Lãi suất huy động tăng là áp lực lên tỷ giá “vơi dần”

11/05/2024 - 01:18
(Bankviet.com) Lãi suất huy động “nhúc nhích” tăng cùng với động thái hút tiền của nhà điều hành đã khiến áp lực tỷ giá tạm lắng.
Ngân hàng hết cửa “đi đêm” lãi suất huy động? Lãi suất ngân hàng hôm nay ngày 8/5/2024: Thêm 2 ngân hàng tăng lãi suất Lãi suất ngân hàng hôm nay ngày 10/5/2024: Bao nhiêu ngân hàng có lãi suất trên 6%/năm?

Từ giữa tháng 4 đến nay, lãi suất huy động đã được các ngân hàng thương mại điều chỉnh tăng từ 0,2 điểm phần trăm đến 0,4 hoặc 0,6 điểm phần trăm. Theo đó, biểu lãi suất kỳ hạn 1 - 6 tháng tại nhiều nhà băng tăng thêm 0,2 - 0,3 điểm phần trăm, cụ thể kỳ hạn 1 tháng là 3%/năm, 3 tháng lên 3,3%/năm, 6 tháng là 4,2%/năm; lãi suất huy động kỳ hạn 12, 18, 36 tháng tăng 0,2 điểm phần trăm, lần lượt ở các mức 4,8%, 5%, 5,3%-5,4%/năm.

Xu hướng tăng lãi suất của các ngân hàng từ vùng đáy được đánh giá là một trong những diễn biến đáng chú ý của thị trường tiền tệ đầu quý 2/2024. Nhận xét về diễn biến lãi suất trên thị trường, Báo cáo vĩ mô tháng 5/2024 của Công ty CP chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, xu hướng lãi suất của nhóm ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước có sự phân hoá. Trong khi BIDVVietinBank lần lượt điều chỉnh tăng lãi suất huy động các kỳ hạn 1 - 9 tháng thêm 10 - 20 điểm cơ bản thì Vietcombank giảm lãi suất huy động tất cả các kỳ hạn thêm 10 điểm cơ bản so với cuối quý 1/2024, còn lãi suất huy động tại Agribank không đổi.

Trái ngược với nhóm Big 4, lãi suất huy động của nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân ghi nhận mức tăng mạnh hơn từ 20 - 50 điểm cơ bản trong tháng 4/2024. Đặc biệt, mức tăng mạnh nhất ở các kỳ hạn ngắn (1 - 3 tháng) thuộc về nhóm tư nhân cấp 1 trong khi các ngân hàng thuộc diện tái cơ cấu có xu hướng điều chỉnh lãi suất huy động ở các kỳ hạn dài hơn (từ 6 tháng trở lên).

“So với đầu năm, lãi suất huy động bình quân vẫn thấp hơn khoảng 50 - 75 điểm cơ bản. Diễn biến tiếp theo của mặt bằng lãi suất sẽ tuỳ thuộc vào khả năng kiểm soát đà mất giá của tiền đồng cũng như diễn biến chính sách tiền tệ của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed)”, chuyên gia phân tích của VDSC nhận xét.

Ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất tiền gửi chạm đáy giai đoạn COVID-19
Ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất tiền gửi chạm đáy giai đoạn COVID-19

Theo đánh giá của giới chuyên gia tài chính, diễn biến lãi suất liên ngân hàng và tỷ giá gần đây cho thấy, tín hiệu rằng mặt bằng lãi suất huy động có thể phục hồi về thời điểm đầu năm nay trong các tháng tới, tương đương với mức tăng bình quân 50 - 100 điểm cơ bản từ vùng đáy, tuỳ kỳ hạn và nhóm ngân hàng.

Chiều 10/5, trao đổi với phóng viên Báo Công Thương về việc nhiều ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm, Phó Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại có trụ sở tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho rằng, tùy theo chính sách huy động vốn mà mỗi ngân hàng sẽ đưa ra quyết định tăng hay giảm lãi suất. Với việc điều chỉnh tăng lãi suất như gần 1 tháng trở lại đây đồng nghĩa với việc các ngân hàng dự báo lãi suất trong thời gian tới sẽ đi lên để đón dòng vốn giá rẻ.

Một lĩnh vực được chú ý khác của thị trường tiền tệ, và cũng liên quan tới diễn biến lãi suất chính là tỷ giá. Thực tế, kể từ sau khi Ngân hàng Nhà nước bắt đầu bán ngoại tệ can thiệp thị trường thì đà tăng của tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng đã dừng lại. Trong suốt 2 tuần cuối tháng 4 và đầu tháng 5, tỷ giá niêm yết tại Vietcombank gần như không đổi ở mức 25.127 - 25.457 đồng/USD. Cùng với đó, tỷ giá trên thị trường tự do cũng neo ở mức cao khoảng 25.700 - 25.800 đồng đối với chiều bán ra. Quy mô bán ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước từ 19/4 đến nay không quá lớn, ước chỉ khoảng 500 - 700 triệu USD (tương đương khoảng 13 - 18 nghìn tỷ đồng).

Báo cáo của VDSC cho rằng, ba yếu tố giúp tỷ giá ngừng tăng thêm là đồng USD gặp đang ngưỡng cản ở vùng 105 - 106 điểm; hoạt động điều tiết của Ngân hàng Nhà nước trên thị trường mở khiến mặt bằng lãi suất thị trường liên ngân hàng neo ở mức cao, bình quân khoảng 4,2%/năm đối với lãi suất cho vay qua đêm đối với tiền đồng trong hai tuần cuối tháng 4; và cuối cùng là mặt bằng lãi suất trên thị trường mở nhích lên cùng với lãi suất huy động tăng trở lại cũng tác động đến kỳ vọng về tỷ giá.

Theo chuyên gia phân tích của VDSC, kịch bản kiểm soát đà mất giá tiền đồng ở mức 5% có thể giữ được trong ngắn hạn, tuy nhiên, biến số về triển vọng lãi suất của Fed và khả năng đồng USD phục hồi vẫn đang khiến cho rủi ro mất giá tiền đồng vẫn hiện hữu.

Nhận định về thị trường tiền tệ quý 2 và những tháng tới, các chuyên gia tài chính cho rằng, cần lưu ý một số diễn biến vĩ mô quan trọng. Đó là việc Ngân hàng Nhà nước có khả năng sẽ hút ròng trở lại nhằm duy trì mức nền lãi suất đủ cao trên thị trường liên ngân hàng để ứng phó với áp lực tỷ giá. Ngoài ra, yếu tố thúc đẩy áp lực mất giá tiền đồng có thể quay trở lại nếu Fed trì hoãn thêm thời điểm cắt giảm lãi suất. Bên cạnh đó, động thái giảm lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới (trừ Fed) sẽ tạo cơ hội để đồng USD phục hồi qua ngưỡng cản 105 - 106 điểm.

Bộ phận Nghiên cứu toàn cầu của HSBC trong báo cáo mới “Vietnam At A Glance: Câu chuyện xe điện” vừa xuất bản cũng đã đưa ra góc nhìn về lãi suất và động thái điều hành của Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, trong bối cảnh áp lực lên VND gần đây đang gia tăng, có những băn khoăn là điều này này có thể là nguyên nhân để Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất. HSBC cho rằng, tăng lãi suất trong khi tăng trưởng tín dụng còn yếu có thể không tốt cho những tăng trưởng kinh tế mới chớm nở, và đây cũng không phải liều thuốc tiên để hỗ trợ cho đồng nội tệ. Vì vậy, HSBC không kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ có động thái tăng lãi suất.

Ông Nguyễn Thế Minh, chuyên gia Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam dự báo, từ nay đến cuối năm các ngân hàng thường phải duy trì mức biên lợi nhuận từ 1,5% - 2%, trong khi đó lãi suất cho vay ra có tài sản đảm bảo rơi vào khoảng 8% - 10%, như vậy lãi suất huy động cao nhất chỉ trong khoảng 6% - 7%/năm.

Thuỳ Linh

Theo: Báo Công Thương