Đầu năm 2024, câu chuyện bán vốn cho nước ngoài của một số ngân hàng lại trở thành vấn đề nóng của thị trường, điều này càng trở nên quan trọng khi nguồn huy động vốn trong nước không đủ dồi dào để gia tăng vốn chủ sở hữu cho ngân hàng.
Bên cạnh đó, lãi suất trên toàn cầu có dấu hiệu chạm đỉnh và kỳ vọng giảm dần. Đây là cơ sở để dòng vốn ngoại quay trở lại các thị trường cận biên và đang phát triển, trong đó Việt Nam là một điểm đến tiềm năng.
Các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản và ASEAN vẫn luôn tìm kiếm cơ hội tại thị trường ngân hàng Việt Nam.
Lãnh đạo một số ngân hàng thương mại cho biết, mức độ quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài đến ngân hàng trong nước là rất lớn.
Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức, quyết định trở thành nhà đầu tư chiến lược cho thấy niềm tin rất lớn của nhà đầu tư nước ngoài vào triển vọng của ngân hàng Việt Nam.
Hình minh họa. |
Theo giới chuyên gia, các ngân hàng Việt Nam đang sử dụng đòn bẩy cao và chịu áp lực huy động vốn. Do vậy, ngân hàng muốn tăng cường nguồn vốn để chống chịu, hỗ trợ nền kinh tế đang khó khăn. Việc này rất quan trọng đối với sự bền vững của hệ thống tài chính và nền kinh tế Việt Nam.
Ngoài ra, lợi ích chiến lược của việc bán vốn cho các nhà đầu tư nước ngoài không chỉ giúp cung cấp nguồn vốn, mà còn mang đến kinh nghiệm quản trị, điều hành, giúp ngân hàng Việt tiếp cận thị trường, chuẩn mực quốc tế và khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng nhận định, nhà đầu tư nước ngoài bỏ vốn vào ngân hàng Việt là điều tốt cho các nhà băng nội. Việc tham gia của nhà đầu tư nước ngoài đã mang lại những thay đổi tích cực về tài chính, công nghệ, quản trị và điều hành tại các tổ chức tín dụng theo hướng tiếp cận gần hơn với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế. Vì vậy, nâng giới hạn sở hữu nước ngoài trong các ngân hàng là cần thiết.
Trên thực tế, dù sức khỏe tài chính của hệ thống ngân hàng Việt Nam đã được cải thiện, song nhìn chung, hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn đang mỏng vốn, hệ số an toàn vốn (CAR) thấp hơn nhiều so với khu vực. Chưa kể, trong bối cảnh lãi suất ngày càng giảm, sức khỏe tài chính của doanh nghiệp yếu đi, huy động vốn của ngân hàng sẽ ngày càng khó khăn.
Giới chuyên gia dự báo dòng vốn ngoại sẽ tiếp tục chảy mạnh vào thị trường ngân hàng Việt Nam trong thời gian tới.
Trước đó, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã công bố kế hoạch tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2024. Một trong những nội dung được cổ đông của ngân hàng đặc biệt quan tâm tại đại hội lần này là thương vụ phát hành riêng lẻ 6,5% vốn điều lệ cho nhà đầu tư nước ngoài.
Được biết, theo kế hoạch, Vietcombank dự kiến sẽ chào bán riêng lẻ 307,6 triệu cổ phiếu cho đối tác Mizuho Bank (46,1 triệu cổ phiếu) và các nhà đầu tư khác (261,4 triệu cổ phiếu). Kế hoạch này từng được ban lãnh đạo của ngân hàng này đề cập từ hồi năm 2022 nhưng chưa được triển khai trong năm 2023 do điều kiện kinh tế vĩ mô chưa thuận lợi.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, ban lãnh đạo Vietcombank cho biết vẫn đang triển khai kế hoạch trên và ngân hàng đang triển khai thuê tư vấn tài chính để hỗ trợ lựa chọn cổ đông nước ngoài, dự kiến kế hoạch sẽ hoàn thành trong giai đoạn 2023 - 2024.
Trước đó, vào tháng 1/2019, Vietcombank đã phát hành riêng lẻ hơn 94,4 triệu cổ phần (tương ứng 2,55% vốn) cho Quỹ đầu tư quốc gia của Singapore GIC Private Limited (GIC) và hơn 16,6 triệu cổ phần (tương ứng 0,4% vốn) cho ngân hàng Mizuho Bank (Nhật Bản), thu về tổng cộng khoảng 6.200 tỷ đồng, tương đương với mức giá 55.800 đồng/cp VCB.
Tương tự, tại Đại hội cổ đông bất thường mới đây, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã thông qua việc lùi thời gian thực hiện phương án tăng vốn sang năm 2024.
Trước đó, theo phương án tăng vốn năm 2023, BIDV dự kiến chào bán riêng lẻ hoặc chào bán ra công chúng hơn 455 triệu cổ phiếu, tương đương 9% vốn điều lệ tại ngày 31/12/2022. Ngân hàng chưa công bố chi tiết kế hoạch chào bán, tuy nhiên BIDV từ lâu đã có kế hoạch phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài và đến nay chưa thực hiện thành công.
Hồi tháng 11/2019, Ngân hàng KEB Hana Bank (Hàn Quốc) đã chi ra khoảng 20.300 tỷ đồng để sở hữu 603,3 triệu cổ phần tương ứng 15% vốn của BIDV, tương đương mức giá khoảng 33.650 đồng/cổ phiếu BID.
Theo Công ty CP Chứng khoán Vietcap, triển vọng về thương vụ bán vốn của 2 ngân hàng lớn là BIDV và Vietcombank là một trong những điểm sáng của ngành ngân hàng trong năm 2024.
Đối với nhóm ngân hàng tư nhân, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank) cũng đang triển khai các bước trong kế hoạch phát hành riêng lẻ 300 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài. Thời gian chào bán cụ thể sẽ được Hội đồng quản trị quyết định sau khi được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Trong khi đó, tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, ngân hàng SHB đã thông qua việc tiếp tục triển khai tăng vốn từ việc phát hành cổ phiếu dành cho nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.
Chủ tịch SHB Đỗ Quang Hiển cũng từng thông tin với cổ đông rằng sẽ hoàn tất việc chào bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2023 hoặc đầu năm 2024.
Hồi tháng 7/2023, HĐQT SeABank đã thông qua kế hoạch phát hành riêng lẻ thêm tối đa 94,6 triệu cổ phiếu, tương đương 4,6366% lượng cổ phiếu đang lưu hành để chào bán cho 1 nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, dự kiến là quỹ Norfund (The Norwegian Investment Fund for developing countries - quỹ đầu tư Na Uy cho các nước đang phát triển). Thương vụ này sẽ đem về cho SeABank tối thiểu 1.217 tỷ đồng và tối đa là 3.503 tỷ đồng.
Chia sẻ tại cuộc gặp với các nhà đầu tư mới đây, ông Hoàng Thanh Tùng, Giám đốc Ban quan hệ đầu tư của Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HDBank) cho biết, ngân hàng này đã có sẵn sự chuẩn bị cần thiết cho đối tác chiến lược, để dành khoảng 10% room ngoại cho việc phát hành tăng vốn. HDBank có kế hoạch phát hành 12,2 nghìn tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi quốc tế vào năm 2024.
Theo ông Tùng, thời gian qua, HDBank đã nhận được sự quan tâm từ một số đối tác nước ngoài đến từ Hàn Quốc, châu Âu và Mỹ. Việc lựa chọn nhà đầu tư để phát hành tăng vốn, thu hút cổ đông chiến lược luôn nằm trong định hướng của ngân hàng nhằm nâng cao năng lực tài chính để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng, đồng thời bảo đảm chỉ tiêu an toàn vốn và thanh khoản.
Báo cáo phân tích mới đây của Công ty Cổ phần Chứng khoán Vietcap (VCSC) kỳ vọng rằng các hoạt động huy động vốn sẽ mạnh hơn từ nửa cuối năm 2024; một số ngân hàng được kỳ vọng sẽ huy động vốn mới ước tính lên tới 64,9 nghìn tỷ đồng.
Trong đó, Vietcombank, BIDV và LPBank được kỳ vọng sẽ huy động vốn mới thông qua phát hành riêng lẻ với tổng giá trị ước tính là 64,9 nghìn tỷ đồng vào năm 2024.
VCSC dự báo với kỳ vọng kinh tế phục hồi trong năm 2024, cộng thêm môi trường lãi suất thấp, hoạt động huy động vốn từ phát hành cổ phiếu có thể thành công.
Thu về hàng tỷ USD lợi nhuận năm 2023, vì sao các ngân hàng vẫn thận trọng đặt chỉ tiêu lợi nhuận 2024? Theo giới chuyên gia, áp lực nợ xấu tăng cao đang khiến các nhà băng dè dặt trong việc đặt mục tiêu lợi nhuận năm ... |
Phó Thống đốc NHNN nêu 2 nguyên nhân chính khiến tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức âm Đại diện NHNN đã đưa ra hai nguyên nhân chính khiến tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu năm vẫn ở mức âm, ông khẳng ... |
Vân Anh