Ngày 1/12/2023, Công ty CP Garmex Sài Gòn (HOSE: GMC) đã phúc đáp yêu cầu cung cấp thông tin về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE).
Cụ thể, doanh nghiệp dệt may này cho biết, tại ĐHĐCĐ thường niên 2023 ngày 26/4 và ĐHĐCĐ bất thường ngày 27/9, HĐQT đã báo cáo tình hình kinh doanh không thuận lợi, nếu giữ sản xuất tại các nhà máy đối với ngành may sẽ lỗ rất nhiều. Do đó, Garmex Sài Gòn đã tổ chức lại bộ máy, tiếp tục cắt giảm lao động, tạm ngừng sản xuất để giảm thiểu thiệt hại.
Tình hình kinh doanh không thuận lợi, Garmex Sài Gòn đã cắt giảm tới 1.900 nhân sự |
Mặt khác, doanh nghiệp này sẽ tiếp tục thực hiện tiết kiệm chi phí tối đa như Đại hội đã đề cập. Hiện tại, Garmex Sài Gòn chưa tuyển lại lao động cho ngành truyền thống. Doanh nghiệp này cũng nói thêm, khi có sự thuận lợi của thị trường vừa đủ, việc có đầu tư khôi phục lại ngành may hay không còn tuỷ thuộc vào tình hình thị trường.
Một biện pháp khác được Garmex Sài Gòn áp dụng đó là tối ưu hóa nguồn lực hiện có và tìm kiếm đối tác để thực hiện chuyển nhượng bán tài sản không sử dụng. Đồng thời, doanh nghiệp sẽ đa dạng hóa ngành nghề để tránh rủi ro cho công ty.
Ngoài ra, Garmex Sài Gòn cho biết, trong năm 2023, doanh nghiệp đã tiến hành đầu tư mới vào dự án nhà ở của Công ty CP Phú Mỹ, đến thời điểm thích hợp sẽ bán hàng. Dự án có quy mô 1,5ha được Garmex Sài Gòn kỳ vọng sẽ mang giá trị tiềm năng trong tương lai. Về phía Phú Mỹ, đây là công ty do Garmex Sài Gòn nắm 32,67% vốn, hoạt động chính trong mảng kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp và cụm khu công nghiệp.
Văn bản phúc đáp yêu cầu cung cấp thông tin về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh từ HOSE của Garmex Sài Gòn |
Tình hình kinh doanh khó khăn là nguyên nhân chính khiến số lượng nhân viên của Garmex Sài Gòn giảm sút. Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2023 của doanh nghiệp ghi nhận, tại ngày 30/9/2023, số lượng nhân sự của Garmex Sài Gòn chỉ còn 37 người, giảm 4 người so với thời điểm cuối quý II. Nhưng nếu so với thời điểm đầu năm, con số lại vô cùng lớn: 1.945 người.
Quý III/2023, doanh thu của Garmex Sài Gòn chỉ đạt vỏn vẹn 73 triệu đồng, “bốc hơi” 99% so với cùng kỳ. Đáng nói, do không có đơn hàng nên khoản doanh thu ít ỏi nói trên chủ yếu đến từ mảng dịch vụ. Khấu trừ chi phí, doanh nghiệp báo lỗ sau thuế gần 11 tỷ đồng, xác lập chuỗi 5 quý liên tiếp thua lỗ.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, Garmex Sài Gòn ghi nhận doanh thu thuần của doanh nghiệp đạt hơn 8 tỷ đồng, lao dốc 97% so với cùng kỳ, lỗ sau thuế 44 tỷ đồng. Tổng lỗ lũy kế của Garmex Sài Gòn tại thời điểm 30/9/2023 xấp xỉ 66 tỷ đồng.
Garmex Sài Gòn được thành lập năm 1976, tiền thân là Liên hiệp Các Xí nghiệp May TP. Hồ Chí Minh - đơn vị chủ quản quản lý một số lượng khá lớn các xí nghiệp may xuất khẩu ở TP. Hồ Chí Minh. Doanh nghiệp này vốn được coi là một “ông lớn” trong ngành dệt may khi đều đặn thu về hàng nghìn tỷ đồng doanh thu và hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng lợi nhuận trong những năm trước đó.
