Ngân hàng đẩy hàng trăm nghìn tỉ đồng vốn vay mong tín dụng thoát tăng trưởng âm

15/03/2024 - 00:25
(Bankviet.com) Tín dụng tăng chậm, thanh khoản dồi dào, ngân hàng tiếp tục tung hàng trăm nghìn tỉ đồng cho doanh nghiệp vay, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên.
Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng: Doanh nghiệp chưa tiếp cận được vì chọn sai ngân hàng 2 nguyên nhân khiến tín dụng tăng trưởng âm và 4 giải pháp tăng tiền cho nền kinh tế

Đến hết tháng 2/2024, tăng trưởng tín dụng đang thấp 0,7% so với cuối năm trước. Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô do Thủ tướng chủ trì sáng nay cho biết: Tín dụng tăng trưởng âm do yếu tố mùa vụ dịp Tết Nguyên đán, cùng khả năng hấp thụ vốn thấp, gai đoạn đầu năm doanh nghiệp thường hạn chế vay mới. Thậm chí, nhiều đơn vị thu hẹp hoặc ngừng hoạt động do sức ép lạm phát, giá vật liệu tăng, thiếu đơn hàng…

Tăng trưởng tín dụng hai tháng đầu năm giảm trong khi lượng tiền gửi còn rất lớn, khoảng 14 triệu tỷ đồng. Lãi suất huy động đã chạm đáy, bình quân khoảng 3,3% một năm. Lãi vay cũng được xem là “dễ thở” hơn nhiều năm, hiện khoảng 6,4% một năm với các khoản vay mới. "Thanh khoản dồi dào và còn nhiều dư địa tăng trưởng tín dụng. Các ngân hàng hiện có điều kiện thuận lợi để cấp vốn cho vay", Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định.

Đẩy vốn ra nền kinh tế không chỉ là mục tiêu của Chính phủ mà bản thân các ngân hàng cũng đang rất nỗ lực đi tìm khách hàng thay vì nhìn tiền nằm trong kho. Theo đó, các lĩnh vực ưu tiên, cho vay sản xuất, xuất khẩu, vay với doanh nghiệp vừa và nhỏ, tín dụng xanh, nông nghiệp công nghệ cao… tiếp tục là đối tượng khách hàng được ưu tiên.

Đơn cử như Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) đã triển khai gói tín dụng xanh có quy mô 3.000 tỷ đồng với chỉ từ 4.3%/năm đối với cho vay ngắn hạn VND, chỉ từ 6,8%/năm đối với cho vay trung dài hạn VND và cho vay USD với nhiều gói lãi suất ưu đãi, hấp dẫn. Lãnh đạo MSB cho biết, các doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia chương trình sẽ được hỗ trợ các khoản vay ngắn hạn và các khoản vay trung dài hạn với lãi suất cạnh tranh để đẩy nhanh quá trình chuyển dịch xanh hướng tới phát triển bền vững.

Ngân hàng đẩy hàng trăm nghìn tỉ đồng vốn vay mong tín dụng thoát tăng trưởng âm
Tăng trưởng tín dụng hai tháng đầu năm giảm trong khi lượng tiền gửi còn rất lớn, khoảng 14 triệu tỷ đồng

Theo đó, đối tượng của gói tín dụng là các doanh nghiệp có dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực như năng lượng, tài nguyên nước, chất thải, xây dựng, công nghiệp chế biến chế tạo, chuyển đổi xanh đáp ứng tiêu chí dự án xanh,... ; Doanh nghiệp có dự án hoặc phương án sản xuất kinh doanh thuộc các lĩnh vực được cấp chứng chỉ xanh, chứng chỉ phát triển bền vững của các ngành kinh tế chủ lực, thế mạnh của Việt Nam như: Dệt may, thủy hải sản và nông lâm nghiệp cũng là đối tượng được ngân hàng ưu tiên tài trợ tín dụng.

Bên cạnh khoản vay, MSB còn cung cấp các giải pháp tài chính dành cho doanh nghiệp như M-Supreme - Giải pháp cấp tín dụng online toàn diện đến 200 tỷ đồng, tối đa 280% giá trị tài sản bảo đảm cùng đa dạng hình thức tài trợ, sẵn sàng nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất, kinh doanh; Giải pháp hỗ trợ tăng cường hiệu quả kinh doanh như tài trợ thương mại, bảo lãnh, quản lý dòng tiền, chuyển tiền quốc tế…; thư tín dụng, chiết khấu bộ chứng từ xuất khẩu, tài trợ thực hiện hợp đồng xuất khẩu đến 90% giá trị hợp đồng hoặc L/C xuất khẩu…

Một trong big 4 là VietinBank vừa công bố Gói ưu đãi lãi suất STEP UP có quy mô “khủng”, lên đến 300 nghìn tỷ đồng với lãi suất đặc biệt ưu đãi, chỉ từ 5%/năm đối với VNĐ, trong thời gian từ tháng 1- 4/2024. Mức lãi suất đặc biệt cạnh tranh này được ưu tiên áp dụng đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu sử dụng đa dạng sản phẩm dịch vụ tại VietinBank, chuyển nguồn thu xuất khẩu về giao dịch tại VietinBank, các khách hàng đang hoạt động trong các lĩnh vực ưu tiên theo định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.

