Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam xin trích lược một số nhận định của các công ty chứng khoán về diễn biến cho phiên giao dịch 01/12/2021.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 30/11, VN-Index giảm 6,4 điểm (-0,43%) xuống 1.478,44 điểm; HNX-Index giảm 2,53 điểm (-0,55%) xuống 458,05 điểm; UPCoM-Index tăng 0,04 điểm (0,04%) lên 114,1 điểm.
Kéo chỉ số tăng phiên hôm nay gồm có: GVR (+2,18), HPG (+0,65), GEX (+0,56), VGC (+0,43), VCG (+0,36)… Ngược lại, kéo chỉ số giảm gồm những mã: VCB (-2,07), MSN (-0,98), CTG (-0,85), VPB (-0,79), MBB (-0,76)…
Giá trị khớp lệnh của VN-Index đạt 29.410 tỷ đồng, giảm 2% so với phiên trước. Tổng giá trị giao dịch đạt mức 34.418 tỷ đồng. Biên độ dao động là 32 điểm. Thị trường có 231 mã tăng, 48 mã tham chiếu và 237 mã giảm. Giá trị bán ròng của khối ngoại: -608,74 tỷ đồng trên sàn HOSE, gồm HPG (-119,41 tỷ), SSI (-109,19) tỷ), MSN (-106,90 tỷ). Khối ngoại mua ròng trên sàn HNX với giá trị 43,26 tỷ đồng.
Theo BSC, sau khi mở cửa với gap dương tăng điểm, VN-Index giằng co trong khu vực 1.490-1.500 trước khi giảm hơn 30 điểm và đóng cửa thấp hơn 6 điểm so với phiên hôm qua. Độ rộng thị trường khá cân bằng với 9/19 ngành tăng điểm, trong đó ngành Hóa chất có mức tăng lớn nhất gần 4%. Về giao dịch của khối ngoại, hôm nay khối này bán ròng trên sàn HSX và mua ròng trên sàn HNX. Phiên giảm điểm với thanh khoản không lớn cho thấy thị trường chưa có tín hiệu tiêu cực. Trong ngắn hạn thị trường có thể tiếp tục tích lũy trong vùng 1.480-1.500 điểm.
Thị trường mà đại diện là chỉ số VN-Index (-0,43%) giảm nhẹ trong phiên thứ ba liên tiếp. Thanh khoản khớp lệnh tuy tăng nhẹ so với phiên trước đó nhưng vẫn thấp hơn mức trung bình 20 phiên cho thấy áp lực bán ra là không thực sự mạnh và hiện tượng báo tháo là chưa diễn ra trên thị trường.
Trên góc nhìn kỹ thuật, VN-Index vẫn kết phiên trên vùng hỗ trợ ngắn hạn 1.465-1.470 điểm (MA20) nên khả năng hồi phục để lấy lại ngưỡng 1.500 điểm trong các phiên tới là có thể xảy ra.
Dự báo, trong phiên giao dịch tiếp theo 1/12, VN-Index có thể sẽ hồi phục trở lại để hướng dần đến ngưỡng kháng cự tâm lý 1.500 điểm. Trong kịch bản tiêu cực, nếu áp lực bán gia tăng thì VN-Index có thể sẽ cần test lại hỗ trợ 1.465-1.470 điểm (MA20) và xa hơn là hỗ trợ tâm lý 1.450 điểm.
Nhà đầu tư đã mua vào khi thị trường vượt vùng đỉnh cũ 1.420-1.425 điểm và mua thêm khi thị trường test hỗ trợ tâm lý 1.450 điểm đã chốt lời một phần danh mục trong tuần trước nên duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức vừa phải trong giai đoạn hiện tại.
Thị trường trong nước diễn ra với áp lực bán tăng mạnh bởi những lo ngại vaccine hiện nay kém hiệu quả trước biến thể Omicron. Các thị trường Châu Á đồng loạt giảm điểm trong phiên chiều và thị trường Việt Nam cũng không ngoại lệ. Nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán tăng khá tốt trong sáng nay nhưng đến phiên chiều đã đồng loạt quay đầu giảm. Ở chiều ngược lại, dòng tiền tiếp tục hướng tới các cổ phiếu bất động sản, bất động sản KCN, xây dựng giúp nhóm này ngược chiều bứt phá.
Thanh khoản toàn thị trường duy trì mức cao với giá trị giao dịch khớp lệnh 3 sàn đạt gần 40.000 tỷ đồng. Trong đó, dòng tiền ở nhóm cổ phiếu VN30 đạt hơn 12.000 tỷ đồng.
Theo MBS, thị trường giảm do ảnh hưởng từ thị trường thế giới do lo ngại biến chủng covid-19 mới, tuy vậy mức giảm phiên này nhẹ hơn so với các thị trường trong khu vực cũng như các thị trường lớn trên thế giới, cho thấy tâm lý nhà đầu tư không bị hoảng loạn. Mặc dù thị trường điều chỉnh ở vùng đỉnh lịch sử kèm thanh khoản cao nhưng áp lực bán chủ yếu tập trung ở nhóm cổ phiếu trong nhóm VN30, dòng tiền vẫn tìm kiếm cơ hội ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, đặc biệt là nhóm cổ phiếu mang tính đầu cơ cao. Về kỹ thuật, ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn của chỉ số VN-Index ở 1.465 điểm, trong kịch bản thận trọng, chỉ số có thể kiểm định lại vùng hỗ trợ thấp hơn tại vùng 1.427-1.435 điểm.
Diễn biến điều chỉnh giằng co
(CTCK KB Việt Nam - KBSV)
Sau nhịp mở gap tăng điểm đầu phiên, VN-Index đảo chiều điều chỉnh khá mạnh với các nhịp giằng co về cuối phiên 30/11. Áp lực phân phối quanh vùng kháng cự 1.500 tiếp tục gây cản trở đà hồi phục của chỉ số và diễn biến điều chỉnh giằng co nhiều khả năng sẽ còn mở rộng thêm trong một vài phiên tới.
Mặc dù vậy, vùng hỗ trợ gần quanh 1.460 được kỳ vọng sẽ tạo điểm đỡ ngắn hạn, tạo cơ hội hồi phục cho thị trường. Theo đó, nhà đầu tư tiếp tục được khuyến nghị chỉ kê mua lại 1 phần tỷ trọng ngắn hạn khi giá cổ phiếu mục tiêu quay xuống các vùng hỗ trợ đáng lưu ý.
Lực cầu tại vùng hỗ trợ gần 1.470-1.475 điểm giúp VN-Index hồi phục
(CTCK Asean - Aseansc)
Trong phiên giao dịch cuối tháng 11, mặc dù có lúc tăng hơn 18 điểm, tuy nhiên áp lực bán tăng mạnh ở phiên chiều đã đẩy chỉ số VN-Index quay đầu giảm hơn 6 điểm. Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số VN-Index giảm 6,4 điểm (giảm 0.43%), đóng cửa ở mức 1.478,44.
Thị trường phiên 30/11 ghi nhận phiên giảm điểm nhẹ thứ 3 trong bối cảnh nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục suy yếu, và những lo ngại về biến thể Covid-19 mới tiếp tục tác động tiêu cực lên tâm lý nhà đầu tư. Điểm nhấn thị trường là nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp, khi thu hút dòng tiền khá tốt, qua đó giúp thị trường không bị giảm quá sâu.
Aseansc dự báo trong phiên giao dịch 01/12 tới, lực cầu tại vùng hỗ trợ gần 1.470-1.475 điểm có thể giúp chỉ số VN-Index hồi phục trở lại trong phiên sáng để kiểm tra vùng kháng cự gần 1.480-1.485 điểm, và xa hơn là vùng kháng cự 1.490-1.495 điểm. Sự rung lắc có thể diễn ra ở vùng giá cao khiến VN-Index có thể sẽ thu hẹp đà tăng về phía cuối ngày. Trong đó, vùng hỗ trợ là vùng có thể xuất hiện lực cầu giúp chỉ số phục hồi trở lại, và vùng kháng cự là vùng có thể xuất hiện lực bán khiến chỉ số giảm trở lại.
Những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo, các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.
Tuệ An
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam