1. Bắt đầu từ thay đổi cách nghĩ về tiền
Một số người có những cảm xúc phức tạp về tiền: Áp lực trước việc kiếm tiền, cảnh giác trước sự tham lam, cảm thấy thù ghét các yếu tố vật chất và đề cao giá trị tinh thần. Suy cho cùng, việc tránh suy nghĩ về tiền chỉ là một hình thái cảm xúc bắt nguồn từ việc bạn không thể làm chủ được đồng tiền. “Từ bỏ” hay “không quan tâm” là một cách nói khỏa lấp những căng thẳng và sợ hãi, khi bạn không đạt được điều mình mong muốn.
Hình minh họa |
Để thay đổi thái độ từ thờ ơ hay sợ hãi sang tâm thế chủ động khi sử dụng tiền, trước tiên bạn phải hiểu được cảm xúc của mình. Tana Gildea, tác giả cuốn sách The Graduate’s Guide to Money khuyên rằng, bạn hãy tự hỏi mình: “Bạn cảm thấy thế nào về tiền? Về khả năng bạn kiếm được nó, để dành, quản lý nó một cách khôn ngoan? Nếu bạn không cảm thấy tích cực, bạn sẽ không thể có những trải nghiệm tích cực”. Đừng phụ thuộc vào tiền, cũng đừng cảm thấy tội lỗi khi nghĩ về tiền, đó là nhu cầu cơ bản của cuộc sống. Thay vào đó, hãy tin rằng bạn có thể kiểm soát và sử dụng đồng tiền để mang lại niềm vui cho bản thân.
2. Học cách nói về tiền
Mọi người hay nghĩ rằng vấn đề tiền bạc là một vấn đề tế nhị và thường tránh đề cập trước mặt nhau, thay vào đó, họ suy nghĩ một mình và tự làm bản thân trở nên căng thẳng. Vô hình chung, đó lại là nguyên nhân dẫn đến sự bức bối và kéo theo nhiều mâu thuẫn khác.
Chuyên gia Syble Solomon, thành viên của Financial Therapy Association cho biết, hầu hết các cặp vợ chồng chỉ nói về tiền khi họ đang ở trong tình trạng khủng hoảng. Tất nhiên, nói về tiền là một chuyện rất khó khăn, bạn sợ bị người khác đánh giá là ham tiền, đề cao đồng tiền, trọng vật chất… nhưng đây vẫn là một việc nên làm.
Sự rõ ràng về tài chính là cách quản lý tài chính cá nhân và để mọi người hợp tác với nhau tốt. “Nhiều cặp vợ chồng thành công về mặt tài chính thường thoải mái khi nói về vấn đề tiền bạc”, Solomon cho biết, “Họ chọn một buổi tối yên tĩnh và thư giãn với bữa ăn, đó là cách khởi đầu tốt để nói về vấn đề chi tiêu và các hóa đơn từ thẻ tín dụng”. Tuy nhiên, Solomon cũng khuyên nên tránh nói về chuyện tiền bạc khi có ai đó đang đói, tức giận, cô đơn hay mệt mỏi, tránh nhắc đến các con số ngay từ đầu mà hãy nói đến những chủ đề tổng quát hơn. Nói về tiền bạc là một chuyện khó khăn, nhưng vẫn là việc nên làm.
3. Học cách quản lý tiền và chi tiêu dưới khả năng cho phép
Để thực sự sống tốt ở mức độ cho phép, bạn hãy mặc định khả năng của mình thấp hơn khả năng thực tế một chút, và thay đổi lối sống cho phù hợp với định mức đó. “Đây thực sự là chìa khóa và cách quản lý tài chính cá nhân tốt nhất”, Deana Arnett – chuyên gia tư vấn quy hoạch cấp cao tại Rosenthal Wealth Management Group – cho biết, “Có rất nhiều cách để sống thoải mái mà không phải tiêu đến từng đồng xu cuối cùng, nhưng không phải ai cũng biết bài học này”.
