Cú "trượt dài" thương hiệu của Đoàn Di Băng

08/05/2025 - 17:32
(Bankviet.com) Quảng cáo rầm rộ, chốt đơn trăm nghìn chai nhưng chỉ một lô lỗi vi sinh đã kéo cả thương hiệu mỹ phẩm của Đoàn Di Băng xuống dốc giữa cơn sóng giám sát thị trường.
Hàng hóa - Giá cả

Cú "trượt dài" thương hiệu của Đoàn Di Băng

Uyên Chi 08/05/2025 10:12

Quảng cáo rầm rộ, chốt đơn trăm nghìn chai nhưng chỉ một lô lỗi vi sinh đã kéo cả thương hiệu mỹ phẩm của Đoàn Di Băng xuống dốc giữa cơn sóng giám sát thị trường.

“Bom tấn” mỹ phẩm Hanayuki bị thu hồi toàn quốc

Trong khi người tiêu dùng vẫn đang tin tưởng vào lời quảng bá “phục hồi tóc, chống rụng, ngăn nấm, an toàn cho bà bầu và cả trẻ nhỏ từ 5 tuổi” thì tối 6/5/2025, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) chính thức ra văn bản đình chỉ lưu hành, thu hồi và yêu cầu tiêu hủy toàn quốc đối với sản phẩm dầu gội Hanayuki Shampoo – chai 300g.

doandibang3.png
Lô sản phẩm dầu gội Hanayuki Shampoo bị Bộ Y tế buộc thu hồi, tiêu huỷ

Lý do thu hồi không chỉ là “vi sinh vật vượt ngưỡng” mà còn vì sản phẩm có chứa 2-Phenoxyethanol – một chất không có trong công thức công bố chính thức. Việc này ngay lập tức gây ra làn sóng nghi ngại với hàng loạt người tiêu dùng từng mua sản phẩm qua các kênh TikTok, Facebook, Shopee, livestream cá nhân của chính ca sĩ – doanh nhân Đoàn Di Băng.

Dù lỗi được xác định thuộc về nhà máy sản xuất - đối tác gia công của VB Group, công ty do chồng cô làm đại diện pháp luật nhưng hậu quả thương hiệu lại đổ dồn về phía những người nổi tiếng đứng ra quảng bá sản phẩm.

Trong hơn một năm qua, Hanayuki Shampoo là một trong những sản phẩm “gây bão” thị trường làm đẹp nội địa, đặc biệt trong phân khúc mỹ phẩm thảo dược. Trên các nền tảng thương mại điện tử, sản phẩm này thường được bán với giá khoảng 220.000–230.000 đồng/chai, có combo kèm dầu xả lên tới gần 500.000 đồng.

doandibang1.png
Thu hồi lô dầu gội Hanayuki Shampoo do vi phạm chỉ tiêu an toàn

Sự thành công đến phần lớn từ chiến lược truyền thông cá nhân hóa – điển hình là hình ảnh doanh nhân Đoàn Di Băng thường xuyên xuất hiện cùng con nhỏ, chia sẻ việc dùng sản phẩm cho cả trẻ em, phụ nữ mang thai và sau sinh.

Tuy nhiên, với lệnh thu hồi trên toàn quốc, sản phẩm này đang bị giám sát gắt gao. Bộ Y tế yêu cầu toàn bộ các cơ sở kinh doanh ngừng phân phối, trả hàng về gốc đồng thời yêu cầu tiêu hủy lô sản phẩm vi phạm và thu hồi số công bố mỹ phẩm.

Dư luận bắt đầu đặt câu hỏi: Liệu có bao nhiêu người tiêu dùng đã mua và sử dụng loại dầu gội này trong thời gian sản phẩm có nguy cơ vi phạm vi sinh? Và ai sẽ chịu trách nhiệm cuối cùng – đơn vị sản xuất, đơn vị phân phối hay người đại diện thương hiệu?

Đoàn Di Băng lên tiếng: Nhận lỗi, hoàn tiền, đổi hàng nhưng có đủ?

Ngay trong đêm 7/5, Đoàn Di Băng đã đăng tải thông báo từ công ty VB Group, thừa nhận lỗi từ nhà máy sản xuất, đồng thời khẳng định công ty sẽ đền bù bằng sản phẩm đạt chuẩn cho khách hàng, tiếp nhận đổi trả cả tại đại lý và mua trực tiếp.

doandibang.png
Dòng trạng thái của Đoàn Di Băng sau khi dòng sản phẩm bị thu hồi

Dù phản ứng nhanh và khéo nhưng khủng hoảng lần này lại cho thấy một lỗ hổng lớn trong chuỗi quản lý chất lượng của các thương hiệu mỹ phẩm Việt – nơi mà người tiêu dùng dễ bị chinh phục bằng lời quảng cáo, trong khi giấy kiểm định và công bố thành phần ít khi được truy xuất kỹ càng.

Trong bối cảnh Bộ Y tế siết chặt giám sát chất lượng mỹ phẩm, vụ việc này cũng cho thấy thách thức ngày càng lớn dành cho các KOLs, người nổi tiếng: Quảng bá không còn là hoạt động truyền thông đơn thuần – mà đang dần trở thành trách nhiệm pháp lý, đạo đức và tài chính.

Một bài học thị trường giữa kỷ nguyên TikTok và “niềm tin bán lẻ”

Câu chuyện Hanayuki cho thấy: không phải cứ livestream giỏi là có thể xây dựng một thương hiệu bền vững. Trong môi trường thương mại ngày nay, niềm tin thị trường không chỉ nằm ở giá rẻ, bao bì đẹp, lời nói hoa mỹ, mà cần sự kiểm chứng khoa học, minh bạch pháp lý và khả năng xử lý khủng hoảng chuyên nghiệp.

Với Đoàn Di Băng – người từng tạo dấu ấn với các chiến dịch bán hàng triệu đơn – vụ việc lần này có thể không đánh gục tên tuổi, nhưng chắc chắn là một lời nhắc nhở nghiêm khắc trong vai trò của một “doanh nhân KOLs”.

Uyên Chi

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán