Keyword: Legal challenges, digital transformation, banking operations, Vietnam.
1. Đặt vấn đề
Xác định chuyển đổi số sẽ trở thành nền tảng vững chắc cho phục hồi, phát triển bền vững kinh tế - xã hội, ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0. Nghị quyết là tiền đề để Chính phủ và các bộ, ngành ban hành các cơ chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. Trong đó, nổi bật là Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, ngành Ngân hàng được áp dụng các công nghệ mới trong hoạt động điều hành, cung ứng dịch vụ cho khách hàng. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành Thông tư số 16/2020/TT-NHNN ngày 04/12/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2014/TT-NHNN ngày 19/8/2014 của Thống đốc NHNN hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trong đó bổ sung quy định về việc tổ chức tín dụng (TCTD) có thể mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử (eKYC). Việc mở tài khoản thanh toán không tiếp xúc trực tiếp khách hàng sẽ góp phần tạo điều kiện giúp ngân hàng mở rộng tệp khách hàng và khách hàng có thể tiếp cận các dịch vụ ngân hàng (dịch vụ thanh toán, tiết kiệm, cho vay...). Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, việc mở tài khoản thanh toán không tiếp xúc trực tiếp giúp người dân có thể sử dụng dịch vụ thanh toán qua kênh điện tử, góp phần rút ngắn khoảng cách địa lý.
Ngân hàng là ngành tiên phong trong quá trình chuyển đổi số tại nước ta. Ngay từ rất sớm, các ngân hàng đã tập trung vốn, công nghệ, con người cho chuyển đổi số. Với sự đầu tư lớn, cho đến nay, ngành Ngân hàng đã gặt hái được nhiều thành công. Trong thời gian vừa qua, chuyển đổi số đã phục vụ nhu cầu người dân và góp phần tăng trưởng doanh thu của nhiều ngân hàng. Thực tế, một số ngân hàng như: Ngân hàng Thương mại cổ phần (NHTMCP) Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), NHTMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank), NHTMCP Quân đội (MB), NHTMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank)... chuyển đổi số sớm và thu được kết quả rất khích lệ. Việc chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng ở nước ta đã hình thành và phát triển, mặc dù đạt được nhiều thành công nhưng vẫn còn nhiều thách thức, đòi hỏi pháp luật phải điều chỉnh để góp phần phát triển và giữ ổn định nền kinh tế.
2. Khái quát về chuyển đổi số và chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng
2.1. Khái quát về chuyển đổi số
Mặc dù đã xuất hiện từ lâu, nhưng cho đến nay vẫn chưa có một khái niệm rõ ràng về thuật ngữ “chuyển đổi số”. Theo Liên minh châu Âu, chuyển đổi số là quá trình ứng dụng hợp nhất các công nghệ hiện đại, tạo nên sự đồng nhất giữa các hệ thống vật lý và hệ thống số, tạo ra những mô hình và quy trình làm việc sáng tạo, tạo ra những sản phẩm và dịch vụ thông minh. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) miêu tả chuyển đổi số là những tác động kinh tế và xã hội do quá trình chuyển đổi các dữ liệu và quy trình bằng công nghệ tương tự sang các định dạng số. Chuyển đổi số là việc sử dụng các công nghệ, dữ liệu số và sự kết hợp giữa chúng để thay đổi hoặc tạo ra những nội dung mới của các hoạt động hiện tại.
Quá trình chuyển đổi sang một giai đoạn mới của cuộc CMCN 4.0 khuyến khích các quốc gia xây dựng và thực hiện chính sách mới nhằm chuyển đổi nhiều thể chế và quy trình xã hội. Tại Việt Nam, chuyển đổi số phản ánh sự thay đổi tổng thể và toàn diện mọi khía cạnh của kinh tế - xã hội, được thể hiện trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia hướng đến ba mục tiêu liên quan chặt chẽ với nhau là kinh tế số, Chính phủ số, xã hội số và thể hiện trong quá trình các chủ thể thay đổi để thích ứng với cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các nền tảng công nghệ số. Sự phát triển của công nghệ thông tin đã dẫn đến hiện tượng “nền kinh tế số”, một sự chuyển đổi căn bản của lĩnh vực tài chính, bao gồm các hoạt động của ngân hàng, công ty bảo hiểm và các tổ chức tài chính khác.
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đã bộc lộ những lỗ hổng mang tính hệ thống trong các ngân hàng truyền thống, gây bất lợi cho toàn bộ nền kinh tế. Sau hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính này, một số sáng kiến đã được khởi xướng trên phạm vi quốc tế để thay đổi hệ thống tín dụng. Các xu hướng toàn cầu được quan sát cho thấy tiềm năng tăng trưởng lớn trong thị phần của các dịch vụ tài chính kỹ thuật số.
Ngày nay, ngày càng nhiều quốc gia theo đuổi các chính sách mục tiêu nhằm mở rộng khả năng tiếp cận của người dân với các dịch vụ được chuyển đổi số nhằm đem lại sự thuận lợi, giảm tiêu cực trong việc thực thi chính sách.
Có thể hiểu điều kiện cơ bản để chuyển đổi số thành công là phải xây dựng được một nền kinh tế số. Nền kinh tế số đó bao gồm 03 cấu phần:
Thứ nhất, kinh tế số thuần ICT/Viễn thông (kinh tế số ICT) là lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin và dịch vụ viễn thông.
Thứ hai, kinh tế số Intemet/nền tảng (kinh tế số Internet) bao gồm các hoạt động kinh tế dựa hoàn toàn vào mạng Internet như dịch vụ số, kinh doanh số, kinh tế nền tảng, kinh tế dữ liệu, kinh tế thuật toán, kinh tế chia sẻ, kinh tế việc làm tự do (Gig) và các hình thức kinh doanh trên Internet khác.
Thứ ba, kinh tế số ngành/lĩnh vực (kinh tế số ngành) là các hoạt động kinh tế dựa trên việc chuyển đổi số ngành, lĩnh vực, áp dụng các công nghệ số, nền tảng số vào các ngành, lĩnh vực truyền thống nhằm tăng năng suất lao động, tối ưu hóa vận hành, tạo giá trị kinh tế mới, mô hình kinh doanh mới gồm các hoạt động như: Quản trị điện tử, thương mại điện tử, tài chính số, ngân hàng số, nông nghiệp thông minh, sản xuất thông minh, du lịch thông minh...
2.2. Chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng
Với sự phát triển của hệ thống mạng Internet như hiện nay, việc xây dựng nền kinh tế số gắn liền với sự phát triển và chuyển đổi số của các TCTD. Điều này chủ yếu dựa trên việc thực hiện các giao dịch điện tử không hạn chế bởi khoảng cách địa lý, môi trường và thời gian. Hiện nay, hoạt động ngân hàng đang là một trong những hoạt động chuyển đổi số tích cực nhất với nhiều cách thức như: Đổi mới phương thức tiếp cận khách hàng; thay đổi cách thức vận hành, quản lý hệ thống; thúc đẩy tối đa các dịch vụ trên nền tảng mạng máy tính...
Về hình thức, thay vì tất cả các hoạt động khách hàng phải đến trực tiếp ngân hàng thì hiện nay có thể dễ dàng thao tác qua ứng dụng của TCTD hoặc công cụ thanh toán do bên thứ ba tạo lập. Đây chính là bước đầu để có được một nền kinh tế số. Giờ đây, người dân có thể tiến hành mọi giao dịch từ chuyển/rút tiền, thanh toán các hoá đơn, liên hệ tư vấn với ngân hàng thông qua môi trường số.
Việc chuyển đổi từ ngân hàng truyền thống sang ngân hàng số cần có sự đầu tư bài bản về con người và nền tảng công nghệ. Ngân hàng số đòi hỏi cao về công nghệ, bao gồm sự đổi mới trong dịch vụ tài chính cho khách hàng xung quanh các chiến lược về ứng dụng kỹ thuật số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), thanh toán, RegTech, dữ liệu lớn, công nghệ chuỗi khối (Blockchain), giao diện lập trình ứng dụng (API), kênh phân phối và công nghệ. Việc các TCTD chuyển đổi số sẽ giúp TCTD tiết kiệm chi phí trong vận hành, quản trị rủi ro, dễ dàng tiếp cận với nhu cầu và thị hiếu của khách hàng. Hiện nay có thể thấy chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng đi theo hai hướng phát triển ngân hàng số (Digital Banking) độc lập và kết nối, chia sẻ dữ liệu qua sáng kiến ngân hàng mở (Open Banking).
Thời gian qua, việc chuyển đổi số ở các TCTD tại Việt Nam rất mạnh mẽ và được đánh giá là quốc gia có mức độ ứng dụng ngân hàng số với tốc độ nhanh nhất trong khu vực vào năm 2021. Quá trình chuyển đổi số đã mang lại những kết quả tích cực, tác động đến nhiều lĩnh vực trong đời sống, xã hội và cần thiết có một khung pháp lý phù hợp, thích nghi với sự thay đổi của công nghệ và nhu cầu xã hội.
Theo khảo sát của NHNN, hiện nay trên cả nước có 95% ngân hàng đã và đang xây dựng chiến lược thực hiện chuyển đổi số hoặc dự tính sẽ xây dựng và thực hiện kế hoạch này trong thời gian tới; trong đó, 39% ngân hàng đã phê duyệt chiến lược chuyển đổi số để phát triển kinh doanh. Bên cạnh đó, theo thống kê riêng tại 10 NHTM lớn cho thấy, mức đầu tư cho chuyển đổi số ước tính lên đến 15.000 tỉ đồng mỗi năm; chi phí đầu tư nguồn lực hoạt động chuyển đổi số trung bình chiếm từ 20 - 30% tổng chi phí đầu tư hoạt động.
2.3. Quy định pháp luật cho chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng
Quá trình chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng đang diễn ra vô cùng nhanh chóng. Bất kỳ TCTD nào đứng ngoài quá trình này sẽ bị chính thị trường đào thải. Ngay từ khi có Luật Giao dịch điện tử năm 2005 cho đến Luật Giao dịch điện tử năm 2023 (sửa đổi), Chính phủ đã ban hành Nghị định số 35/2007/NĐ-CP ngày 08/3/2007 quy định về giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng liên quan đến điều kiện cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng, tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử trong hoạt động ngân hàng và việc sử dụng chữ ký điện tử. Bên cạnh đó, Nghị định số 35/2007/NĐ-CP cũng có quy định về chứng từ điện tử trong hoạt động ngân hàng, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.
Quy định về việc TCTD mới trong giai đoạn thành lập phải bảo đảm có hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu quản lý, quy mô hoạt động13 được xem là một trong những điều kiện để TCTD mới được phép thành lập theo pháp luật Việt Nam. TCTD có hoạt động ngân hàng điện tử nếu không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ quyết định xử lý của NHNN để bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng sẽ bị thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động ngân hàng14. NHNN có thẩm quyền hướng dẫn hoạt động ngân hàng điện tử về quản lý rủi ro, đồng thời có quyền yêu cầu bảo đảm an toàn và bảo mật trong hoạt động ngân hàng điện tử.
Bên cạnh hướng dẫn của NHNN, khi thực hiện hoạt động ngân hàng điện tử, TCTD còn phải tuân thủ quy định của pháp luật về giao dịch điện tử như: Bảo đảm bí mật thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi và các giao dịch của khách hàng tại TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; xây dựng cơ sở dữ liệu dự phòng để bảo đảm hoạt động an toàn và liên tục...
Trong thời gian từ năm 2018 đến nay, Chính phủ, Thống đốc NHNN đã ban hành nhiều văn bản để định hướng quá trình chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng như: Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 08/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0; Quyết định số 1238/QĐ-NHNN ngày 08/7/2020 của Thống đốc NHNN ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng triển khai thực hiện Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ; Quyết định số 260/QĐ-NHNN ngày 04/3/2021 của Thống đốc NHNN ban hành Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển Chính phủ số và bảo đảm an toàn thông tin mạng trong hoạt động của NHNN giai đoạn 2021 - 2025; Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 810/QĐ-NHNN ngày 11/5/2021 của Thống đốc NHNN ban hành Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, tại Quyết định số 810/QĐ-NHNN đã quy định rõ mục tiêu của việc phát triển ngân hàng số thông qua xây dựng Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng là cung cấp dịch vụ ngân hàng số, xây dựng hệ sinh thái dịch vụ tài chính - ngân hàng.
Với mục tiêu thúc đẩy phổ cập tài chính quốc gia, Chính phủ và NHNN đã ban hành các cơ chế, chính sách để các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số được tiếp cận tín dụng một cách thuận lợi: Ngày 04/12/2020, Thống đốc NHNN đã ban hành Thông tư số 16/2020/TT-NHNN về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2014/TT-NHNN hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán; ngày 09/02/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 316/QĐ-TTg về việc phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile-Money)... Từ đó có thể thấy, việc quan tâm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc NHNN đã góp phần hình thành khung pháp lý điều chỉ hoạt động chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng, đặt vấn đề chuyển đổi số trở thành trọng tâm trong xây dựng và phát triển các TCTD tại Việt Nam tương lai.
3. Một số thách thức pháp lý trong chuyển đổi số ở hoạt động ngân hàng tại Việt Nam
Có thể nhận định, chuyển đổi số mang đến cho TCTD nhiều lợi thế cạnh tranh, góp phần xây dựng và phát triển thị trường. Quá trình chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng tiết kiệm được một khoản chi phí rất lớn so với việc duy trì phương thức hoạt động truyền thống. Việc chuyển đổi số đáp ứng được nhu cầu của xã hội, tạo được lợi thế cạnh tranh trong hoạt động. Tuy nhiên, việc chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng ở nước ta vẫn còn gặp phải một số thách thức pháp lý như:
Thứ nhất, hiện nay, chưa có quy định về chuẩn dữ liệu và chia sẻ dữ liệu giữa các TCTD. Việc kết nối dữ liệu của các TCTD vẫn còn trên cơ sở tự phát, thiếu tính an toàn và đồng bộ gây ảnh hưởng đến an toàn và an ninh toàn hệ thống.
Trong thực tế đã có nhiều quy định pháp luật điều chỉnh về hoạt động của ngân hàng số. Tuy nhiên, sự phát triển công nghệ diễn ra rất nhanh nên việc quy định có độ trễ chưa sát với thực tiễn là điều khó tránh khỏi. Cần nghiên cứu để áp dụng các quy định về các vấn đề mới như: Tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương; quy định về bảo mật thông tin khách hàng... Hiện nay, việc chưa có khung pháp lý với các ý tưởng về sản phẩm số hóa hoàn toàn mới dẫn đến ngân hàng dè dặt trong việc ra mắt sản phẩm mới sẽ vướng phải sự điều chỉnh pháp lý, nằm ngoài phạm vi cho phép.
Cùng với việc phát triển ngân hàng số, Việt Nam cần thiết lập một khuôn khổ pháp lý phù hợp, thúc đẩy và tạo điều kiện cho các ngân hàng thực hiện chuyển đổi số trên khắp các khía cạnh như cơ chế chia sẻ dữ liệu, liên thông dữ liệu giữa các nền tảng, kiến tạo hệ sinh thái, bảo vệ khách hàng...
