thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự. Cổ phần, cổ phiếu dưới góc độ chứng khoán được điều chỉnh bởi quy định về giao dịch chứng khoán không thuộc phạm vi nghiên cứu của bài viết này.
Từ khóa: Thi hành án cổ phần, cổ phần và cổ phiếu, giao dịch bảo đảm.
IMPROVING LEGAL REGULATIONS ON ENFORCEMENT OF CIVIL JUDGMENTS FOR SHARES
AS COLLATERAL AT CREDIT INSTITUTIONS
Abstract: In order to ensure the right to debt colletion, the credit institutions (CIs) require loans to have collateral. For businesses, collateral for loans is quite diverse, in which “shares” are also identified as a type of collateral. However, at present, the judgments enforcement related to “shares” still has many limitations and obstacles due to the absence of specific provisions in the current law. The article focuses on analyzing the issue of enforcement of shares as the subject of secured transactions within the scope of civil law. Shares, stocks under the perspective of securities are governed by regulations on securities trading that are not within the scope of this article's research.
Keywords: Execution of share judgments, shares and stocks, secured transactions
1. Cổ phần là tài sản bảo đảm theo quy định pháp luật Việt Nam hiện hành
Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã định nghĩa về cổ phần và cổ phiếu, tuy nhiên, trong quan hệ giao dịch bảo đảm vẫn tồn tại nhầm lẫn trong việc xác định TSBĐ là cổ phần hay cổ phiếu. Khoản 1 Điều 121 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định, cổ phiếu là chứng chỉ do công ty cổ phần phát hành, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử xác nhận quyền sở hữu một hoặc một số cổ phần của công ty đó. Như vậy, dưới góc độ pháp luật dân sự về giao dịch bảo đảm thì cổ phiếu là giấy tờ có giá xác nhận quyền sở hữu của một cổ đông đối với một công ty cổ phần mà tự thân nó không làm phát sinh các nhóm quyền đối với công ty (biểu quyết, nhận cổ tức…) cho cổ đông. “Xét về bản chất, cổ phần mới là đối tượng thực của giao dịch bảo đảm, chứ không phải cổ phiếu”.1
Trong khi đó, cổ phần là phần vốn điều lệ của công ty cổ phần được chia thành các phần bằng nhau và là căn cứ về việc góp vốn của các thành viên trong công ty cổ phần. Giá trị cổ phần được thể hiện bằng cổ phiếu. Căn cứ Điều 105, Điều 115 Bộ luật Dân sự 2015 (BLDS) thì cổ phần là một quyền tài sản và là đối tượng trong các giao dịch bảo đảm.
Để đảm bảo quyền thu hồi nợ, các tổ chức tín dụng quy định khoản vay phải có tài sản bảo đảm
(Nguồn ảnh: Internet)
Việc thế chấp cổ phần để bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ tuy không được quy định trực tiếp trong BLDS nhưng với bản chất là một loại quyền tài sản, cổ phần được coi là đối tượng trong giao dịch bảo đảm theo quy định tại Điều 295 BLDS 2015 (điều kiện để tài sản được sử dụng làm tài sản bảo đảm theo pháp luật dân sự là tài sản phải thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm và phải xác định được). Do đó, khách hàng có thể dùng cổ phần thuộc sở hữu để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ vay tại TCTD. Trong quan hệ thế chấp, khách hàng không cần chuyển giao cổ phần cho bên nhận thế chấp. Cổ phần sẽ thuộc quyền sở hữu của khách hàng và khách hàng vẫn có các quyền và nghĩa vụ trong công ty cổ phần đó theo quy định tại Điều 317 BLDS.
Trình tự, thủ tục thế chấp cổ phần tuân thủ quy định chung của giao dịch bảo đảm và quy định nội bộ của TCTD. Khi kí kết hợp đồng thế chấp, bên thế chấp bàn giao sổ chứng nhận sở hữu cổ phần (bản gốc) hoặc tài liệu khác chứng minh sở hữu cổ phần cho TCTD. Khi có yêu cầu, các bên có thể đăng kí giao dịch bảo đảm đối với hợp đồng thế chấp cổ phần như các tài sản thông thường theo quy định tại Thông tư số 08/2018/TT-BTP ngày 20/6/2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và văn bản hướng dẫn liên quan. Trong văn bản đăng kí thế chấp sẽ ghi nhận tài sản thế chấp là cổ phần với mệnh giá, người sở hữu, thời gian phát hành…). Tại thời điểm đăng kí giao dịch bảo đảm, sẽ phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba, do đó TCTD thường thực hiện đầy đủ các thủ tục này nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp khi có xung đột.
