Công ty CP Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (VEFAC, HOSE: VEF) vừa công bố báo cáo tài chính quý 1/2025 với những con số tăng trưởng ngoạn mục, chủ yếu nhờ việc ghi nhận doanh thu từ hoạt động chuyển nhượng một phần dự án Vinhomes Global Gate.

Doanh thu thuần quý này đạt mức kỷ lục 44.560 tỷ đồng, cao gấp hàng chục nghìn lần so với mức 268 triệu đồng cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, gần như toàn bộ đến từ thương vụ chuyển nhượng dự án bất động sản Vinhomes Global Gate cho Công ty CP Thời đại mới T&T – một đơn vị có liên quan đến Masterise Group. Khoản doanh thu từ hoạt động cốt lõi như tổ chức hội chợ, triển lãm và các dịch vụ khác chỉ đóng góp 250 triệu đồng.
Theo quyết định được UBND TP. Hà Nội phê duyệt ngày 12/3, VEFAC đã chuyển nhượng 427.078,5 m² đất ở và 323.318,3 m² đất công cộng có mục đích kinh doanh thuộc dự án Vinhomes Global Gate. Tổng giá trị chuyển nhượng ghi nhận là 44.560 tỷ đồng.
Ngoài nguồn thu đột biến từ bất động sản, doanh thu tài chính trong kỳ cũng tăng gần 15 lần so với cùng kỳ, đạt 1.857 tỷ đồng – phản ánh kết quả từ các hoạt động hợp tác kinh doanh.

Lợi nhuận trước thuế trong quý của VEFAC đạt hơn 18.600 tỷ đồng. Sau thuế, công ty ghi nhận mức lãi ròng 14.873 tỷ đồng, cao gấp 162 lần so với quý I/2024. Lãi cơ bản trên mỗi cổ phiếu (EPS) vọt lên 89.275 đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ đạt 550 đồng.
Về cơ cấu tài sản, tổng tài sản của VEFAC tại ngày 31/3/2025 còn 40.137 tỷ đồng, giảm mạnh 61,8% so với cuối năm 2024. Mức sụt giảm đến từ việc thu hẹp hàng tồn kho và các khoản phải thu ngắn hạn. Trong đó, khoản phải thu ngắn hạn giảm hơn 49.700 tỷ đồng, chủ yếu do giảm khoản phải thu liên quan đến hợp đồng hợp tác với Vinhomes tại dự án Global Gate. Hàng tồn kho cũng giảm hơn 22.000 tỷ đồng, chủ yếu là chi phí đất, xây dựng, lãi vay và các chi phí liên quan tại hai dự án: Vinhomes Global Gate và Trung tâm thương mại – dịch vụ – văn hóa tại địa chỉ 148 Giảng Võ, Hà Nội.
Tương ứng với sự giảm tài sản, nợ phải trả của VEFAC cũng co lại mạnh, từ 101.089 tỷ đồng xuống còn 21.245 tỷ đồng, phần lớn do khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn không còn (từ 63.090 tỷ đồng về 0). Nhờ vậy, vốn chủ sở hữu đã tăng vọt lên 18.892 tỷ đồng, cao gấp 4,7 lần so với cùng kỳ năm trước.
VEFAC hiện là công ty con của Tập đoàn Vingroup (VIC), với tỷ lệ sở hữu hơn 83%. Cổ đông lớn thứ hai là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nắm giữ 10% vốn điều lệ. Tính đến hết tháng 3/2025, công ty có 75 nhân sự, tăng nhẹ so với cuối năm 2024.
Trên thị trường chứng khoán, tính đến thời điểm 13h20 phiên giao dịch ngày 23/4, cổ phiếu VEF tăng mạnh 8,48% so với giá đóng cửa phiên trước đó, đang được giao dịch ở mức 215.000 đồng/cp.
Nếu so với mức giá mở cửa phiên giao dịch ngày 9/4 (ở mức 152.000 đồng/cp), hiện thị giá cổ phiếu của VEFAC đã tăng hơn 41% chỉ sau chưa đầy nửa tháng.