Thứ hai, việc chuyển đổi từ mô hình ngân hàng truyền thống sang ngân hàng số đã đặt ra thách thức trong việc bảo vệ quyền lợi khách hàng. Có thể nhận định việc bảo vệ quyền lợi khách hàng là trung tâm của mọi vấn đề. Nhìn từ thực tiễn vận hành ngân hàng số cho thấy, đối với khách hàng, đó là những băn khoăn về tính an toàn của giao dịch và nguy cơ xâm phạm dữ liệu cá nhân. Đây là thách thức đáng lo ngại nhất khi khách hàng quyết định lựa chọn dịch vụ của ngân hàng số.
Việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong sử dụng dịch vụ ngân hàng số không chỉ dựa trên nền tảng các quy định pháp luật mà cần phải được quy định trong các tiêu chí nội bộ ngân hàng như: Có cơ chế đồng thuận trong thu thập và sử dụng dữ liệu cá nhân của khách hàng, quyền được bảo đảm về bí mật danh tính... Bởi lẽ, đây chính là điều mà khách hàng e dè khi lựa chọn. Khi TCTD bảo đảm an toàn thông tin và xem nó là tiêu chuẩn trong chuyển đổi số thì khách hàng sẽ ưu tiên lựa chọn dịch vụ của họ. Việc này thể hiện sự bình đẳng, cùng có lợi, hài hòa lợi ích giữa khách hàng và TCTD.
Thứ ba, sự gia tăng của tội phạm mạng máy tính. Như đã phân tích ở trên, việc các TCTD chuyển đổi số mà không quan tâm đến bảo vệ quyền lợi của khách hàng chính là tiền đề xảy ra các cuộc tấn công mạng nhằm cướp thông tin, tiền... của khách hàng hay chính TCTD. Chúng ta biết rằng, hệ thống công nghệ ngân hàng được bảo vệ cẩn mật nhất. Ngoài hệ thống vòng ngoài, phần ngân hàng lõi (Core Banking) trên lý thuyết là khu vực bất khả xâm phạm, đặc biệt là việc thay đổi số tiền hay lấy đi thông tin trong tài khoản khách hàng.
Theo số liệu từ Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Bộ Công an, năm 2023 có khoảng 4.000 vụ việc liên quan đến tấn công an ninh mạng, trong đó có lĩnh vực ngân hàng như khách hàng bị lừa mất tiền qua tài khoản do bị lừa đảo, kẻ gian mạo danh nhân viên ngân hàng hoặc gửi link giả mạo ngân hàng... Tổng thiệt hại của những vụ tấn công trên khoảng 100 tỉ đồng, trong đó vụ một ngân hàng bị hacker tấn công có chủ đích gây thiệt hại 44 tỉ đồng. Tuy nhiên, con số 100 tỉ đồng đó mới chỉ được ghi nhận và xử lý còn những sự vụ khi xảy ra tấn công nhưng người dùng ít biết thông tin trình báo để xử lý. Qua những vụ việc trên, các ngân hàng liên tục đưa ra cảnh báo về việc khách hàng có thể vướng vào các thủ đoạn lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản hay các cuộc tấn công có chủ đích nhắm đến thông tin cá nhân, thông tin về thẻ tín dụng, tài khoản ngân hàng của các khách hàng.
4. Một số kiến nghị, giải pháp hoàn thiện pháp luật về chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng tại Việt Nam
Hoạt động ngân hàng là hoạt động mang tính chất đặc thù. Cho nên, cần phải xây dựng một cơ chế, chính sách để tạo khuôn khổ pháp lý cho hoạt động ngân hàng hay chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng được phát triển đóng góp vào sự phát triển chung của kinh tế - xã hội theo đúng định hướng của Đảng và Nhà nước. Tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm góp phần phát triển việc chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng:
Thứ nhất, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện chính sách pháp lý cho chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng. Có thể khẳng định, chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng không chỉ là quá trình cơ cấu lại ngành Ngân hàng gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiêu sâu trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và những thành tựu của cuộc CMCN 4.0 mà còn góp phần hiện thực hóa mục tiêu hiện đại hóa ngành Ngân hàng dựa trên nền tảng công nghệ, quản trị ngân hàng tiên tiến, phù hợp với chuẩn mực hoạt động theo thông lệ quốc tế, hướng tới đạt trình độ phát triển của nhóm 04 nước dẫn đầu khu vực ASEAN vào năm 2025... bằng cách mở rộng hợp lý mạng lưới kênh truyền thống kết hợp với đẩy mạnh phát triển các kênh giao dịch ngân hàng hiện đại (E-Banking, Mobile Banking, Internet Banking...) thông qua ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật.