2. Khó khăn, vướng mắc khi thi hành án tài sản bảo đảm là cổ phần
Trong quá trình xác lập quan hệ tín dụng, giữa TCTD và khách hàng hoặc bên thế chấp sẽ thỏa thuận về TSBĐ và phương thức xử lí TSBĐ như bán đấu giá tài sản; bên nhận bảo đảm tự bán tài sản; bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm hoặc phương thức khác (Điều 303 BLDS). Tuy nhiên, phương thức xử lí nêu trên chỉ thực hiện được khi bên thế chấp phối hợp với TCTD để xử lí hoặc bàn giao cho TCTD xử lí. Trường hợp khách hàng hoặc bên thế chấp không phối hợp, TCTD phải khởi kiện khách ra Tòa án có thẩm quyền để thu hồi nợ, khi đó việc xử lí cổ phần sẽ theo thủ tục thi hành án. Tuy nhiên, trong quá trình thi hành bản án có tài sản là cổ phần sẽ phát sinh những vấn đề như sau:
2.1. Vướng mắc trong quá trình cơ quan thi hành án xác minh hiện trạng và cưỡng chế, kê biên tài sản bảo đảm là cổ phần
Theo quy trình thi hành án, việc xác minh hiện trạng tài sản là thủ tục bắt buộc trước khi cơ quan thi hành án kê biên, cưỡng chế tài sản. Tuy nhiên, Chấp hành viên gặp khó khăn, lúng túng trong quá trình xác minh và kê biên, cưỡng chế đối với tài sản là cổ phần do quy định pháp luật hiện hành chưa quy định cụ thể đối với tài sản này.
Thứ nhất, Chấp hành viên chỉ xác định được số cổ phiếu ghi nhận giá trị cổ phần hoặc trình trạng doanh nghiệp còn hoạt động hay dừng hoạt động mà chưa có hướng dẫn đặc thù về trình tự, thủ tục và nội dung cần đảm bảo trong quá trình xác minh hiện trạng cổ phần, cổ phiếu. Trong khi đó, giữa cổ phiếu đã niêm yết và chưa niêm yết cũng có tính chất khác biệt nên cần thiết phải có quy định cụ thể đối với tài sản đặc thù như cổ phần.
Thứ hai, sau khi xác minh hiện trạng tài sản, việc xác định có đủ điều kiện hay chưa có điều kiện thi hành án đối với cổ phần cũng chưa có hướng dẫn cụ thể. Bên cạnh đó, để đảm bảo việc xác minh hiện trạng tài sản thi hành án khách quan, chính xác, cơ quan thi hành án được mời các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan tham gia vào quá trình xác minh. Đối với việc xác minh điều kiện thi hành án đối với cổ phần, do chưa có quy định hướng dẫn cụ thể việc tham vấn ý kiến của cá nhân, tổ chức chuyên môn trong lĩnh vực này nên việc triển khai trên thực tế gặp khó khăn, thậm chí việc Chấp hành viên trưng cầu/mời chuyên gia tham gia rất hạn chế hoặc không có.
Thứ ba, việc kê biên tài sản là cổ phần cũng phát sinh khó khăn, lúng túng trên thực tế bởi cổ phần là phần vốn điều lệ của công ty được chia thành các phần bằng nhau nên tự thân “cổ phần” không phải là tài sản hữu hình để Chấp hành viên có thể kiểm kê, lập danh sách. Thực tế, Chấp hành viên chủ yếu chỉ kê biên được về mặt hình thức số cổ phiếu ghi nhận quyền sở hữu bao nhiêu cổ phần của thành viên góp vốn trong sổ cổ đông hoặc hình thức khác. Trong khi đó, có nhiều doanh nghiệp đã phá sản hoặc đang làm thủ tục giải thể tại thời điểm thi hành án nên Chấp hành viên không liên lạc được với người đại diện hoặc không thu thập đầy đủ hồ sơ, sổ sách doanh nghiệp. Đồng thời, giá trị tài sản còn lại của doanh nghiệp vào thời điểm xử lí đã nhỏ hơn rất nhiều so với số vốn được ghi trong giấy phép đăng kí kinh doanh.
2.2. Vướng mắc trong việc thẩm định giá và bán đấu giá tài sản cổ phần
2.2.1. Đối với việc thẩm định giá tài sản
Pháp luật hiện hành chưa có quy định đặc thù về thẩm định giá cổ phần nên việc thẩm định giá cổ phần căn cứ theo quy định chung. Khác với cổ phần được công ty cổ phần niêm yết trên sàn chứng khoán đã có giá mua, bán cụ thể, cổ phần chưa niêm yết khi thi hành án sẽ phải thẩm định giá như một loại tài sản trong giao dịch dân sự. Cổ phần với bản chất là quyền tài sản hay là quyền đối với tài sản của công ty của mỗi thành viên góp vốn, mệnh giá cổ phần phải được xác định căn cứ vào giá trị tài sản của công ty tại thời điểm thi hành án.
