Công ty CP Ô tô Giải Phóng (UPCoM: GGG) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV và cả năm 2024 với kết quả kém khả quan. Mặc dù ghi nhận doanh thu tăng trưởng đột biến, công ty vẫn tiếp tục phải gánh chịu khoản lỗ lớn do nhiều yếu tố nội tại khó khắc phục.
Trong bản cáo bạch, Ô tô Giải Phóng thể hiện tham vọng trở thành một trong ba nhà sản xuất và phân phối xe tải hàng đầu tại Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế lại khác xa kỳ vọng |
Trong quý IV năm 2024, Ô tô Giải Phóng đạt doanh thu 17,3 tỷ đồng, gấp gần 11 lần so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, mức doanh thu này không đủ để bù đắp tình trạng kinh doanh dưới giá vốn. Các chi phí phát sinh lớn tiếp tục khiến công ty lỗ hơn 4 tỷ đồng trong quý IV.
Nguồn: BCTC Ô tô Giải Phóng |
Về việc kinh doanh dưới giá vốn, Công ty cho biết một số xe tồn kho phải bán lỗ để thu hồi vốn, điều này cũng khiến gia tăng con số thua lỗ.
Tính chung cả năm 2024, doanh thu thuần của GGG đạt 22,6 tỷ đồng, tăng gấp gần 10 lần so với năm 2023. Nhưng đi kèm với sự tăng trưởng doanh thu, chi phí lãi vay và áp lực từ việc bán hàng dưới giá vốn khiến công ty phải chịu mức lỗ 18 tỷ đồng, tăng so với con số lỗ 15,4 tỷ đồng của năm 2023.
Kết quả kinh doanh của Ô tô Giải Phóng qua các năm. Nguồn: Trung tâm dữ liệu Kinhtechungkhoan.vn |
Ô tô Giải Phóng vốn được biết đến là một doanh nghiệp có bề dày kinh nghiệm trong ngành sản xuất, lắp ráp xe ô tô, đặc biệt là xe tải trọng lớn. Nhà máy của công ty sở hữu công suất thiết kế lên tới 5.000 sản phẩm mỗi năm và khả năng lắp ráp các loại xe tải nặng đến 25 tấn.
Tuy nhiên, hơn một thập kỷ qua, công ty liên tục ghi nhận kết quả kinh doanh thua lỗ, dẫn đến khoản lỗ lũy kế lên tới 344 tỷ đồng tính đến cuối năm 2024. Đáng chú ý, vốn chủ sở hữu của công ty hiện âm gần 50 tỷ đồng.
Một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất của Ô tô Giải Phóng hiện nay là tình trạng tài chính yếu kém. Cuối năm 2024, tiền mặt của công ty chỉ còn dưới 276 triệu đồng, thậm chí có thời điểm đầu năm giảm xuống mức đáng báo động, chỉ gần 11 triệu đồng.
Bên cạnh đó, công ty đang gánh khoản nợ hơn 85 tỷ đồng, bao gồm 23 tỷ đồng vay nợ thuê tài chính ngắn hạn và hơn 32,8 tỷ đồng vay nợ thuê tài chính dài hạn. Chi phí lãi vay trong năm qua đã tiêu tốn hàng chục tỷ đồng, góp phần đẩy công ty sâu hơn vào vòng xoáy thua lỗ.
Theo tìm hiểu, Ô tô Giải Phóng được thành lập năm 2001 với vốn điều lệ ban đầu 30 tỷ đồng, tiền thân là Công ty CP Cơ điện Hà Giang, chuyên sản xuất ô tô tải.
Ô tô Giải Phóng từng trải qua những bước ngoặt lớn trong hành trình phát triển. Năm 2008 đánh dấu một cột mốc quan trọng khi công ty đổi tên thành Công ty CP Ô tô Giải Phóng và chính thức hoạt động dưới tên mới từ ngày 1/11/2008. Dù sản lượng xe bán ra thời điểm đó còn khiêm tốn với 932 xe tải thùng và 179 xe tự đổ, công ty đã bắt đầu xây dựng được thương hiệu và hệ thống phân phối với khoảng 70 điểm bán hàng trải dài khắp cả nước.
Trong bản cáo bạch, Ô tô Giải Phóng thể hiện tham vọng trở thành một trong ba nhà sản xuất và phân phối xe tải hàng đầu tại Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế lại khác xa kỳ vọng. Sau khi đưa cổ phiếu GGG niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội vào năm 2009, công ty rơi vào tình trạng thua lỗ liên tục.
Kết quả là cổ phiếu bị hủy niêm yết và chuyển sang giao dịch trên UPCoM từ cuối năm 2013. Dù vậy, hiện tại cổ phiếu GGG cũng đang nằm trong diện bị hạn chế giao dịch (chỉ được giao dịch vào thứ 6 hàng tuần), nguyên nhân do doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu âm trong BCTC soát xét bán niên 2024.
Trong phiên giao dịch ngày hôm nay (17/1), cổ phiếu GGG bất ngờ tăng mạnh kịch trần, bất chấp thông tin kém khả quan về kết quả kinh doanh. Dù vậy, hiện thị giá cổ phiếu của Ô tô Giải Phóng vẫn đang ở vùng đáy, giao dịch ở mức 1.900 đồng/cp, giảm khoảng 85% so với đỉnh đạt được hồi tháng 4/2022.
Diễn biến giá cổ phiếu GGG. Nguồn: Trung tâm dữ liệu Kinhtechungkhoan.vn |
Quay trở lại với câu chuyện kinh doanh của Ô tô Giải Phóng, thời điểm những năm 2013, thị trường ô tô Việt Nam bước vào giai đoạn cạnh tranh khốc liệt với sự gia nhập và mở rộng của các thương hiệu lớn như Trường Hải, Vinaxuki và Suzuki. Điều này không chỉ làm giảm doanh số của Ô tô Giải Phóng mà còn tác động mạnh đến khả năng sinh lời. Trong khi nhiều doanh nghiệp khác tận dụng được làn sóng phát triển để bứt phá, Ô tô Giải Phóng dường như vẫn loay hoay trong việc tìm hướng đi mới để khôi phục vị thế.
Mặc dù sở hữu lợi thế về vị trí và cơ sở hạ tầng với diện tích kho bãi lên tới 60.000m² tại cửa khẩu Thanh Thủy, tỉnh Hà Giang, Ô tô Giải Phóng vẫn gặp khó khăn trong việc tận dụng những ưu thế này. Hoạt động logistics và kho vận tại khu vực cửa khẩu cũng không đủ để cải thiện tình hình tài chính bấp bênh của công ty.
Căn hộ Sun Group chỉ từ 24-25 triệu đồng/m2: Hiện thực hóa giấc mơ an cư, nghỉ dưỡng cho mọi thế hệ Không chỉ gây “sốc” toàn miền Bắc với mức giá chỉ từ 24-25 triệu đồng/m2 hữu dụng, dự án Sun Urban City Hà Nam của ... |
VinFast đón dòng vốn tỷ đô, “giải bài toán” mở rộng thị trường sang khu vực có tài nguyên dầu mỏ và khí đốt lớn nhất thế giới VinFast vừa ký thỏa thuận không ràng buộc để nhận khoản đầu tư ít nhất 1 tỷ USD từ liên danh do Emirates Driving Company ... |
Phạm Hường