Tỷ phú Phạm Nhật Vượng: Nếu thuận lợi, VinFast sẽ bán 500.000 xe mỗi năm từ 2026
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng cho biết nếu điều kiện thuận lợi, VinFast có thể đạt được mục tiêu bán 500.000 xe điện mỗi năm từ 2026.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 của Tập đoàn Vingroup diễn ra sáng 24/4, Chủ tịch HĐQT Phạm Nhật Vượng đã có những phát biểu quan trọng làm rõ định hướng chiến lược của Tập đoàn, đặc biệt xoay quanh tương lai của VinFast và vai trò của mảng công nghiệp trong tổng thể hoạt động của Vingroup.

Khi được cổ đông đặt câu hỏi về mục tiêu từng nêu từ năm 2018 là sản xuất và bán 500.000 xe VinFast mỗi năm, ông Vượng khẳng định đây vẫn là cột mốc quan trọng và hoàn toàn khả thi trong tương lai gần. “Nếu mọi điều kiện thuận lợi, chúng tôi có thể đạt được mục tiêu đó vào khoảng năm 2026 hoặc 2027,” ông nói, đồng thời cho biết toàn bộ đội ngũ đang tập trung tối đa cho mục tiêu này.
Chủ tịch Vingroup cũng bày tỏ sự vui mừng khi nghe một cổ đông chia sẻ rằng đã sử dụng xe VinFast từ năm 2019 đến nay và cảm nhận được sự cải tiến về chất lượng dịch vụ. “Đó là minh chứng thực tế cho những nỗ lực không ngừng của chúng tôi,” ông nói thêm.
VinFast – đơn vị thành viên chủ lực của Tập đoàn Vingroup được kỳ vọng sẽ tăng ít nhất gấp đôi sản lượng bàn giao trong năm 2025 so với năm trước. Tại thị trường nội địa, hãng tiếp tục đẩy mạnh mở rộng hệ thống phân phối, nâng cao chất lượng dịch vụ hậu mãi và thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ xe sử dụng động cơ đốt trong sang xe thuần điện.
Chủ tịch Vingroup cho biết: “VinFast đặt kế hoạch chiếm 40% thị phần ô tô tại thị trường Việt Nam và hiện đã đạt được điểm hòa vốn”.
Ở thị trường quốc tế, VinFast tiếp tục theo đuổi chiến lược tập trung vào các quốc gia đang phát triển với quy mô dân số lớn như Indonesia, Philippines và Ấn Độ – nơi tổng dân số lên tới gần 1,9 tỷ người. Theo kế hoạch, hai nhà máy của VinFast tại Indonesia và Ấn Độ sẽ bắt đầu đi vào vận hành ngay trong năm 2025, mở rộng năng lực sản xuất toàn cầu và tạo bàn đạp cho tham vọng tăng trưởng dài hạn.
Từ năm 2024, VinFast đã ghi dấu ấn rõ nét trong ngành công nghiệp xe điện với tổng sản lượng đạt khoảng 97.400 xe ô tô và xe buýt điện, cùng 71.000 xe máy điện xuất xưởng. Trong đó, thị trường Việt Nam tiếp tục giữ vai trò chủ lực, đóng góp gần 88.000 xe bán ra, giúp VinFast vươn lên dẫn đầu thị phần ô tô tại thị trường nội địa. Các mẫu xe VF 5 và VF 3 được người tiêu dùng đón nhận tích cực, ghi nhận doanh số cao nhất trong dải sản phẩm.
Đến cuối năm, VinFast đã hoàn thiện và thương mại hóa bảy mẫu ô tô điện, gồm: VF 3, VF 5, VF 6, VF e34, VF 7, VF 8 và VF 9; đồng thời giới thiệu loạt phương tiện điện khác như xe máy điện, xe buýt điện và xe đạp điện. Với tầm nhìn mở rộng quy mô toàn cầu, hãng đã đặt dấu chân tại nhiều thị trường quan trọng như Mỹ, Canada, Đức, Hà Lan, Pháp, UAE, Oman, Indonesia, Philippines và Ấn Độ.
Tại Việt Nam, VinFast cũng tập trung phát triển hệ sinh thái phục vụ người dùng xe điện, bao gồm 150.000 cổng sạc, 111 xưởng dịch vụ và 269 showroom phủ khắp toàn quốc – tạo nền tảng vững chắc để thúc đẩy xu hướng chuyển đổi từ phương tiện truyền thống sang phương tiện xanh.
Trả lời câu hỏi khác liên quan đến chiến lược chuyển đổi từ bất động sản – dịch vụ sang công nghiệp, Chủ tịch Phạm Nhật Vượng khẳng định Vingroup không chuyển hẳn sang công nghiệp, mà vẫn kiên định với định hướng phát triển dựa trên năm trụ cột chiến lược đã xác lập từ năm 2017, bao gồm: công nghệ – công nghiệp, thương mại – dịch vụ, thiện nguyện – xã hội, hạ tầng và năng lượng.
“Công nghiệp là một phần quan trọng, nhưng không phải là tất cả. Tôi tin rằng tỷ trọng doanh thu từ mảng công nghiệp sẽ tăng rất nhanh trong thời gian tới, nhưng nó vẫn chỉ là một phần trong tổng thể năm trụ cột chiến lược của Tập đoàn”, ông Vượng nói rõ.
Liên quan đến mảng năng lượng, ông cho biết Vingroup đang triển khai một dự án nhà máy điện có công suất 4,8 GW. Theo ông, đây không chỉ là một bước đi lý tưởng về năng lượng xanh, mà còn nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết về điện cho khu vực miền Bắc. “Dự án này tuy chưa hẳn là ‘xanh’ đúng nghĩa, nhưng chắc chắn ít gây ô nhiễm hơn nhiều so với các giải pháp truyền thống, và đó là lựa chọn chiến lược để đảm bảo an ninh năng lượng”, ông Vượng nhấn mạnh.