Việt Nam sở hữu ‘mỏ vàng’ dưới nước được Trung Quốc tăng mua gần 2.000%, thu về hơn 63 triệu USD trong quý 1
Riêng thị trường Trung Quốc và Hong Kong đã nhập khẩu 1/3 mặt hàng này của Việt Nam.
Nhuyễn thể có vỏ được mệnh danh là một trong những kho báu dưới nước của Việt Nam khi mang về kim ngạch hàng trăm triệu USD mỗi năm. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Việt Nam đang có trên 41.500 ha nuôi nhuyễn thể (chủ yếu là nhuyễn thể hai mảnh vỏ) với sản lượng khoảng 265.000 tấn/năm.
Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong quý I/2025, xuất khẩu nhuyễn thể có vỏ của Việt Nam ghi nhận tăng trưởng đột phá, đạt tổng kim ngạch hơn 63 triệu USD, tăng 109% so với cùng kỳ năm trước.
Đặc biệt, thị trường Trung Quốc và Hong Kong đã vươn lên vị trí dẫn đầu, với tổng giá trị nhập khẩu hơn 23 triệu USD, tăng gần 2.000%.
Trong quý 1/2024, nhóm thị trường Trung Quốc và Hong Kong chỉ chiếm 4% thì bước sang quý 1/2025 thị trường này đã nhảy vọt lên chiếm tới 37%. Con số này vượt xa các thị trường quan trọng khác như EU với 18 triệu USD, Mỹ với hơn 6 triệu USD.

Trong bối cảnh thị trường truyền thống EU đang giảm tỷ trọng do yếu tố cạnh tranh và quy định khắt khe hơn, Trung Quốc nổi lên như một thị trường chiến lược. Ngoài quy mô tiêu thụ lớn, thị trường này còn linh hoạt hơn trong quy chuẩn nhập khẩu và có hệ thống tiêu thụ đa dạng từ siêu thị đến chợ đầu mối.
Nhuyễn thể Việt Nam được xuất khẩu sang các thị trường truyền thống như Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc. Những năm gần đây, doanh nghiệp đã và đang mở rộng thị trường sang các vùng Đông Âu, Bắc Âu, Trung Đông, châu Phi, Bắc Mỹ, Nam Mỹ và châu Á.
Trong 3 tháng đầu năm, Trung Quốc hiện nhập khẩu nhiều nhất các loại ốc hương, nghêu và điệp. Trong đó, ốc hương sống chiếm áp đảo với gần 16 triệu USD, tiếp theo là nghêu sống gần 5 triệu USD và điệp đông lạnh gần 3 triệu USD. Cơ cấu nhập khẩu này cho thấy rõ xu hướng tiêu dùng của người dân Trung Quốc đang ngày càng ưa chuộng các sản phẩm tươi sống và đông lạnh chất lượng cao, một lợi thế lớn cho các doanh nghiệp sản xuất và chế biến nhuyễn thể của Việt Nam.
Đặc biệt, chuyến thăm chính thức Việt Nam của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 4/2025 vừa qua được xem là một cú hích quan trọng, tạo thêm động lực mạnh mẽ cho quan hệ thương mại song phương. Hai bên cam kết tăng cường hợp tác trong lĩnh vực nông thủy sản, thúc đẩy quy trình thông quan thuận lợi hơn, mở rộng “luồng xanh” cho hàng tươi sống của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc, giúp rút ngắn thời gian và chi phí logistics.
Để tận dụng tối đa cơ hội này, theo VASEP, các doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung đầu tư sâu vào chất lượng sản phẩm, quy trình bảo quản sau thu hoạch, và hệ thống truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Đồng thời, việc đảm bảo chuẩn hóa quy trình nuôi trồng và kiểm dịch cũng là yếu tố then chốt để đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe từ thị trường Trung Quốc.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cần tăng cường kết nối với hệ thống logistics và các đầu mối thương mại biên giới để tối ưu hóa chi phí và thời gian vận chuyển. Việc tận dụng tốt các chính sách mới được thống nhất sau chuyến thăm cấp cao giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam có thêm lợi thế trong đàm phán giá cả và mở rộng thị phần tại thị trường đầy tiềm năng này.
VASEP cũng đưa ra dự báo xuất khẩu nhuyễn thể có vỏ của Việt Nam có tiềm năng bứt phá trong năm 2025. Tuy nhiên, hiện nay chất lượng giống thấp, bị suy giảm, mật độ nuôi tăng dẫn tới phá vỡ quy hoạch nuôi, chất lượng môi trường nuôi suy giảm. Điều này khiến nguồn cung nhuyễn thể nguyên liệu chưa đảm bảo. Để phát triển bền vững ngành nhuyễn thể, cần có sự hỗ trợ cơ chế chính sách về đầu tư, tín dụng đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến và kinh doanh nhuyễn thể. Đảm bảo ổn định giá và lợi nhuận cho người nuôi, hình thành và phát triển vùng nuôi nhuyễn thể tập trung theo hướng chuyên canh, đảm bảo chất lượng.