Trong thời gian qua Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết đã nhận được một số ý kiến của TCTD Nhà nước và NHCSXH phản ánh về các vướng mắc liên quan đến quy định tại Thông tư 23 như chưa quy định thống nhất phạm vi xác định số dư tiền gửi, phí huy động vốn...
Trong quá trình nghiên cứu các quy định của pháp luật liên quan, NHNN nhận thấy cần xem xét sửa đổi, bổ sung một số nội dung để tạo thuận lợi cho việc triển khai thực hiện quy định duy trì số dư tiền gửi 2%.
Do đó, NHNN đang lấy ý kiến về dự thảo Thông tư quy định việc các tổ chức tín dụng (TCTD) Nhà nước duy trì số dư tiền gửi tại Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) thay thế Thông tư 23 của NHNN.
Theo dự thảo mới, các TCTD Nhà nước sẽ không phải thực hiện quy định về duy trì số dư tiền gửi 2% tại NHCSXH trong thời gian đang bị đặt trong tình trạng kiểm soát đặc biệt. Quy định này phù hợp với quy định tại Thông tư số 11 của NHNN quy định về kiểm soát đặc biệt đối với TCTD.
Đồng thời dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung nội dung về cách tính số dư tiền gửi nguồn vốn huy động theo hướng quy định rõ ràng, thống nhất và phù hợp với phạm vi thống kê số dư tiền gửi phải tính dự trữ bắt buộc.
Để phù hợp với thực tế năm 2020 và năm 2021, quy định về phí huy động vốn tối đa được điều chỉnh từ mức 1,35%/năm xuống 1,3%/năm, phù hợp với mức chi phí đã thoả thuận giữa TCTD Nhà nước và NHCSXH.
Ngoài ra, dự thảo còn một số quy định về thủ tục gửi tiền, rút tiền tại NHCSXH. Cụ thể, thay đổi về thời điểm các TCTD Nhà nước và NHCSXH phải hoàn thành việc bổ sung phụ lục hợp đồng tiền gửi, bổ sung hoặc rút bớt số dư tiền gửi 2% tại NHCSXH và thời điểm NHCSXH phải báo cáo NHNN cho phù hợp với tình hình thực tế.
Nguyên nhân là các thời điểm quy định tại Thông tư 23 thường bị trùng vào dịp Tết âm lịch, nên các TCTD và NHCSXH gặp khó khăn trong việc triển khai quy định.
Lưu Lâm
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam