Trong tháng 5/2021, tỷ giá trung tâm và tỷ giá giao dịch thực tế VND/USD tại các NHTM có chung diễn biến giảm so với cuối tháng 4/2021, lần lượt ở mức 0,1% và 0,06%. Tỷ giá giao dịch thực tế tại các NHTM tiếp tục thấp hơn tỷ giá trung tâm (23.039 VND/USD và 23.135 VND/USD, tính tới ngày 28/5/2021).
Bước sang đầu tháng 6/2021, việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) hạ 150 VND/USD đối với tỷ giá mua vào ngoại tệ kỳ hạn 6 tháng (ngày 8/6), xuống mức 22.975 VND/USD đã khiến cho tỷ giá USD/VND tiếp tục giảm mạnh. Cụ thể, tỷ giá USD/VND niêm yết của các NHTM giảm 50 VND/USD chiều mua vào, 80 VND/USD chiều bán ra, xuống mức 22.820/23.050 VND/USD; giảm 125 VND/USD chiều mua vào và 135 VND/USD chiều bán ra trên thị trường tự do, xuống mức 23.030/23.080 VND/USD.
Trong tháng 5/2021, cán cân thương mại hàng hóa nhập siêu 2,7 tỷ USD. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2021, Việt Nam nhập siêu 470 triệu USD - kém thuận lợi hơn so với mức xuất siêu 3,87 tỷ USD của cùng kỳ 2020.
Mặc dù vậy, với dòng vốn đầu tư FDI và kiều hối vẫn khả quan, các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán SSI cho rằng: “Cung cầu ngoại tệ trong nước khá cân bằng. Hơn nữa, đồng USD vẫn đang duy trì ở vùng thấp trên thị trường quốc tế nên tỷ giá USD/VND sẽ giữ xu hướng đi ngang trong ngắn hạn”.
Trong tuần từ ngày 7 – 11/6, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng ghi nhận xu hướng giảm và Thị trường mở (OMO) có giao dịch đầu tiên sau gần 4 tháng không hoạt động. Cụ thể, tuần qua, NHNN chào thầu 1.000 tỷ đồng/phiên ở tất cả 5 phiên qua kênh cầm cố, với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất đều ở mức 2,50%. Tuy nhiên, chỉ có 1,08 tỷ đồng trúng thầu. Như vậy, NHNN bơm ròng 1,08 tỷ đồng ra thị trường trong tuần qua.
Nguồn cung VND từ các NHTM lớn dồi dào hơn khiến lãi suất liên ngân hàng giảm từ 30-32 điểm cơ bản, chốt tuần ở mức 1,123%/năm với kỳ hạn qua đêm và 1,255%/năm với kỳ hạn 1 tuần.
Lãi suất huy động trên thị trường 1 (huy động khu vực tổ chức kinh tế và dân cư) tiếp tục ổn định ở mức 2,9 - 4%/năm với kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng; 3,5 - 5,3%/năm với kỳ hạn 6 tháng đến dưới 12 tháng; và 4,6 - 6,5%/năm với kỳ hạn 12 - 13 tháng. Tuy nhiên, thống kê từ thị trường cho thấy, mức độ chênh lệch lãi suất giữa các nhóm ngân hàng đang có xu hướng tăng khi một số NHTM cổ phần tăng nhẹ (10-30 điểm cơ bản) với các khoản tiền gửi khách hàng cá nhân.
Các chuyên gia SSI dự báo: “Trong bối cảnh tỷ giá USD/VND có xu hướng giảm, xác suất các NHTM hủy ngang các giao dịch bán kỳ hạn USD đã ký kết vào tháng 1&2/2021 là rất thấp. Bởi vậy, trong tháng 7&8/2021, một lượng tiền đồng lớn sẽ được bơm ra thị trường, lãi suất sẽ vẫn duy trì ổn định trong ngắn hạn”.
Với diễn biến thị trường, các chuyên gia phân tích của Công ty chứng khoán Bảo Việt kỳ (BVSC) vọng, lãi suất sẽ duy trì mặt bằng thấp so với các năm từ 2019 trở về trước. Theo BVSC, thanh khoản của hệ thống ngân hàng trong năm 2021 sẽ bớt dư thừa hơn so với năm 2020 khi tín dụng đang ghi nhận sự hồi phục trở lại. Tính tới ngày 16/4, tăng trưởng tín dụng đạt 3,34%, cao hơn mức 2% tính tới cuối tháng 5/2020.
“Trong thời gian tới mức tăng của tín dụng sẽ không quá “nóng”, đủ để gây áp lực lên mặt bằng lãi suất nói chung trên thị trường, khi NHNN áp hạn mức tín dụng cho phần lớn các ngân hàng ở mức thấp hơn cùng kỳ năm trước và dịch COVID-19 đang có diễn biến phức tạp. Thêm vào đó, với tăng trưởng lạm phát được đánh giá sẽ tiếp tục ở mức thấp trong năm 2021, lãi suất được kỳ vọng sẽ duy trì mặt bằng thấp so với các năm 2019 trở về trước”, các chuyên gia của BVSC dự báo.
Ngô Hải
Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