Báo cáo thị trường tiền tệ hàng tuần mới công bố của công ty chứng khoán MBS dẫn số liệu của FiinPro cho thấy, nửa đầu tháng 9/2021 đã có 6.384 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) được phát hành ở thị trường trong nước.
Trong đó, bất động sản và ngân hàng vẫn là hai lĩnh vực phát hành lớn nhất, với 2.604 tỷ đồng thuộc về các doanh nghiệp bất động sản và 2.360 tỷ đồng là của các ngân hàng.
Công ty Cổ phần Masan High-Tech Materials và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Nam Á (SeABank) phát hành khối lượng trái phiếu lớn nhất đều đạt 1.000 tỷ đồng với lãi suất lần lượt là 9,2% và 4,1%.
Công ty TNHH Đầu tư Big Gain phát hành trái phiếu có lãi suất cao là 11%/năm với khối lượng là 900 tỷ đồng còn lãi suất thấp nhất thuộc về SeABank với lãi suất 4,1%.
Nhìn chung, lãi suất phát hành trái phiếu của nhóm bất động sản (từ 9,2 - 11%/năm) cao hơn rất nhiều so với ngân hàng (từ 4,1% - 7,23%).
Ở thị trường trái phiếu Chính phủ, cũng theo báo cáo của MBS, trong nửa đầu tháng 9, tình hình phát hành TPCP đã cải thiện hơn. Trong số 31.000 tỷ đồng trái phiếu được chào bán, có 27.470 tỷ đồng được huy động, tỷ lệ 89%.
Lượng phát hành thành công cao hơn so với cùng kỳ tháng trước. Trong đó, toàn bộ trái phiếu kỳ hạn 7 năm và 20 năm tiếp tục được huy động được toàn bộ khối lượng gọi thầu với lợi suất trúng thầu đạt 1,17%/năm và 2,8%/năm.
Mức lợi suất trúng thầu của các trái phiếu đi ngang so với cuối tháng 8. Lợi suất kỳ hạn 10 năm và 15 năm lần lượt là 2,06%/năm và 2,29%/năm, tăng 1-3 điểm cơ bản so với cuối tháng trước. Lợi suất kỳ hạn 5 năm giảm 2 điểm cơ bản xuống mức 0,82%/năm. Mức lợi suất hiện tại dù thấp do thanh khoản thị dồi dào nhưng đã phù hợp với kỳ vọng của thị trường khi tỷ lệ trúng thầu tương đối cao.
Linh Đan
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam