Ngân hàng Hơp tác xã Việt Nam (Co-opBank) đã triển khai chương trình đồng hành cũng khách hàng với mức lãi suất cho vay ngắn hạn chỉ từ 3,5%/năm và lãi suất cho vay trung và dài hạn từ 4%/năm.
Đây là mức lãi suất cho vay thấp nhất trên thị trường hiện nay, thấp hơn cả các chương trình cho vay các lĩnh vực ưu tiền đang được triển khai tại nhiều ngân hàng.
Chương trình được áp dụng cho tất cả các khoản vay mới của khách hàng phát sinh từ ngày 4/10/2021 đến hết ngày 31/12/2021.
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân tháo gỡ khó khăn do COVID-19, Sacombank cũng triển khai gói vay ưu đãi tổng giá trị 20.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay từ 4,5%/năm.
Cụ thể, khách hàng doanh nghiệp có thể được hưởng lãi suất 4,5%/năm cho kỳ hạn vay đến 3 tháng và 5,5%/năm với thời hạn ưu đãi lên đến 6 tháng. Đối với doanh nghiệp xuất khẩu mức lãi suất được ưu đãi hơn từ 4%/năm.
Với khách hàng cá nhân, lãi suất áp dụng từ 6,5%/năm trong 12 tháng đầu tiên với các nhu cầu vay vốn sản xuất kinh doanh, mua/xây sửa bất động sản, mua xe ôtô.
Ngoài những gói hỗ trợ liên quan đến phục hồi sản xuất kinh doanh, nhiều ngân hàng cũng tung các chương trình ưu đãi dành riêng cho khách hàng cá nhân với các mục đích như mua nhà, mua xe.
Ngân hàng TNHH MTV Shinhan Việt Nam (Shinhan Việt Nam) triển khai gói vay mua nhà lãi suất 5,49%/năm cho năm đầu tiên và cố định 7,8%/năm từ năm thứ hai đến năm thứ năm, thời hạn vay lên đến 25 năm. Shinhan hiện là tổ chức tín dụng có mức lãi suất cho vay hấp dẫn trong mảng mua nhà trên thị trường hiện nay.
Cùng với đó, ngân hàng còn có gói cho vay mua xe với lãi suất 6%/năm cố định năm đầu tiên hoặc 7,5%/năm cố định toàn thời gian vay, vay đến 80% giá trị xe, thời hạn đến 8 năm.
Một nhà băng khác cũng có chương trình cho vay mua nhà với lãi suất hấp dẫn là VPBank. Các gói khách hàng có thể lựa chọn là 5,9% /năm cố định trong 3 tháng, 7,9%/năm trong 6 tháng, 8,3%/năm trong 12 tháng, 8,6%/năm trong 18 tháng hoặc 8,9%/năm trong 24 tháng.
Khách hàng sẽ được vay đến 80% giá trị tài sản đảm bảo, hạn mức giải ngân lên đến 20 tỷ đồng và thời hạn vay kéo dài đến 25 năm. Khách hàng cũng được hưởng ân hạn nợ gốc 12 tháng, khách hàng sẽ không phải thanh toán nợ gốc mà chỉ cần thanh toán phần lãi trong năm đầu.
Những con số lãi suất cho vay mới nêu trên một phần thể hiện được mặt bằng lãi suất cho vay đang có xu hướng giảm, mặc dù không phải là tất cả các mảng và tất cả đối tượng.
Theo báo cáo phân tích mới đây, Bộ phận Phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) cho biết mặt bằng lãi suất cho vay hiện đã giảm 1,66% so với trước dịch.
Các chuyên gia kỳ vọng chính sách tiền tệ trong thời gian tới sẽ tiếp tục nới lỏng để hỗ trợ sự hồi phục của nền kinh tế sau đại dịch, mặt bằng lãi suất huy động - cho vay được các tổ chức tín dụng tiếp tục điều chỉnh giảm trong quý IV năm nay.
Trong họp báo quý III của Ngân hàng Nhà nước, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng với mặt bằng lãi suất huy động hiện tại trung bình khoảng 5 - 5,5% thì để tiếp tục yêu cầu các ngân hàng giảm lãi suất huy động để giảm lãi suất cho vay đầu ra là rất khó do lạm phát hàng năm đã khoảng 3 - 4%.
"Nếu huy động với lãi suất quá thấp thì người dân sẽ không gửi tiền ngân hàng, mà đi mua nhà, mua vàng… Điều này có thể dẫn đến bất ổn cho nền kinh tế. Trong khi đó, ngân hàng chủ yếu đi vay từ người dân để cho vay trở lại nền kinh tế. Do đó, phải duy trì được nguồn vốn đầu vào, ổn định lãi suất, đảm bảo lợi ích người gửi tiền mới có thể huy động", ông Tú nói.
Theo Phó Thống đốc, hai yếu tố mà ngân hàng thương mại cần sử dụng để có thể giảm lãi suất đầu ra là cắt giảm lợi nhuận và giảm chi phí.
Lưu Lâm
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam