Kỳ 4: Thể chế hoá chủ trương của Đảng về năng lượng tái tạo

06/04/2024 - 18:17
(Bankviet.com) Luật Điện lực sửa đổi cần bổ sung lĩnh vực năng lượng tái tạo cho phù hợp với xu hướng chung.
Những lý do cần sửa đổi Luật Điện lực: Kỳ 1- Hiện thực hoá chiến lược của Đảng về năng lượng Những lý do cần sửa đổi Luật điện lực: Kỳ 2 - Hoàn thiện khung khổ pháp lý đồng bộ Kỳ 3: Tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến quy hoạch và thực hiện quy hoạch phát triển điện lực

Trước năm 2004, việc xây dựng Luật Điện lực chỉ đề cập đến các loại hình nguồn điện truyền thống như nhiệt điện than, dầu, khí, thuỷ điện bởi ở thời điểm đó nguồn năng lượng tái tạo (NLTT)còn khá mới trên thế giới.

Với sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, nguồn tài nguyên NLTT như: Gió, mặt trời và các nguồn năng lượng mới cũng theo đó phát triển, đáp ứng yêu cầu về năng lượng cho phát triển kinh tế cũng như thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tại Việt Nam, NLTT mới chỉ phát triển hơn 10 năm trở lại đây, đặc biệt có sự bùng nổ từ 2017 đến nay nhờ các cơ chế khuyến khích của Nhà nước. Tính đến hết năm 2023, tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo là 21.664MW, chiếm tỷ trọng 27% toàn hệ thống. Nguồn NLTT cũng đã đóng góp sản lượng không nhỏ cho đất nước, bên cạnh đó nó còn góp phần quan trọng trong quá trình chuyển dịch năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính…

Những lý do cần sửa đổi Luật điện lực - Kỳ 4: Thể chế hoá chủ trương của Đảng về năng lượng tái tạo
Năng lượng tái tạo là lĩnh vực mới cần bổ sung trong Luật Điện lực sửa đổi (Ảnh minh hoạ)

Tuy nhiên việc thiếu khung chính sách về lĩnh vực NLTT đã gây ra không ít khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Do đó, cần thiết phải sửa đổi Luật Điện lực nhằm bổ sung, hoàn thiện khung pháp lý về năng lượng điện, trong đó có NLTT với những lý do cụ thể như sau:

Thứ nhất, yêu cầu thể chế hoá chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước về phát triển nguồn NLTT và hoàn chỉnh khung pháp lý để thúc đẩy phát triển nguồn NLTT, thực hiện cam kết về chống biến đổi khí hậu. Các nguồn thủy điện lớn hiện tại đã khai thác gần hết, các nhà máy nhiệt điện than mới rất khó thu xếp, huy động vốn đầu tư, các nhà máy điện khí hóa lỏng nhập khẩu phụ thuộc rất nhiều vào giá dầu thế giới và hiện nay giá bán điện còn khá cao... trong khi nhu cầu điện cho phát triển kinh tế xã hội vẫn duy trì ở mức khá cao khoảng 8-9%/năm tới năm 2030 là một thách thức lớn đối với ngành điện. Chính vì vậy, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW, trong đó đề ra hàng loạt nhiệm vụ và giải pháp đối với lĩnh vực NLTT như xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn NLTT nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hoá thạch; ưu tiên sử dụng năng lượng gió và mặt trời cho phát điện; khuyến khích đầu tư xây dựng các nhà máy điện sử dụng rác thải đô thị, sinh khối và chất thải rắn đi đôi với công tác bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế tuần hoàn; xây dựng chính sách hỗ trợ và cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi gắn với triển khai thực hiện Chiến lược biển Việt Nam...

Thứ hai, yêu cầu về hoàn chỉnh khung chính sách nhằm quy định cụ thể về đấu thầu và phát triển cạnh tranh đối với các dự án NLTT thuộc lĩnh vực chuyên ngành; giải quyết các tồn tại, vướng mắc trong áp dụng quy định của pháp luật hiện hành về đầu tư, đấu thầu; đảm bảo định hướng về chuyển dịch từ chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển nguồn NLTT sang chính sách cạnh tranh.