Pháp luật hiện hành quy định về thẩm định giá trị doanh nghiệp với các phương pháp thẩm định, hồ sơ thẩm định gồm hồ sơ pháp lí doanh nghiệp, hồ sơ tài sản, hồ sơ tài chính, kế hoạch kinh doanh…Tuy nhiên, đối với việc thẩm định giá trị doanh nghiệp để xác định mệnh giá cổ phần tại giai đoạn thi hành án, thông thường công ty đã không còn phối hợp cung cấp đầy đủ hồ sơ theo yêu cầu của công ty thẩm định giá. Bên cạnh đó, giá trị của doanh nghiệp được xác định bởi các yếu tố như tài sản, khoản nợ phải trả ngắn hạn, dài hạn… nên việc thẩm định toàn bộ giá trị của doanh nghiệp trên thực tế gặp nhiều khó khăn. Thậm chí, có trường hợp sau khi thẩm định, mệnh giá cổ phiếu chỉ bằng 0 hoặc âm nhưng cơ quan thi hành án vẫn phải tiến hành bán đấu giá là không phù hợp. Vì vậy, đối với doanh nghiệp đã phá sản, đang làm thủ tục giải thể hoặc dừng hoạt động, pháp luật hiện hành cần có quy định riêng trong việc thẩm định giá cổ phần của công ty này nhằm tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thi hành án.
Đối với cổ phần sau khi thẩm định giá có giá trị bằng 0 hoặc giá trị âm, văn bản quy phạm pháp luật hiện hành chưa quy định về việc xử lí đối với tài sản này. Việc xác định giá trị cổ phiếu bằng 0 hoặc âm phụ thuộc vào phương pháp thẩm định giá nhưng cách thức để xử lí cổ phần khi đã âm hoặc bằng 0 đảm bảo quyền lợi của người được thi hành án thì chưa được hướng dẫn. Dưới góc độ TCTD, khi giá trị thẩm định cổ phần bằng 0 hoặc âm sẽ không đảm bảo hiệu quả thu hồi nợ nên TCTD sẽ đề nghị cơ quan thi hành án chưa/không tổ chức bán đấu giá do chưa đủ điều kiện thi hành án. Điều này có thể dẫn đến khiếu nại hoặc tranh chấp trong trường hợp cơ quan thi hành án vẫn tổ chức bán đấu giá mặc dù mệnh giá cổ phần đã về âm hoặc bằng 0.
2.2.2. Đối với việc bán đấu giá cổ phần giá trị bằng 0 hoặc âm
Cũng như đối với thẩm định giá cổ phần, pháp luật hiện hành còn thiếu vắng các quy định hướng dẫn về bán đấu giá cổ phần giá trị bằng 0 hoặc âm. Việc bán đấu giá cổ phần giá trị âm hay không đều phát sinh vướng mắc như:
Từ góc độ của TCTD, việc bán đấu giá cổ phần giá trị âm không đảm bảo hiệu quả thu hồi nợ xấu như: Việc tổ chức bán đấu giá vẫn phát sinh thêm thời gian, chi phí (lựa chọn tổ chức bán đấu giá, phí dịch vụ đấu giá, …) nhưng không có người tham gia bán đấu giá hoặc kết quả bán đấu giá tài sản thấp hơn chi phí cưỡng chế thi hành án. Theo quy định tại khoản 3 Điều 104 Luật Thi hành án dân sự, giá trị cổ phần sau khi thẩm định thấp hơn chi phí cưỡng chế thi hành án là không đủ điều kiện để xử lí, dẫn đến việc vẫn tổ chức bán đấu giá đối với cổ phần âm là không phù hợp.
Từ góc độ cơ quan thi hành án, việc chưa thực hiện đấu giá tài sản cổ phần giá trị âm với lí do chưa đủ điều kiện thi hành án là không phù hợp do cơ quan thi hành án đã hoàn tất thủ tục xác minh điều kiện thi hành án trước khi tiến hành thẩm định, đấu giá tài sản. Mặt khác, việc tạm dừng tổ chức đấu giá phải có cơ sở theo quy định về hoãn thi hành án nên không có cơ sở chấp thuận yêu cầu của TCTD. Điều này dẫn tới việc các bên không thống nhất quan điểm xử lí, ảnh hưởng tiến độ thi hành án.
Ngoài ra, trường hợp bán đấu giá thành công thì việc chuyển nhượng cổ phần/vốn góp cho người trúng đấu giá cũng chưa có hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục do đa phần cổ phần này chưa niêm yết nên không áp dụng quy định về giao dịch chứng khoán.