Với gói 300 nghìn tỷ này, VietinBank nằm trong số hiếm hoi các ngân hàng trên thị trường có tiềm lực tài chính mạnh để triển khai chương trình tín dụng với quy mô lớn, phủ đều khắp tất cả các phân khúc, từ doanh nghiệp SME, doanh nghiệp lớn cho đến doanh nghiệp FDI với lãi suất ưu đãi như vậy.

Agribank thì có riêng từng gói tín dụng cho từng đối tượng khách hàng. Cụ thể: từ ngày 01/02/2024 đến hết ngày 31/12/2024, ngân hàng dành 15.000 tỷ đồng tài trợ các dự án đầu tư thuộc 6 ngành trọng điểm và dự án thuộc lĩnh vực xanh với lãi suất ưu đãi dành cho các khoản vay trung và dài hạn, cố định trong năm đầu tiên chỉ từ 6,0%/năm. Chương trình dành cho doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn tại Agribank để thực hiện dự án, mua lại dự án, bù đắp chi phí đầu tư dự án hoặc dự án đã hoàn thành, đi vào hoạt động. Dự án thuộc các ngành chế biến chế tạo, sản xuất và phân phối điện khí đốt (các dự án nguồn điện), vận tải kho bãi; Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp/cụm công nghiệp, Xây dựng nhà xưởng cho thuê; Cho vay đầu tư trang trại cho thuê; Y tế, giáo dục; Dự án thuộc các lĩnh vực xanh.

Với các doanh nghiệp SMEs, để bổ sung vốn lưu động trong ngắn hạn phục vụ sản xuất kinh doanh, Agribank tài trợ 10.000 tỷ đồng vốn tín dụng ưu đãi ngắn hạn với lãi suất thấp hơn so với sàn lãi suất cho vay thông thường đến 1,5%/năm.

Một gói tín dụng ưu đãi ngắn hạn với lãi suất thấp hơn lãi suất cho vay thông thường đến 2,0%/năm để bổ sung vốn lưu động trị giá 20.000 tỷ đồng cũng được nhà băng này triển khai cho vay tới doanh nghiệp lớn. Đặc biệt, 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước cũng sẽ được tiếp cận một gói vay 20.000 tỷ đồng của Agribank với mức lãi suất ngắn hạn đặc biệt ưu đãi để triển khai phương án sản xuất kinh doanh, thực hiện dự án đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, giao dịch thương mại.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, HDBank vừa triển khai chương trình cung cấp bộ giải pháp và gói tín dụng 2.000 tỷ đồng, tài trợ lên đến 60% chi phí đầu tư cho các cây xăng trên cả nước trang bị hệ thống xuất hoá đơn điện tử. Ngân hàng này sẽ tài trợ lên đến 60% chi phí đầu tư, thời gian cho vay tối đa 3 năm, không yêu cầu về tài sản bảo đảm.

Nguồn vốn dồi dào nhưng nhiều ràng buộc về quy định cho vay đã khiến các doanh nghiệp không dễ tiếp cận vốn. Báo cáo khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh vừa công bố cho thấy, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa không thể tiếp cận được vốn ngân hàng do không bảo đảm yêu cầu về thế chấp tài sản hoặc không đủ điều kiện vay. Có tới 41% DN khảo sát đã không còn tài sản thế chấp đủ pháp lý để vay vốn, báo cáo nêu.

Để tín dụng thoát cảnh tăng trưởng âm, doanh nghiệp tiếp cận được vốn nâng cao hoạt động sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp đề xuất ngành ngân hàng nên xem xét thực hiện mở rộng cho vay theo hợp đồng, với các tài sản và quyền tài sản hình thành trong tương lai.

Liên quan đến tăng khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết cơ quan này sẽ sửa đổi, bổ sung các quy định, điều hành theo hướng giảm lãi suất, khuyến khích các nhà băng giảm chi phí và công bố công khai lãi suất cho vay bình quân.

Thùy Linh

Theo: Báo Công Thương