Nhiều thách thức bủa vây OPEC

29/12/2023 - 00:27
(Bankviet.com) Theo tờ Tehran Times của Iran, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) dường như đang phải đối mặt với 3 thách thức.
OPEC giữ giá dầu thế giới ở mức 80 USD đến 100 USD Angola có “động thái nóng” với OPEC Rủi ro đằng sau câu chuyện Angola rời OPEC

Thứ nhất, sự rút lui của các thành viên. Trong những năm qua, OPEC đã không thành công trong nỗ lực thuyết phục các nước sản xuất dầu khác tham gia tổ chức này. Trong năm nay, OPEC đã nhiều lần mời Guyana trở thành thành viên nhưng quốc gia Nam Mỹ này đã từ chối tham gia, dường như dựa trên giả định rằng họ muốn tối đa hóa sản lượng dầu và lợi nhuận trong thời đại mà nhu cầu dầu có thể giảm trong thời gian tới.

Theo giới chuyên gia, OPEC không chỉ không thể thu hút thành viên mới mà còn phải đối mặt với nguy cơ các thành viên rút lui. Sau khi Qatar quyết định rời tổ chức, ít nhất là trong vài năm qua, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) là mối đe dọa lớn nhất đối với sự đoàn kết của tổ chức dầu mỏ này. Sự bất hòa giữa UAE và OPEC do Saudi Arabia dẫn đầu đã lên đến đỉnh điểm cách đây 2 năm khi nước này khăng khăng đòi hạn ngạch cơ sở cao hơn để cho phép sản xuất trong nước nhiều hơn.

OPEC

OPEC đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong cấu trúc quyền lực địa chính trị toàn cầu

Nếu UAE quyết định rời khỏi OPEC, điều đó có thể làm suy yếu ảnh hưởng của tổ chức này liên quan đến việc thiết lập giá dầu vì UAE là nhà sản xuất dầu lớn thứ 3 của OPEC.

Thứ hai, Iran, Venezuela và Libya “không có tiếng nói”. Theo đó, từ hơn một thập kỷ trước, 3 thành viên chính của tổ chức này không đóng vai trò gì trong việc đưa ra quyết định tại các cuộc họp cấp bộ trưởng. Vị thế của 3 nước này trong OPEC đã suy giảm đáng kể chủ yếu do các lệnh trừng phạt của Mỹ. Đó là Iran, Venezuela và Libya - quốc gia ủng hộ nghiêm túc nhất chiến lược giá cao hơn trong số các thành viên châu Phi của OPEC.

Ngoài ra, các chính sách của Libya tại OPEC gần tương đồng với Iran và Venezuela, trong khi Saudi Arabia chủ yếu chỉ muốn bảo vệ thị phần. Khi ảnh hưởng của 3 nước bị xói mòn tại OPEC, thì Saudi Arabia cho rằng mình đã có quyền hơn trong các cuộc họp ra quyết định của OPEC.

Thứ ba, thách thức từ bên ngoài OPEC. Thách thức này lên đến đỉnh điểm tại COP28 ở UAE khi rất nhiều quốc gia tham gia yêu cầu loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch. Hiện nay ở hầu hết các nước công nghiệp phát triển, dầu bị coi là thứ mà con người nên loại bỏ càng sớm càng tốt để cứu hành tinh trước tình trạng biến đổi khí hậu và ấm lên toàn cầu. Trong khi đó, quan điểm của OPEC cho rằng, con người nên loại bỏ khí thải chứ không phải nhiên liệu hóa thạch dường như vẫn chưa được tính đến.

Mặc dù thuật ngữ “loại bỏ” đã bị gạch khỏi thông cáo cuối cùng của COP28, nhưng 198 quốc gia đã đạt được thỏa thuận và nhấn mạnh việc chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho biết, dù muốn hay không việc loại bỏ nhiên liệu hóa thạch là không thể tránh khỏi.

Trước đó, tại hội nghị thượng đỉnh gần nhất, OPEC và đối tác rất khó khăn trong việc tìm ra tiếng nói thống nhất cắt giảm sản lượng khai thác. Thậm chí, nhiều nhà quan sát bày tỏ hoài nghi về cam kết mang tính hình thức của tổ chức này tại cuộc họp ngày 30/11 ở Vience.

Trong lịch sử, có thể nhìn vào biểu đồ dầu mỏ để dự báo triển vọng kinh tế. Nhưng lần này đã khác, thị trường dầu mỏ quá hỗn loạn. Điển hình như tình trạng dầu Nga “chảy lòng vòng” lách lệnh cấm vận, làm cho mọi dự báo trước đó bị vô hiệu hóa.

Đồng thời, ngay trong nội bộ OPEC đã rạn nứt nghiêm trọng, quốc gia đứng đầu Saudi Arabia nhất quyết cắt giảm sản lượng, nhưng thành viên Angola phản ứng quyết liệt. Một số thành viên khác chật vật đạt hạn ngạch được phân bổ.

Thanh Bình

Theo: Báo Công Thương