Tuy nhiên, có thể thấy, những quy định hiện nay nghiêng về kiểm soát hoạt động bằng thủ tục cấp phép mà không có quy định về cách thức quản lý, bảo trì, vận hành hệ thống thông tin số trong hoạt động của TCTD. Nội dung quy định vào điều chỉnh hoạt động của TCTD khi chuyển đổi số cần phải tập trung vào một số nội dung: Thống nhất trong việc áp dụng giữa Luật Các TCTD và Luật Giao dịch điện tử; bổ sung các quy định về điều kiện, tiêu chuẩn khi cung ứng dịch vụ số; bổ sung các quy định về bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng; quy định về việc chấp thuận - chia sẻ thông tin giữa khách hàng và TCTD...
Thứ hai, tiếp tục củng cố vai trò của NHNN trong quản lý, giám sát hoạt động ngân hàng. NHNN có vai trò quyết định trong sự thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng. Cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất nhằm ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật tạo điều kiện cho chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng. Đồng thời, cần tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp của Chính phủ trong chuyển đổi số các TCTD; nghiên cứu, phối hợp với các bộ, ngành liên quan về triển khai thực hiện các giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, lấy trọng tâm là xây dựng và hoàn thiện chính sách theo Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021 - 2025 của Chính phủ.
NHNN thường xuyên chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ triển khai nhóm giải pháp trong đảm bảo an ninh, an toàn về tiền gửi, thông tin, bảo mật dữ liệu của TCTD và khách hàng; làm đầu mối phối hợp với Bộ Công an trong việc triển khai, tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán kết nối, khai thác Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của ngành Ngân hàng và trong công tác phòng, chống tội phạm công nghệ cao; rửa tiền; hỗ trợ đào tạo chuyên gia an toàn thông tin; điều tra, cung cấp thông tin truy bắt tội phạm sử dụng công nghệ cao liên quan đến hoạt động ngân hàng.
Bên cạnh đó, NHNN cần tiếp tục chỉ đạo nâng cấp, hoàn thiện, phát triển hạ tầng chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử (ACH); mở rộng triển khai hệ thống ACH tại Việt Nam theo hướng mở rộng sản phẩm, dịch vụ và mở rộng kết nối các ngân hàng, các đơn vị cung cấp dịch vụ công; xây dựng, hoàn thiện nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu của NHNN làm nền tảng triển khai Chính phủ điện tử của NHNN, kết nối, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu quốc gia, hệ thống thông tin có quy mô từ Trung ương tới địa phương của Chính phủ, các bộ, ngành khác thông qua nền tảng chia sẻ, tích hợp dữ liệu của Chính phủ...
Thứ ba, tăng cường việc đào tạo đội ngũ nhân viên mang tính chuyên nghiệp, phù hợp với quá trình chuyển đổi số. Yếu tố quan trọng nhất trong chuyển đổi số là phải tạo ra con người số. Thực tiễn cho thấy, chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng có gặt hái được thành công hay không là nhờ phát huy được giá trị, sức sáng tạo của người lao động. Chuyển đổi số trước hết phải nghĩ đến yếu tố con người. Sự đổi mới sẽ không có ý nghĩa gì nếu chúng ta không có kỹ năng để sử dụng nó. Con người là yếu tố quan trọng nhất và cần phải đầu tư một cách có chọn lọc những người có khả năng thích nghi với những kỹ năng, ham học hỏi và linh hoạt đối với quá trình chuyển đổi số.
Các TCTD cần quan tâm, bồi dưỡng đội ngũ những người tham gia hoạt động của tổ chức mình để thích nghi và làm chủ được công nghệ khi chuyển đổi số. Hiểu biết về công nghệ thông tin phải được xem là một trong những kỹ năng hành nghề cần có trong mỗi cá nhân. Thúc đẩy sự phát triển của cá nhân cũng chính là thúc đẩy sự phát triển của tổ chức mình. Có như vậy chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng mới gặt hái được nhiều thành công hơn.
5. Kết luận
Chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng là tất yếu của quá trình phát triển. Việc nhận diện rõ các thách thức pháp lý trong chuyển đổi số hoạt động ngân hàng sẽ giúp chúng ta có cái nhìn khái quát hơn, từ đó, có những biện pháp nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, góp phần vào thành công của hoạt động ngân hàng nói riêng và sự phát triển của nền kinh tế nói chung. Trong đó, vai trò xây dựng thể chế là quan trọng nhất. Khi có một khung pháp lý hoàn thiện thì mới tạo được xung lực cho toàn bộ quá trình.
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0.
2. Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0.
3. Nghị qụyết số 124/2020/QH14 ngày 11/11/2020 của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.
4. Luật Giao dịch điện tử năm 2005.
5. Luật Giao dịch điện tử năm 2023.
6. Nghị định số 35/2007/NĐ-CP ngày 08/3/2007 của Chính phủ quy định về giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng.
7. Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
8. Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 08/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
9. Thông tư số 16/2020/TT-NHNN ngày 04/12/2020 của Thống đốc NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2014/TT-NHNN ngày 19/8/2014 hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.
10. Quyết định số 1238/QĐ-NHNN ngày 08/7/2020 của Thống đốc NHNN ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng triển khai thực hiện Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ.
11. Quyết định số 260/QĐ-NHNN ngày 04/3/2021 của Thống đốc NHNN ban hành Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển Chính phủ số và bảo đảm an toàn thông tin mạng trong hoạt động của NHNN giai đoạn 2021 - 2025.
12. Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
13. Quyết định số 810/QĐ-NHNN ngày 11/5/2021 của Thống đốc NHNN ban hành Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
14. Anh Minh (2021), “Hoàn thiện khung pháp lý để đẩy mạnh chuyển đổi số ngân hàng”, Báo điện tử Chính phủ, https://baochinhphu.vn/hoan-thien-khung-phap-ly-de-day-manh-chuyen-doi-so-ngan-hang-102292969.htm, ngày truy cập 14/8/2023.
15. H.Hương (2022), Ngân hàng - đích ngắm của tội phạm mạng, Báo điện tử Đại đoàn kết, http://daidoanket.vn/ngan-hang--dich-ngam-cua-toi-pham-mang-5692961.html, ngày truy cập 14/8/2023.
16. Hồng Anh (2021), Ngân hàng tăng tốc chuyển đổi số, Báo Nhân dân, https://nhandan.vn/thong-tin- so/ngan-hang-tang-toc-chuyen-doi-so-678594/, ngày truy cập 14/8/2023.
17. Lê Thị Thùy Vân (2022), Chuyển đổi số và những vấn đề đặt ra trong phát triển dịch vụ tài chính - ngân hàng ở Việt Nam, Tạp chí Tài chính, https://tapchitaichinh.vn/ngan-hang/chuyen-doi-so-va-nhung-van-de-dat-ra-trong-phat-trien-dich-vu-tai-chinh-ngan-hang-o-viet-nam-344933.html, ngày truy cập 14/8/2023.
18. Meissner, D., Roud, V. and Cervantes, M (2013), “Innovation policy or policy for innovation? In search of the optimal solution for policy approach and organisation”, in Meissner, D., Gokhberg, L. and Sokolov, A. (Eds), Science, Technology and Innovation Policy for the Future, Springer, Berlin, Heidelberg, pp. 247- 255, doi: 10.1007/978-3-642-31827-6_14.
