Phiên giao dịch ngày 27/2, thị trường chứng kiến sự chuyển biến tích cực của chỉ số VN-Index ngay từ khi mở cửa. Lực mua chiếm ưu thế giúp cho chỉ số giữ được sắc xanh đến hết phiên giao dịch. Đóng cửa, VN-Index tăng hơn 13 điểm, leo lên mốc 1.237,46 điểm; HNX-Index tăng 2,5 điểm, leo lên mốc 235,38 điểm.
Toàn thị trường ghi nhận 520 mã tăng điểm, trong khi chỉ có khoảng 215 mã giảm điểm. Thanh khoản phiên đạt 23.015 tỷ, tăng 18,3% so với phiên trước và tăng 11,42% so với trung bình 10 phiên.
Trong phiên, nhóm cổ phiếu bất động sản vừa và lớn đồng loạt hút tiền tăng mạnh. Cụ thể, nhóm IDC, DIG, NBB, CEO, NTL tăng từ 3-6%; QCG, KDH, CRE, CII, PDR, DXG, VHM tăng từ 2-3%; các cổ phiếu HDG, TIG, BCR, NVL, VRE, KBC, TCH, VIC cũng tăng trên 1%. Khối lượng giao dịch cả nhóm trong phiên đạt hơn 4.400 tỷ đồng.
Tăng mạnh nhất nhóm bất động sản phiên 27/2 là cổ phiếu PXL của Công ty CP Đầu tư Khu Công nghiệp Dầu khí Long Sơn (sàn UPCoM) với mức 7% lên 13.800 đồng/cp. Khớp lệnh cuối phiên đạt gần 1 triệu đơn vị. Tính từ phiên 20/2 tới nay, cổ phiếu PXL ghi nhận mức tăng thêm 25% sau 6 phiên, hiện có giá 13.800 đồng/cp.
Tính chung 1 tháng giao dịch gần nhất, cổ phiếu bất động sản này tăng tới 65%. Đi kèm với đó, khối lượng giao dịch trung bình phiên tăng lên mức 610.000 đơn vị/phiên.
Được biết 5 phiên trước thềm năm mới 2024 Âm lịch, cổ phiếu PXL cũng lì xì cổ đông bằng mức tăng 29%, gấp gần 6 lần lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 năm tại một số ngân hàng.
Diễn biến giá cổ phiếu PXL từ đầu năm 2023 đến nay |
Theo tìm hiểu, Công ty CP Đầu tư Khu công nghiệp Dầu khí Long Sơn tiền thân là Công ty CP Đầu tư Khu Công nghiệp Dầu khí IDICO Long Sơn được thành lập ngày 9/8/2007. Vốn điều lệ hiện tại của công ty là hơn 827 tỷ đồng.
Cuối tháng 5/2016, hơn 82,7 triệu cổ phiếu PXL chính thức được giao dịch trên UPCoM với mức giá tham chiếu chào sàn là 1.900 đồng/cp. Như vậy đến thời điểm hiện tại, mã đã tăng 626% sau gần 8 năm.
Ai đang sở hữu PXL?
Theo báo cáo thường niên năm 2022, tính đến ngày 27/5/2022, Đầu tư Khu Công nghiệp Dầu khí Long Sơn có 11.482 cổ đông trong đó 31 tổ chức trong nước nắm giữ 54,75% vốn điều lệ của công ty.
Hai cổ đông lớn của PXL là Công ty CP Hạ tầng Gelex (trước đây là Công ty TNHH MTV Năng lượng Gelex) đang nắm giữ hơn 21 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 25,47%) và Tổng Công ty CP IDICO (Mã IDC) - thành viên sáng lập công ty - nắm hơn 7 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 8,53%).
Theo sau là Công ty CP Quản lý Quỹ Đầu tư MB nắm giữ hơn 4,1 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 4,97% và ông Trần Minh Chính nắm giữ 3,9 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 4,77%.
Một số người nội bộ và người có liên quan khác của công ty sở hữu lượng cổ phiếu không đáng kể như ông Lê Công Trung, Ủy viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc nắm giữ 296.367 cổ phiếu, tỷ lệ 0,36%; ông Trần Ngọc Hưng, cựu Ủy viên HĐQT nắm giữ 285.900 cổ phiếu, tỷ lệ 0,35%; ông Bùi Lê Cao Kế, Thành viên HĐQT nắm giữ 1.100 cổ phiếu; và ông Phạm Minh Lượng nắm giữ 3.500 cổ phiếu.
Về kết quả kinh doanh, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của PXL giai đoạn 2020-2022 duy trì dưới mức 8 tỷ đồng/năm; lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 8,2 tỷ, 14,6 tỷ và 0,7 tỷ đồng.
Năm 2023, công ty ghi nhận doanh thu thuần 12,3 tỷ đồng và lãi sau thuế 462 triệu đồng - mức thấp nhất nhiều năm. Cơ cấu nguồn vốn tại thời điểm cuối năm gồm 824 tỷ đồng vốn chủ sở hữu và gần 50 tỷ đồng nợ phải trả.
Ông lớn đứng sau thu phí không dừng VETC "nhăm nhe" thâu tóm dự án 600 tỷ tại Phú Thọ Nếu được chấp thuận làm Khu đô thị mới tại con phố vàng này, đây sẽ là dự án bất động sản đầu tiên của ... |
Giải bài toán nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam Thu hút dòng vốn nước ngoài tham gia thị trường chứng khoán (TTCK) là một nhiệm vụ trọng tâm góp phần thúc đẩy sự tăng ... |
Vừa đón tin vui từ cổ đông lớn, Dược phẩm Hà Tây phải thu hồi lô thuốc không đủ tiêu chuẩn Đây là lô thuốc do Công ty Kausikh Therapeutics (P) Ltd. (Ấn Độ) sản xuất, Công ty CP Dược phẩm Hà Tây nhập khẩu. |
Nguyên Nam