Mỹ vừa chi gần 3 tỷ USD săn lùng ‘cây quý’ từ Việt Nam: Hơn 120 thị trường mua hàng, nước ta là ông lớn đứng thứ 5 thế giới
Hiện mặt hàng này đã được xuất khẩu đến 120 quốc gia và vũng lãnh thổ trên thế giới.
Gỗ là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu đạt hàng chục tỷ USD mỗi năm. Theo số liệu thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ trong tháng 4 đã mang về hơn 1,4 tỷ USD, giảm nhẹ 1,8% so với tháng trước. Lũy kế trong 3 tháng đầu năm mặt hàng này đã thu về hơn 5,3 tỷ USD, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2024.

Xét về thị trường, Mỹ đang tăng cường nhập khẩu gỗ từ Việt Nam với kim ngạch đạt hơn 2,9 tỷ USD, đứng đầu trong số tất cả các thị trường, đồng thời tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2024. Đứng thứ 2 là Nhật Bản với hơn 690 triệu USD, tăng mạnh 27% so với 4T/2024.

Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu gỗ lớn thứ 3 của Việt Nam với hơn 567 triệu USD kể từ đầu năm, tuy nhiên giảm 15% so với cùng kỳ năm 2024.
Trước đó trong năm 2024, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 16,25 tỷ USD, tăng 20,3% so với năm 2023. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam đã trở thành quốc gia đứng thứ 5 thế giới, thứ 2 châu Á, và đứng đầu Đông Nam Á về xuất khẩu gỗ và lâm sản.
Đến nay, Việt Nam cũng có đến 4.500 doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản, trong đó 95% là doanh nghiệp tư nhân, 3,5% là doanh nghiệp có vốn đầu tư trên 50 tỷ đồng. Số doanh nghiệp chế biến sản phẩm xuất khẩu là trên 1.800 doanh nghiệp, tăng hơn 300 doanh nghiệp so với năm 2017. Trong đó, doanh nghiệp trong nước chiếm 65%, còn lại là doanh nghiệp có vốn đầu tư hoặc liên kết, liên doanh với doanh nghiệp nước ngoài.
Về thị trường xuất khẩu gỗ, lâm sản ngày càng được mở rộng. Nếu như năm 2005, sản phẩm gỗ và lâm sản xuất khẩu của Việt Nam mới xuất khẩu đến 60 quốc gia và vùng lãnh thổ thì đến năm 2018 đã có mặt ở hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Theo báo cáo của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, thị trường Mỹ chiếm hơn 55% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ của nước ta. Thống kê từ ngành gỗ Bình Dương – một trung tâm chế biến gỗ lớn – cho thấy khoảng 80% đơn hàng xuất khẩu gỗ từ đây được gửi sang Mỹ. Trước đây, sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ được hưởng mức thuế 0%, tạo nên lợi thế cạnh tranh về giá so với các đối thủ ở nước ngoài. Tuy nhiên, với mức thuế mới, giá thành sản phẩm sẽ tăng đáng kể, khiến lợi thế cạnh tranh bị xói mòn so với các nước như Trung Quốc (34%), Ấn Độ (26%) và Thái Lan (37%), vốn chỉ chịu mức thuế thấp hơn đáng kể. Điều này buộc các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ phải tìm cách giảm chi phí hoặc chấp nhận biên lợi nhuận thấp hơn để duy trì thị trường.
Báo cáo phân tích gần đây của Chứng khoán MBS cho rằng, nhờ lợi thế về giá thành rẻ – với 70% nguyên liệu được cung ứng trong nước – Việt Nam đã từng tiến vào top 3 quốc gia xuất khẩu gỗ sang Mỹ. Tuy nhiên, nếu bị áp thuế đối ứng lên tới 46%, giá bán sản phẩm gỗ sẽ tăng mạnh, mất đi lợi thế cạnh tranh và gần như ngang giá với hàng hóa từ Trung Quốc, đối thủ lớn nhất của Việt Nam trong khu vực.
Ngành Nông nghiệp Việt Nam đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 18 tỷ USD trong năm 2025 và tới năm 2030 sẽ đạt 25 tỷ USD.