19. Natalja Verina, Jelena Titko (2019), Digital Transformation: Conceptual Framework, International Scientific Conference: Contemporary Issues In Business, Management And Economics Engineerings’ 2019.
20. Ngô Hải (2022), Ngân hàng “nếm trái ngọt” từ chuyển đổi số thành công, Tạp chí Thị trường tài chính tiền tệ, https://thitruongtaichinhtiente.vn/ngan-hang-nem-trai-ngot-tu-chuyen-doi-so-thanh-cong-42493.html, ngày truy cập 14/8/2023.
21. Ngô Hải (2021), Chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng đang diễn ra mạnh mẽ, Tạp chí Tài chính, https://tapchitaichinh.vn/ngan-hang/chuyen-doi-so-trong-nganh-ngan-hang-dang-dien-ra-manh-me- 337030.html, ngày truy cập 14/8/2023.
22. Nguyễn Huy Dũng (2022), Hoàn thiện thể chế thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số ở Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền Thông, https://mic.gov.vn/mic_2020/Pages/TinTuc/148136/Hoan-thien-the-che-thuc-day-chuyen-doi-so--phat-trien-Chinh-phu-so--kinh-te-so-va-xa-hoi-so-o-Viet-Nam.html, ngày truy cập 14/8/2023.
23. Phan Thị Hoàng Yến, Nguyễn Thúy Hằng (2022), Cơ hội và thách thức trong chuyển đổi số đối với ngân hàng Việt Nam, Tạp chí Thị trường tài chính tiền tệ, https://thitruongtaichinhtiente.vn/co-hoi-va-thach-thuc-trong-chuyen-doi-so-doi-voi-ngan-hang-viet-nam-39223.html, ngày truy cập 14/8/2023.
24. Phophalia, s. (2019), Digital Banking: Issues and Challenges, Journal of Banking and Insurance Law, 7(l)/2019, page 15, https://lawjournals.celnet.in/index.php/jbil/article/view/120, ngày truy cập 14/8/2023.
25. Thanh Thúy (2023), Năm 2022: Chuyển đổi số ngành Ngân hàng góp phần hiện thực hóa các mục tiêu của Chuyển đổi số quốc gia, Tạp chí Ngân hàng, https://tapchinganhang.gov.vn/nam-2022-chuyen-doi-so-nganh-ngan-hang-gop-phan-hien-thuc-hoa-cac-muc-tieu-cua-chuyen-doi-so-quoc-gi.htm, ngày truy cập 14/8/2023.
26. Trần Linh (2020), “Phát triển công nghệ số trong lĩnh vực ngăn hàng, tài chính”, Tạp chí Ngân hàng, số 03/2020, https://tapchinganhang.gov.vn/phat-trien-cong-nghe-so-trong-linh-vuc-ngan-hang-tai-chinh.htm, ngày truy cập 14/8/2023.
27. Trần Linh Huân, Lê Phạm Anh Thơ, Trần Minh Thiện (2022), “Pháp luật về chuyển đổi số ngành Ngân hàng và định hướng hoàn thiện”, Tạp chí Ngân hàng, https://tapchinganhang.gov.vn/phap-luat-ve-chuyen-doi-so-nganh-ngan-hang-va-dinh-huong-hoan-thien.htm, ngày truy cập 14/8/2023.
28. Tuệ Lâm (2022), Chuyển đổi số trước hết phải tập trung vào yếu tố con người, Báo điện tử Nhân dân, https://nhandan.vn/chuyen-doi-so-truoc-het-phai-tap-trung-vao-yeu-to-con-nguoi-post693101.html, ngày truy cập 14/8/2023.
29. Viên Thế Giang (2022), “Pháp luật về chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng ở Việt Nam”, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 08/2022, trang 41-52.