Vì vậy, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần sửa đổi văn bản hướng dẫn theo hướng không tổ chức bán đấu giá tài sản cổ phần giá trị âm nhằm hạn chế phát sinh chi phí, thủ tục và đảm bảo hiệu quả thi hành án. Trường hợp, giá trị cổ phiếu tăng lên và lớn hơn hoặc bằng chi phí cưỡng chế, cơ quan thi hành án tiến hành bán đấu giá theo quy định. Đồng thời, bên cạnh quy định nội bộ ngành, cần thiết phải ban hành các quy định trong văn bản quy phạm pháp luật để thống nhất cách hiểu và thi hành án đối với cổ phần là loại tài sản đặc thù.
2.3. Vướng mắc liên quan đến chi phí thi hành án
Về chi phí khi thi hành án cổ phần giá trị âm, tại văn bản của Tổng cục Thi hành án dân sự hướng dẫn “nguồn kinh phí chi trả cưỡng chế trong trường hợp không có người đăng kí mua cổ phần giá trị âm được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 43 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ”. Theo đó, người phải thi hành án phải nộp chi phí cưỡng chế thi hành án hoặc được khấu trừ vào tiền thu được, tiền bán đấu giá tài sản kê biên (Điều 73 Luật Thi hành án dân sự).
Tuy vậy, thực tế việc thanh toán chi phí cưỡng chế thi hành án cổ phần âm phát sinh khó khăn như người phải thi hành án thường không nộp tiền cưỡng chế thi hành án nên chi phí được trừ sau khi xử lí xong tài sản. Trường hợp, cổ phần là tài sản duy nhất của doanh nghiệp hoặc có tài sản khác nhưng không đủ xử lí thì việc thanh toán chi phí là không thực hiện được. Như vậy, để hạn chế kể từ giai đoạn xác minh điều kiện thi hành án, nếu cơ quan thi hành án xác định doanh nghiệp đã dừng hoạt động, phá sản hoặc đã giải thể thì cần xác định là chưa đủ điều kiện thi hành án để không phát sinh các thủ tục và chi phí cho các giai đoạn sau như kê biên, thẩm định, bán đấu giá tài sản.
3. Một số kiến nghị hoàn thiện
Như vậy, hiện nay, trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam còn thiếu các quy định cụ thể về việc thi hành án đối với cổ phần nói chung và cổ phần giá trị âm nói riêng. Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình xử lí của các Chấp hành viên mà còn dẫn đến phát sinh các tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện giữa các bên liên quan đến việc thi hành Bản án có tài sản bảo đảm là cổ phần. Sau cùng, từ việc thiếu các quy định mang tính chất hướng dẫn, giải thích quá trình thi hành án dẫn đến Chấp hành viên thiếu công cụ pháp luật, trở thành rào cản kéo dài tiến độ thi hành án cũng như gia tăng nợ xấu khó xử lí. Do đó, để góp phần hạn chế vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật về thi hành án đối với cổ phần, nhất là cổ phần giá trị âm hoặc bằng 0, tác giả đề xuất các cơ quan có thẩm quyền cần sớm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn cụ thể về thi hành án cổ phần, trong đó lưu ý một số nội dung gồm:
Thứ nhất, quy định pháp luật cần phản ánh được sự khác nhau giữa cổ phần trong công ty cổ phần chưa niêm yết với cổ phần niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán trong quá trình thi hành án.
Thứ hai, cổ phần là tài sản bảo đảm cho doanh nghiệp theo pháp luật dân sự là tài sản đặc thù nên quy trình thi hành án đối với tài sản này phải được hướng dẫn đầy đủ qua các giai đoạn như xác minh, cưỡng chế, kê biên, thẩm định giá, bán đấu giá và chuyển nhượng phần vốn góp...
Thứ ba, đối với giá trị cổ phần âm hoặc bằng 0, pháp luật nên quy định thuộc trường hợp không đủ điều kiện thi hành án theo khoản 3 Điều 104 Luật Thi hành án dân sự. Trường hợp, sau đó giá trị cổ phiếu tăng lên và lớn hơn chi phí cưỡng chế, người được thi hành án vẫn có quyền yêu cầu tiếp tục xử lí tài sản bảo đảm theo quy định.
1 Bùi Đức Giang, Nhận tài sản bảo đảm là phần vốn góp cổ phần từ quy định pháp luật đến thực tiễn, http://tapchinganhang.gov.vn, truy cập ngày 05/12/2022
Tài liệu tham khảo:
1. Bùi Đức Giang, Nhận tài sản bảo đảm là phần vốn góp cổ phần từ quy định pháp luật đến thực tiễn, http://tapchinganhang.gov.vn, truy cập ngày 23/11/2023.
2. Bộ luật Dân sự năm 2015 (các Điều 105,115, 295, 303, 307).
3. Luật Thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi năm 2014.
4. Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự.
ThS. Trần Thị Thủy
Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam