Sẽ tiến hành thanh tra việc triển khai bán bảo hiểm qua tổ chức tín dụng 5 nội dung cơ bản của Luật Các tổ chức tín dụng 2024 Công bố lãi suất cho vay: Hạn cuối trước 1/4/2024 |
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang lấy ý kiến Dự thảo Thông tư Quy định về việc xây dựng và thực hiện lộ trình tuân thủ các quy định về giới hạn góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng, công ty con của tổ chức tín dụng.
Đảm bảo phù hợp với quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng 2024
Ngân hàng Nhà nước cho biết, tại Khoản 5 Điều 210 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 quy định Quy định chuyển tiếp: “5. Tổ chức tín dụng có các khoản góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng khác quy định tại Điểm b Khoản 5 Điều 137 của Luật này, công ty con của tổ chức tín dụng có các khoản góp vốn, mua cổ phần quy định tại Khoản 5 Điều 137 của Luật này trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành, cổ đông và người có liên quan tại ngân hàng thương mại sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ quy định tại Điều 55 của Luật Các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 17/2017/QH14 phải xây dựng và thực hiện lộ trình để bảo đảm tuân thủ các quy định tại Luật này theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước”. Như vậy, việc ban hành dự thảo Thông tư là phù hợp với nội dung được Luật Các tổ chức tín dụng giao cho Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định tại Khoản 5 Điều 210.
Bên cạnh đó, tại Khoản 5 Điều 137 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 quy định về Giới hạn góp vốn mua cổ phần: “5. Tổ chức tín dụng, công ty con của tổ chức tín dụng không được góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng sau đây: a) Doanh nghiệp, tổ chức tín dụng khác là cổ đông, thành viên góp vốn của tổ chức tín dụng đó; b) Doanh nghiệp, tổ chức tín dụng khác là người có liên quan của cổ đông lớn, thành viên góp vốn của tổ chức tín dụng đó.”
Tổ chức tín dụng tuân thủ các quy định về giới hạn góp vốn, mua cổ phần |
Theo Khoản 5 Điều 210 Luật Các tổ chức tín dụng 2024, Ngân hàng Nhà nước cần phải xây dựng, ban hành Thông tư mới hướng dẫn tổ chức tín dụng có các khoản góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng khác quy định tại Điểm b Khoản 5 Điều 137 của Luật này, công ty con của tổ chức tín dụng có các khoản góp vốn, mua cổ phần quy định tại Khoản 5 Điều 137 của Luật này trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành phải xây dựng và thực hiện lộ trình để bảo đảm tuân thủ các quy định tại Luật này theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Trên thực tế, có thể phát sinh trường hợp tổ chức tín dụng, công ty con của tổ chức tín dụng đang có các khoản góp vốn, mua cổ phần theo quy định tại Khoản 5 Điều 137 Luật Các tổ chức tín dụng 2024. Vì vậy, việc ban hành Thông tư là cần thiết để tổ chức tín dụng có cơ sở pháp lý thực hiện trong thực tiễn.
Lộ trình tuân thủ quy định
Dự thảo Thông tư bao gồm 11 Điều. Theo đó, một số nội dung đáng chú ý tại Dự thảo Thông tư: Tại Điều 3 về thời hạn lộ trình tuân thủ quy định: Lộ trình tuân thủ đảm bảo chậm nhất ngày 1/7/2025 tổ chức tín dụng, công ty con của tổ chức tín dụng tuân thủ các quy định
Tại Điều 4, 5, 6 xây dựng lộ trình để: Tổ chức tín dụng tuân thủ các quy định về giới hạn góp vốn, mua cổ phần tại Điểm b Khoản 5 Điều 137 Luật Các tổ chức tín dụng; để công ty con của tổ chức tín dụng tuân thủ các quy định về giới hạn góp vốn, mua cổ phần tại Điểm a Khoản 5 Điều 137 Luật Các tổ chức tín dụng; để công ty con của tổ chức tín dụng tuân thủ các quy định về giới hạn góp vốn, mua cổ phần tại Điểm b Khoản 5 Điều 137 Luật Các tổ chức tín dụng.
Tổ chức tín dụng gửi lộ trình tuân thủ tại Khoản 3 Điều này đến Ngân hàng Nhà nước (qua Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng), công ty con của tổ chức tín dụng, cổ đông lớn, thành viên góp vốn liên quan trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.
Trường hợp cần thiết, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng yêu cầu tổ chức tín dụng chỉnh sửa, hoàn thiện lộ trình tuân thủ. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, tổ chức tín dụng phải chỉnh sửa, hoàn thiện và gửi lộ trình tuân thủ đến Ngân hàng Nhà nước (qua Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng), công ty con của tổ chức tín dụng, cổ đông lớn, thành viên góp vốn liên quan.
Đối với việc thực hiện lộ trình tại Điều 7, Dự thảo quy định: Tổ chức tín dụng và tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm triển khai thực hiện lộ trình theo nội dung lộ trình tuân thủ đã gửi Ngân hàng Nhà nước quy định tại Thông tư này và các quy định pháp luật có liên quan.
Trong thời gian triển khai Lộ trình tuân thủ, tổ chức tín dụng, công ty con của tổ chức tín dụng không được góp thêm vốn, tăng số lượng cổ phần nắm giữ tại doanh nghiệp, tổ chức tín dụng liên quan tại lộ trình tuân thủ (trừ trường hợp nhận cổ phiếu thưởng hoặc cổ tức bằng cổ phiếu).
Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng theo dõi, giám sát việc thực hiện lộ trình tuân thủ của tổ chức tín dụng.
Trường hợp công ty con của tổ chức tín dụng không thực hiện đúng theo lộ trình tuân thủ, tổ chức tín dụng phải thực hiện giảm tỷ lệ vốn góp, giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần nắm giữ tại công ty con hoặc các biện pháp khác để đảm bảo tuân thủ quy định tại Khoản 5 Điều 137 Luật Các Tổ chức tín dụng.
Trường hợp tổ chức tín dụng, công ty con của tổ chức tín dụng không thực hiện đúng theo lộ trình tuân thủ, tùy theo tính chất, mức độ, Ngân hàng Nhà nước xem xét, áp dụng các biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật.
Khi hết thời hạn thực hiện lộ trình mà tổ chức tín dụng, công ty con của tổ chức tín dụng chưa tuân thủ quy định tại Khoản 5 Điều 137 Luật Các Tổ chức tín dụng, tổ chức tín dụng, công ty con của tổ chức tín dụng phải tạm ngừng hoạt động góp vốn, mua cổ phần mới cho đến khi tuân thủ.
Ngân Thương