Trong khi đó, Chantel Bonneau – cố vấn tài chính của Northwestern Mutual nói rằng: “Nếu bạn có thói quen này, bạn có thể điều chỉnh các chi tiêu không hợp lý theo hướng tiết kiệm hơn và dành dụm cho các mục tiêu có ý nghĩa hơn như mua một ngôi nhà hoặc đi du lịch. Luôn kiểm soát chi tiêu bằng một ứng dụng di động, một cuốn sổ nhỏ hay một người có trách nhiệm, bất cứ cách nào có thể giữ cho bạn hướng đến mục tiêu đã đề ra”.
Sống dưới mức khả năng có nghĩa là bạn sẽ tìm kiếm những món đồ phù hợp chứ không phải một món đồ làm thỏa mãn bản thân, chẳng hạn như một chiếc xe đã qua sử dụng, một ngôi nhà nhỏ hơn, và quần áo từ các kệ bán hàng giảm giá. Đâu có gì là quá tệ, phải không? Sống dưới mức khả năng là cân nhắc những thứ phù hợp với bản thân hơn là để thỏa mãn sở thích.
4. Học cách thiết lập ngân sách hợp lý và cân bằng
Mindy Crary – hướng dẫn viên lập kế hoạch tài chính – nói rằng: “Hầu hết mọi người đánh đồng từ “ngân sách” với một chế độ kiêng cữ chi tiêu hà khắc. Đó là khi bạn cố gắng hi sinh sự thoả mãn của bản thân ở hiện tại”. Việc này chỉ khiến bạn giống như một quả bom nổ chậm cho đến khi bạn quyết định phung phí tất cả cố gắng tiết kiệm chỉ trong một đêm. Thay vào đó, Crary gợi ý tìm kiếm một “ngân sách cân bằng” như cách bạn thực hiện một chế độ ăn uống cân bằng: Quản lý tiền bạc hiệu quả là một lối sống, không phải là một giải pháp tức thời.
Thiết lập một ngân sách vững chắc từ tháng này qua tháng kia sẽ giúp bạn không có cảm giác bị tước đoạt. Chellie Campbell – chuyên gia giải quyết các rối loạn về tiền, tác giả cuốn sách From Worry to Wealthy – gợi ý về 3 ngân sách: Thấp, trung bình và cao, từ đó bạn sẽ quyết định thiết lập ở mức nào vào đầu mỗi tháng. “Ngân sách thấp là khi bạn làm ra ít tiền hơn hoặc cần tiết kiệm cho một điều gì đó đặc biệt, ví dụ như khoản thanh toán cho một ngôi nhà hay một chiếc xe”, Chellie giải thích, “Ngân sách trung bình là khoản tiền bạn đang làm ra và sử dụng nó cho những sinh hoạt điều độ hàng tháng, và ngân sách cao là khi bạn sắp có các khoản tiền mới”. Việc lựa chọn mức ngân sách sẽ quyết định mức chi tiêu của bạn trong tháng đó. Cách quản lý tài chính cá nhân hiệu quả là một lối sống, không phải là một giải pháp tức thời.
5. Học cách lựa chọn ưu tiên trong chi tiêu
Hãy xác định những gì thật sự quan trọng với bạn trước khi quyết định bỏ ra một khoản tiền. Hãy chắc chắn rằng bạn đã có kế hoạch và đây là ưu tiên quan trọng nhất. Nếu bạn thuê một căn hộ có view đẹp và muốn tạo một không gian thư giãn tại gia, nghĩa là bạn quyết định thu nhập hàng tháng hướng về không gian sống.
Nếu bạn thường xuyên đi du lịch thì hãy chi tiền cho các vật dụng dịch chuyển thay vì những món đồ nội thất đắt tiền. Một cách quản lý tài chính cá nhân khôn ngoan là hãy tạo 2 tài khoản: một cho nhu cầu thiết yếu (điều bạn cần) và một cho chi tiêu tùy ý (những mong muốn bộc phát). Bằng cách đó, bạn sẽ kiểm soát tài chính một cách dễ dàng hơn. Hãy xác định những gì thật sự quan trọng với bạn trước khi quyết định bỏ ra một khoản tiền.
Đình Trọng t/h