Lãnh đạo Sabeco tiết lộ lý do chưa đầu tư mạnh vào bia không cồn
Lãnh đạo Sabeco cho biết thị trường bia không cồn còn nhỏ, chưa phải thời điểm đầu tư mạnh; công ty ưu tiên phát triển dòng bia có độ cồn thấp.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 diễn ra vào sáng 24/4, Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đã công bố kết quả kinh doanh năm 2024 với doanh thu 41.135 tỷ đồng, tăng gần 4,5% so với 2023 và hoàn thành 93% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 4.495 tỷ đồng – tăng 5,6%, hoàn thành 98% mục tiêu.

Trên cơ sở kết quả khả quan, Hội đồng quản trị trình phương án chia cổ tức năm 2024 lên đến 50% mệnh giá, tương đương khoảng 6.400 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức kế hoạch 35% ban đầu. Trước đó, cổ tức năm 2023 được chi trả ở mức 35% bằng tiền mặt.
Dù kết quả năm 2024 tích cực, Sabeco đặt kế hoạch 2025 khá thận trọng với doanh thu mục tiêu 31.641 tỷ đồng (giảm nhẹ 1%) nhưng lợi nhuận sau thuế vẫn kỳ vọng tăng 8% lên mức 4.835 tỷ đồng.
Ông Pramoad Phornprapha – Thành viên HĐQT Sabeco chia sẻ: “Chúng tôi chưa tính đến những biến động gần đây cũng như thuế đối ứng từ Mỹ khi xây dựng kế hoạch. Nhưng sẽ cố gắng hoàn thành mục tiêu nhờ 4 hướng: tối ưu danh mục và sản lượng, kiểm soát chi phí chuỗi cung ứng, đổi mới sản phẩm, và tăng trưởng bền vững vì cộng đồng”.
Trả lời cổ đông về khả năng niêm yết cổ phiếu Sabeco trên sàn chứng khoán quốc tế, đại diện doanh nghiệp cho biết hiện không có kế hoạch mở rộng ra ngoài thị trường trong nước. Chiến lược trung và dài hạn vẫn tập trung vào thị trường Việt Nam – nơi Sabeco giữ vị thế dẫn đầu.
Với câu hỏi liên quan đến triển vọng thị trường đồ uống không cồn, lãnh đạo Sabeco nhìn nhận đây là một phân khúc tiềm năng nhưng vẫn còn nhỏ so với quy mô ngành bia. Do đó, công ty tạm thời tập trung vào các sản phẩm có độ cồn thấp như 333 Pilsner, Chill hay Lạc Việt. Đại diện Sabeco chia sẻ, xu hướng người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ, đang dịch chuyển về phía những sản phẩm nhẹ hơn, dưới 4% độ cồn – trái ngược với thị hiếu cách đây một thập kỷ, vốn ưa chuộng bia có độ cồn trên 5%.
Liên quan đến thương vụ sáp nhập với Sabibeco, trả lời câu hỏi cổ đông về mục đích và hiệu quả thương vụ, đại diện Sabeco cho biết việc mua lại mang lại ba lợi ích lớn: tăng sản lượng lon phục vụ nhu cầu thị trường trong nước, tận dụng hệ thống 6 nhà máy ở vị trí chiến lược để cải thiện logistics, và làm phong phú danh mục với thương hiệu bình dân Sagota. Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi đã bắt đầu tối ưu hóa định mức sản xuất tại các nhà máy của Sabibeco. Khi đạt hiệu quả, Sabibeco sẽ có lợi nhuận để chia cổ tức cho cổ đông”.
Trả lời về tình hình kinh doanh quý I/2025, đại diện Sabeco từ chối công bố trước thời hạn, với lý do doanh nghiệp có lịch công bố thông tin định kỳ theo quy định. Về thị phần, doanh nghiệp cho biết không thể chia sẻ công khai do chính sách nội bộ, nhưng cũng cho hay các số liệu hiện tại đều dựa trên dữ liệu của các hãng nghiên cứu thị trường quốc tế mà nhiều doanh nghiệp trong ngành cùng sử dụng.
Khi được cổ đông đề cập đến khả năng mở rộng thị trường ra Đông Nam Á, lãnh đạo Sabeco khẳng định: “Hiện tại, chúng tôi chưa có kế hoạch cụ thể cho khu vực. Trọng tâm vẫn là khai thác hiệu quả thị trường Việt Nam”.
Về xu hướng tiêu dùng, đại diện công ty cho biết khẩu vị người Việt có sự khác biệt rõ rệt giữa các vùng miền. Tại miền Bắc, các sản phẩm bia có độ cồn nặng như 333 được ưa chuộng hơn, trong khi thị trường miền Nam có xu hướng lựa chọn các dòng nhẹ, dễ uống như 333 Pilsner. Tuy vậy, Sabeco vẫn duy trì triết lý “bia cho người Việt”, và nỗ lực phát triển các sản phẩm mang tính toàn quốc, đồng thời điều chỉnh công thức để phù hợp khẩu vị từng khu vực.
Trả lời cổ đông về việc ứng dụng công nghệ trong vận hành, đại diện Sabeco cho biết doanh nghiệp đã và đang nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào các hoạt động kinh doanh, quản trị. Đây là một trong những lĩnh vực trọng tâm mà Sabeco dự kiến sẽ đầu tư mạnh hơn trong tương lai gần.