Huy động vốn tại TP. HCM đang tăng trưởng chậm lại

12/05/2021 - 18:00
(Bankviet.com) Tín dụng ngân hàng tập trung cho lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông qua các chương trình tín dụng, các chương trình hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tiếp tục đồng hành cùng khách hàng vượt qua khó khăn do đại dịch.

Theo Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TP.HCM, tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đến 30/4/2021 (số liệu dự ước) đạt 2.927.000 tỷ đồng, tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 0,65% so với cuối năm trước. Đây cũng là tháng thứ hai huy động vốn của các ngân hàng trên địa bàn tăng trưởng dương. Trong khi đó, tín dụng 4 tháng đầu năm trên địa bàn TP.HCM tăng trên 3% so với cuối năm 2020.

Trong đó, phân loại về tiền gửi, thì vốn huy động bằng VNĐ ước đạt 2.592.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 89% và tăng 0,36% so với tháng trước, tăng 1,94% so với cuối năm (duy trì đà tăng trưởng trong 4 tháng đầu năm).

Trong khi đó, vốn huy động bằng ngoại tệ đến cuối tháng 4/2021 ước đạt 335.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 11%, tăng 0,72% so với tháng trước (trong tháng 3 giảm 4,58% so với tháng 2), nhưng giảm 8,32% so với cuối năm 2020.

Trong đó, giảm chủ yếu ở bộ phận tiền gửi thanh toán bằng ngoại tệ (giảm 9,69%). Phân tích theo khối ngân hàng, nguồn vốn huy động ngoại tệ giảm chủ yếu ở khối ngân hàng nước ngoài (giảm 5,35% so với tháng trước).

Theo hình thức tiền gửi, tiền gửi tiết kiệm của khách hàng dân cư ước đạt 1.132.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 39% và tăng 0,35% so với tháng trước, tăng 1,57% so với cuối năm 2020.

Tiền gửi thanh toán của tổ chức kinh tế và cá nhân ước đạt 1.556.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 53% và tăng 0,42% so với tháng trước, giảm 0,38% so với cuối năm 2020.

Phát hành giấy tờ có giá ước đạt 239.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 8% và tăng 0,53% so với tháng trước, tăng 3,17% so với cuối năm.

Tín dụng tăng trưởng cao hơn

Đối với hoạt động tín dụng, số liệu Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM đưa ra cho thấy, tổng dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đến 30/4/2021 (số liệu dự ước) đạt 2.610.000 tỷ đồng, tăng 0,57% so với tháng trước và tăng khoảng 3,01% so với cuối năm 2020.

Cụ thể, phân theo loại tiền tệ, dư nợ tín dụng bằng VNĐ ước đạt 2.432.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 93% và tăng 0,55% so với tháng trước, tăng 2,94% so với cuối năm 2020.

Dư nợ tín dụng bằng ngoại tệ ước đạt 178.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 7% và tăng 0,93% so với tháng trước, tăng 3,97% so với cuối năm 2020.

Phân theo kỳ hạn tín dụng, dư nợ ngắn hạn ước đạt 1.210.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 46% và tăng 0,55% so với tháng trước, tăng 2,62% so với cuối năm 2020.

Dư nợ trung, dài hạn ước đạt 1.400.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 54% và tăng 0,59% so với tháng trước, tăng 3,35% so với cuối năm 2020.

Tín dụng ngân hàng tập trung cho lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông qua các chương trình tín dụng, các chương trình hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tiếp tục đồng hành cùng khách hàng vượt qua khó khăn do đại dịch.

Anh Khôi

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán