Ưu tiên phát triển những ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng Sắp diễn ra Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam |
Thực hiện Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 08/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tổ chức Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa (Hội nghị).
Hội nghị tổ chức trực tiếp kết hợp với trực tuyến các điểm cầu ở các địa phương. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà sẽ chủ trì, điều hành Hội nghị.
Dự kiến tổng số đại biểu tham dự trực tiếp 150-200 đại biểu gồm: Đại diện Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương; Ban Kinh tế Trung ương; các cơ quan của Quốc hội. Đại diện Lãnh đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ; Lãnh đạo UBND: TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng…
Hội nghị sẽ đánh giá thực trạng phát triển của từng lĩnh vực thuộc ngành công nghiệp văn hóa. Ảnh: TTXVN |
Tại buổi họp báo thông tin về Hội nghị (sáng ngày 19/12), Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh: Đây là Hội nghị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên, Hội nghị về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam được tổ chức trên quy mô toàn quốc. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương chuẩn bị nội dung, công tác tổ chức.
"Hội nghị được tổ chức thiết thực cụ thể hóa nhiệm vụ triển khai thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc và các văn bản chỉ đạo, nghị quyết của Đảng với việc phát triển công nghiệp văn hóa xứng tầm tiềm năng, vị thế, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thời gian tới" - Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy khẳng định.
Theo đó, tại Hội nghị, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ báo cáo về tình hình triển khai, thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó trọng tâm là đánh giá kết quả đạt được trong quá trình triển khai Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.
Trong đó, đánh giá thực trạng phát triển của từng lĩnh vực thuộc ngành công nghiệp văn hóa (điện ảnh; du lịch văn hóa; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; quảng cáo; kiến trúc; thiết kế; xuất bản; thời trang; truyền hình và phát thanh; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ).
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch họp báo thông tin về Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Ảnh: NT |
Trong Hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương và đại biểu một số hội, hiệp hội, các chuyên gia, nhà khoa học và các doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực công nghiệp văn hóa sẽ phát biểu tham luận đánh giá, chia sẻ về kết quả phát triển các ngành công nghiệp văn hóa lĩnh vực được giao; chia sẻ những mô hình hay, cách làm sáng tạo trong quản lý, đầu tư về các ngành công nghiệp văn hóa; nêu những rào cản, thách thức và đề xuất phương hướng, giải pháp và các cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa…
Trên cơ sở kết quả Hội nghị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ có chỉ đạo, định hướng phát triển có trọng tâm, trọng điểm các ngành công nghiệp văn hóa, đồng thời giao nhiệm vụ cụ thể cho từng Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố có các giải pháp và cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Việt Nam.
Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch kỳ vọng, thông qua hội nghị sẽ nâng cao nhận thức, tăng cường sự liên kết, hợp tác, phối hợp giữa các Bộ, ngành có liên quan, giữa cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp cũng như toàn thể nhân dân cùng chung tay để đưa các ngành công nghiệp văn hóa trở thành một trong những trụ cột kinh tế của cả nước.
Công nghiệp văn hóa đang trở thành xu hướng và được xác định là phần quan trọng, bền vững, đóng góp vào sự tăng trưởng của đất nước. Các sản phẩm, dịch vụ của ngành công nghiệp văn hóa đã góp phần gia tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và quảng bá hình ảnh Việt Nam với thế giới. Các ngành công nghiệp văn hoá có tỷ lệ giá trị gia tăng cao hơn so với chi phí sản xuất, góp phần tiết kiệm tài nguyên, phát huy và kết hợp được các yếu tố tự nhiên, văn hóa, bản sắc dân tộc và đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững đất nước. |
Bảo Thoa