Thế nhưng, bước sang năm 2022, chịu sự ảnh hưởng bởi tình hình khó khăn chung của kinh tế thế giới và trong nước, mọi thứ đã đảo ngược hoàn toàn. Đây có lẽ là một năm nằm ngoài mọi toan tính của Garmex Sài Gòn. Đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh, doanh số xuất khẩu “bốc hơi” 93%, doanh nghiệp buộc phải chuyển sang gia công hàng trong nước để duy trì sản xuất. Tuy nhiên, từ giữa tháng 8/2022, đơn hàng gia công cũng chững lại, hàng sản xuất ra chưa giao được, tồn kho tăng, đã khiến doanh nghiệp lỗ sau thuế kỷ lục 85 tỷ đồng.
Năm 2022 nằm ngoài mọi toan tính của Garmex Sài Gòn |
Ngoài tình hình khó khăn chung của ngành dệt may khi đơn hàng xuất khẩu sụt giảm, Garmex Sài Gòn còn phải chịu tác động dây chuyền từ sự việc Gilimex bị Amazon Robotics LLC đột ngột cắt sản lượng trong khi đã đầu tư về cơ sở vật chất, hàng tồn kho,... Sự kiện này không chỉ gây ảnh hưởng cho chính Gilimex mà còn khiến các doanh nghiệp đối tác như Garmex Sài Gòn chịu liên đới.
Cho đến cuối tháng 9/2023, theo thông tin từ ĐHCĐ bất thường, lượng hàng tồn kho liên quan đến hàng gia công cho Gilimex trị giá 100 tỷ đồng, Gilimex đang tiếp tục làm việc với đối tác của họ để giải quyết khúc mắc trong quý IV/2023 và phía Garmex Sài Gòn vẫn đang tiếp tục thúc đẩy giải phóng hàng tồn kho trong quý IV năm nay.
Một trong những nỗ lực của công ty để giảm thiểu lỗ trong năm 2023 là tiết giảm chi phí. Từ quy mô gần 3.800 nhân sự vào cuối năm 2021, đến cuối 2022 GMC chỉ còn 2.101 người và hết quý III/2023 chỉ còn vỏn vẹn 35 người. Ngay từ những tháng đầu năm, ban điều hành đã thỏa thuận với người lao động để giảm tiền lương và nỗ lực giảm các chi phí xuống mức thấp nhất.
Chi phí hàng tháng của cả công ty là 3,7 tỷ đồng, bao gồm các chi phí cố định như khấu hao tài sản cố định 2 tỷ đồng/tháng, thuê đất các mặt bằng 513 triệu đồng/tháng.
Tuy đã cắt giảm tối đa những chi phí biến đổi nhưng chi phí cố định như khấu hao tài sản cố định, tiền thuê đất không thể cắt giảm được nên đồng thời, công ty tìm cách mở rộng hoạt động kinh doanh mới, nhằm tối ưu hóa các mặt bằng để có doanh thu bù chi phí.
Garmex Sài Gòn (GMC): Hãng may 47 tuổi muốn "lấn sân" sang mảng logictics, bất động sản và y tế Garmex Sài Gòn đang sống trong những ngày tháng sóng gió, do ảnh hưởng từ sự cố Gilimex và tác động tiêu cực của thị ... |
Một doanh nghiệp dệt may báo lỗ quý thứ 5 liên tiếp, số lượng nhân viên chỉ còn 37 người Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, doanh thu thuần của doanh nghiệp dệt may này chỉ còn hơn 8 tỷ đồng và lỗ ròng ... |
VNDirect chỉ ra hai yếu tố cần theo dõi đối với cổ phiếu dệt may trong năm 2023 Trong báo cáo cập nhật triển vọng ngành dệt may năm 2023, Chứng khoán VNDitect cho rằng, có hai yếu tố cần theo dõi trong ... |
Hà Lê