Trong thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành ban hành nhiều chính sách, giải pháp cụ thể nhằm khuyến khích phát triển các loại hình NLTT như điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối, điện chất thải rắn, thuỷ điện nhỏ, trong đó có chính sách giá điện hỗ trợ (Feed in tariff). Điểm chung của chính sách giá điện hỗ trợ là áp dụng cơ chế mua bán điện theo giá hỗ trợ tại điểm giao nhận điện, ưu tiên mua điện của bên mua đối với nguồn NLTT, áp dụng hợp đồng mua bán điện mẫu với thời hạn 20 năm. Chính sách giá FIT được ban hành áp dụng trên cơ sở kinh nghiệm của thế giới đối với các nước có thị trường điện NLTT mới hình thành và phát triển, các điều kiện thị trường điện chưa sẵn sàng, các dịch vụ, sản xuất phụ trợ chưa sẵn sàng, chi phí phát triển nguồn điện NLTT cao hơn so với các nguồn điện truyền thống. Tuy nhiên, chính sách giá FIT là cơ chế khuyến khích của Nhà nước chỉ được áp dụng trong thời gian nhất định để khuyến khích thu hút đầu tư vào những lĩnh vực cần đầu tư.

Hiện nay, Việt Nam đã có những bước phát triển nhất định về NLTT, vì vậy, cần nghiên cứu chuyển dịch từ chính sách hỗ trợ sang chính sách cạnh tranh nhằm tăng cường hiệu quả trong quản lý hệ thống, cạnh tranh về chi phí và đảm bảo cung cấp điện chất lượng, ổn định, bền vững. Theo đó, việc tiếp tục duy trì các chính sách giá FIT nêu trên không còn phù hợp. Việc khuyến khích nguồn điện NLTT nên được thực hiện thông qua khung giá phát điện, linh hoạt để phù hợp định hướng phát triển trong từng thời kỳ.

Việc sửa đổi Luật Điện lực cần thể chế hóa các chủ trương, mục tiêu tại Nghị quyết số 55-NQ/TW về “Khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái” sau khi các quy định khuyến khích về cơ chế giá FIT hết hiệu lực và “Có cơ chế cho phép phát triển các nhà máy điện sản xuất tại chỗ, tự cung cấp trong các khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất” trong Luật Điện lực nhằm khuyến khích các hộ gia đình, doanh nghiệp lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự dùng, thúc đẩy huy động nguồn lực xã hội, góp phần giảm bớt áp lực huy động tài chính cho Nhà nước.

Đối với phát triển điện gió ngoài khơi: Với chiều dài bờ biển hơn 3.400 km, nguồn tài nguyên gió (tiềm năng kỹ thuật điện gió ngoài khơi khoảng 600 GW) của Việt Nam được các chuyên gia trong nước và quốc tế đánh giá tốt hàng đầu khu vực Đông Nam Á, đứng thứ 5 ở châu Á và thứ 13 trên thế giới. Đối với lĩnh vực điện gió ngoài khơi, suất đầu tư là rất lớn, khoảng 2 - 3 tỷ USD/01 GW và thời gian thực hiện từ 6-8 năm kể từ lúc bắt đầu khảo sát và tuỳ theo quy mô công suất, khu vực triển khai dự án. Dự án điện gió ngoài khơi có vai trò quan trọng trong việc cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia, đồng thời việc phát triển điện gió ngoài khơi sẽ góp phần giúp Việt Nam thực hiện cam kết trung hoà các- bon đến năm 2050. Tuy nhiên, việc phát triển điện gió ngoài khơi ngoài việc bảo đảm an ninh năng lượng nhưng phải gắn với bảo vệ vùng trời, vùng biển và bảo đảm an ninh quốc gia. Việc khai thác tài nguyên thiên nhiên đối với Dự án điện gió ngoài khơi cũng chưa xác định được có hay không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Tài nguyên môi trường biển và Hải đảo. Do đó, việc thể chế hoá Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi gắn với triển khai thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn.

Còn tiếp...

Nguyên Vũ

Theo: Báo Công Thương