Nhiều doanh nghiệp vẫn “đắp núi tiền” trong ngân hàng mặc kệ lãi suất thấp

10/05/2025 - 20:11
(Bankviet.com) Tiền lãi thấp nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn chọn gửi ngân hàng, đắp hàng chục nghìn tỷ đồng vào két sắt để chờ thời cơ, ưu tiên an toàn thay vì mạo hiểm đầu tư.
Chuyển động

Nhiều doanh nghiệp vẫn “đắp núi tiền” trong ngân hàng mặc kệ lãi suất thấp

Thu Hà 10/05/2025 19:22

Tiền lãi thấp nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn chọn gửi ngân hàng, đắp hàng chục nghìn tỷ đồng vào két sắt để chờ thời cơ, ưu tiên an toàn thay vì mạo hiểm đầu tư.

Trong bối cảnh các kênh đầu tư ngày càng tiềm ẩn nhiều bất trắc, không ít doanh nghiệp lớn lại chọn cho mình con đường thận trọng: biến tiền mặt thành nguồn thu ổn định qua việc gửi tiết kiệm. Dù lãi suất huy động ngân hàng hiện chỉ quanh mức 4,5-6% mỗi năm cho kỳ hạn 12 tháng, kịch bản “tiền nhàn rỗi sinh lời” vẫn diễn ra đều đặn, giúp nhiều doanh nghiệp có thêm hàng trăm tỷ đồng mỗi quý mà không cần mạo hiểm trên thị trường.

ảnh minh hoạ
Hình minh họa

Đứng đầu danh sách những “kho bạc di động” này chính là Viettel Global – cánh tay nối dài ra thị trường quốc tế của Tập đoàn Viettel. Kết thúc quý I/2025, Viettel Global đang nắm trong tay hơn 39.600 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi, tăng vọt 3.000 tỷ chỉ sau ba tháng. Khoản lợi nhuận hơn 400 tỷ đồng từ việc đơn thuần “gửi ngân hàng chờ thời” đủ để nhiều doanh nghiệp mơ ước.

Khi thị trường quốc tế luôn tiềm ẩn rủi ro về tỷ giá và bất ổn địa chính trị, Viettel Global thấu hiểu giá trị của những “lá chắn tài chính” này. Dù chịu lỗ hơn 1.500 tỷ đồng vì biến động tỷ giá trong quý I, nguồn thu vững vàng từ tiền gửi đã giúp doanh nghiệp giảm thiểu tác động tiêu cực lên kết quả kinh doanh.

Không riêng gì Viettel Global, nhiều ông lớn khác cũng đang khéo léo xoay vòng dòng tiền “nằm chờ”. Petrolimex, Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), hay PV Oil đều hưởng lợi lớn từ kênh tiền gửi. Với PV Oil, đây thậm chí còn là “phao cứu sinh” giúp doanh nghiệp trụ vững trong lúc hoạt động kinh doanh chưa khởi sắc.

Ở một góc nhìn khác, có những doanh nghiệp tích lũy lượng tiền mặt khổng lồ không chỉ để hưởng lãi, mà còn để chuẩn bị cho những cú bứt phá dài hơi. Tập đoàn Hòa Phát là minh chứng tiêu biểu. Chủ tịch Trần Đình Long từng thẳng thắn chia sẻ tại đại hội cổ đông: “Tiền mặt không phải để ngồi ngắm hay lao vào bất động sản, mà là nguồn lực chờ đón những cơ hội lớn trong sản xuất”.

Hoà Phát từng được mệnh danh là “vua tiền mặt” trên sàn chứng khoán, nhưng hiện lượng tiền mặt và tiền gửi đã giảm còn khoảng 23.600 tỷ đồng, sụt gần 11.000 tỷ so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là tập đoàn này đang dồn lực cho đại dự án Khu liên hợp gang thép Dung Quất 2, có tổng vốn đầu tư lên đến 85.000 tỷ đồng, trong đó một nửa là vốn tự có.

Hay tại Hoá Chất Đức Giang, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025, bày tỏ quan điểm trước cổ đông về những lời mời gọi đầu tư vào các lĩnh vực “nóng” như bất động sản, chứng khoán hay bitcoin, ông Đào Hữu Huyền, Chủ tịch Hóa Chất Đức Giang, thẳng thắn chia sẻ: "Nhiều người khuyên tôi rót tiền vào chứng khoán, bitcoin hay đầu tư vào công ty khác, nhưng thú thực, tôi sợ lắm. Chúng tôi chỉ giỏi ngành của mình, còn bước sang lĩnh vực khác mà không am hiểu thì chỉ có mất tiền". Ông Huyền cũng cho biết, việc công ty có tham gia vào bất động sản là bởi đang sở hữu sẵn quỹ đất, nếu không có thì cũng “không dám bước chân vào”.

Quan điểm thận trọng ấy thể hiện rõ trong bức tranh tài chính của doanh nghiệp. Đến cuối quý I/2025, tổng tài sản của Hóa Chất Đức Giang đạt hơn 16.516 tỷ đồng, tăng khiêm tốn 4,4% so với đầu năm. Đáng chú ý, tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn chiếm tới 11.098 tỷ đồng, tương đương 67,2% tổng tài sản – con số cho thấy công ty ưu tiên sự an toàn tuyệt đối cho dòng tiền của mình. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng duy trì thêm 106 tỷ đồng dưới dạng tiền gửi không kỳ hạn.

Việc nắm giữ lượng tiền gửi áp đảo cho thấy Hóa Chất Đức Giang không chạy theo trào lưu “lướt sóng” lợi nhuận ngắn hạn từ các kênh đầu tư rủi ro. Thay vào đó, công ty lựa chọn con đường bền vững: kiên nhẫn tích lũy, bảo toàn nguồn lực, sẵn sàng chờ đợi cơ hội đầu tư vào chính lĩnh vực cốt lõi mà mình am hiểu.

Tỷ trọng tiền gửi vượt trội này cho thấy doanh nghiệp không mặn mà với việc “tiền đẻ ra tiền” qua các kênh đầu tư rủi ro, mà đặt niềm tin vào sự ổn định, an toàn và thanh khoản cao của ngân hàng. Trong khi nhiều doanh nghiệp tích cực xoay vòng vốn cho các dự án mới, Hóa Chất Đức Giang dường như đang chọn cách tích lũy thận trọng, chờ thời cơ đầu tư vào chính ngành nghề của mình.

Theo các chuyên gia, việc “gối đầu” lượng tiền mặt lớn không chỉ là chiến lược phòng ngự an toàn, mà còn là “vũ khí mềm” giúp doanh nghiệp chủ động trong đàm phán tín dụng, linh hoạt xoay trở khi cần thiết.

Thu Hà

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán