Tại hội nghị, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước 40.000 tỷ đồng triển khai theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 03/2022/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước.
Đây là chính sách hỗ trợ lãi suất đầu tiên sử dụng ngân sách nhà nước có quy mô lớn được triển khai qua hệ thống ngân hàng thương mại. Do đó, ngay từ trong quá trình dự thảo, Ngân hàng Nhà nước đã tích cực, chủ động phối hợp, bàn bạc rất kỹ lưỡng với các bộ, ngành, các ngân hàng thương mại thông qua rất nhiều cuộc họp cũng như lấy ý kiến bằng văn bản để xây dựng, hoàn thiện nghị định và thông tư hướng dẫn.
Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú chủ trì hội nghị |
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc sớm đưa chính sách hỗ trợ vào thực tiễn nhằm mục tiêu giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được tiếp cận nguồn vốn ngân hàng với lãi suất thấp hơn để vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh, tạo nền tảng và động lực phát triển nền kinh tế; đồng thời đảm bảo nguyên tắc công bằng, công khai, minh bạch, xác định đúng đối tượng cần hỗ trợ, hạn chế tối đa các sai phạm trong quá trình triển khai, quyết toán hỗ trợ lãi suất.
Có thể thấy chính sách hỗ trợ lãi suất 2% là một giải pháp bổ sung, và thời gian tới sẽ song hành cùng với các giải pháp mà ngành ngân hàng đã, đang và sẽ triển khai (bao gồm cả chính sách hỗ trợ lãi suất 2% thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội) nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp, tận dụng thời cơ phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới, góp phần kích thích cả phía cung và cầu, tạo nền tảng để tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ theo hướng bền vững hơn.
Thời hạn được hỗ trợ lãi suất tính từ ngày giải ngân khoản vay đến thời điểm khách hàng trả hết nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay theo thỏa thuận giữa ngân hàng thương mại và khách hàng, phù hợp với nguồn kinh phí hỗ trợ lãi suất được thông báo, nhưng không vượt quá ngày 31/12/2023; mức lãi suất hỗ trợ đối với khách hàng là 2%/năm, tính trên số dư nợ vay và thời hạn cho vay hỗ trợ lãi suất thực tế nằm trong khoảng thời gian quy định tại nghị định.
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các đơn vị trong ngành khẩn trương triển khai các nhiệm vụ, phối hợp với cơ quan, chính quyền địa phương, đơn vị liên quan nhằm đảm bảo thực hiện hỗ trợ lãi suất đúng quy định, đúng đối tượng, đúng mục đích; ngăn chặn các sai phạm, rủi ro, trục lợi chính sách. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố, Ngân hàng Chính sách xã hội tập trung triển khai có hiệu quả các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là các chương trình hiện nay Ngân hàng Chính sách xã hội đang thực hiện theo Nghị quyết 43/2022/QH15 và Nghị quyết 11/NQ-CP.
Ngân hàng Nhà nước sẽ sử dụng các công cụ điều hành, tăng cường thanh tra, giám sát, phối hợp các Bộ ngành, chính quyền địa phương để triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất đạt hiệu quả.
Thời gian qua, trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động tiêu cực tới nhiều ngành, lĩnh vực, ngành ngân hàng đã chủ động triển khai nhiều giải pháp về tiền tệ, tín dụng, lãi suất, thanh toán, cũng như các chính sách về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ… trong hơn 2 năm qua bằng chính nguồn lực của mình nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, nền kinh tế.
Theo kết quả khai thác tại hệ thống báo cáo tập trung của Ngân hàng Nhà nước đến cuối tháng 4/2022, lũy kế giá trị nợ đã cơ cấu từ khi ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN là hơn 695 nghìn tỷ đồng cho trên 1,1 triệu khách hàng. Dư nợ cơ cấu giữ nguyên nhóm nợ hiện còn hơn 198 nghìn tỷ đồng của gần 680 nghìn khách hàng; lũy kế giá trị nợ đã được miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ là gần 91 nghìn tỷ đồng cho gần 490 nghìn khách hàng. Dư nợ miễn giảm lãi giữ nguyên nhóm nợ hiện còn gần 18 nghìn tỷ đồng của hơn 166 nghìn khách hàng.
Ngay từ đầu năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã có chỉ đạo, định hướng tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; kết quả, đến 20/5/2022 tín dụng đạt trên 11 triệu tỷ đồng, tăng 7,66% so với cuối năm 2021;
Cùng đó cơ cấu tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các ngành, lĩnh vực thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro vẫn được kiểm soát chặt chẽ. Nhờ đó, đã góp phần kích hoạt mạnh mẽ các hoạt động kinh tế, tạo đà phục hồi các chỉ số vĩ mô, từ đó giúp nền kinh tế dần khôi phục và tăng trưởng.
Quang Lộc