PG Bank: Cho vay tăng trưởng âm, nợ xấu vọt tăng 17%

27/10/2022 - 02:13
(Bankviet.com) Trong báo cáo tài chính mới công bố của Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank – mã chứng khoán PGB), tại thời điểm 30/9/2022 nợ xấu tăng tới 17%, trong đó nợ có khả năng mất vốn chiếm tới 35%.

Ngân hàng NCB báo lỗ trước thuế gần 200 tỷ đồng, nợ xấu tăng vọt

Nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động sau điều chỉnh lãi suất điều hành của NHNN từ 25/10

Bất động sản: Mua dễ, bán sao cho có lời?

Cụ thể, tại thời điểm 30/9/2022, nợ xấu nội bảng của ngân hàng PG Bank tăng đến 17,2% lên 813 tỷ đồng chủ yếu do nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng 36% so với cuối năm ngoái.

Qua đó, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay của ngân hàng đã tăng từ 2,52% lên 2,98%, nằm trong nhóm những nhà băng có tỷ lệ nợ xấu nội bảng cao trong hệ thống.

PG Bank: Cho vay tăng trưởng âm, nợ xấu vọt tăng 17% (Ảnh: PG Bank)
Nợ xấu PG Bank vọt tăng 17% (Ảnh: PG Bank)

Tại thời điểm 30/9/2022, trái phiếu đặc biệt của VAMC tại PG Bank là hơn 762,78 tỷ đồng, tăng 7,7% so với thời điểm 31/12/2021.

Một số chỉ tiêu 9 tháng đầu năm của PG Bank. (Nguồn: BCTC quý III của PG Bank)
Một số chỉ tiêu 9 tháng đầu năm của PG Bank. (Nguồn: BCTC quý III của PG Bank)

Về tài sản, sau 9 tháng đầu năm, tổng tài sản PG Bank tăng hơn 14% so với đầu năm, lên gần 46.332 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi tại NHNN giảm đến 72% (chỉ còn 290 tỷ đồng), trong khi tiền gửi tại các tổ chức tín dụng khác tăng 55% (11.626 tỷ đồng). Đáng chú ý, cho vay khách hàng tăng trưởng âm, chỉ còn 27.283 tỷ đồng.

Cũng theo báo cáo tài chính của PG Bank, trong quý 3/2022, mảng kinh doanh chính của ngân hàng đã thu được hơn 330 tỷ đồng lãi thuần, tăng 64% so với cùng kỳ 2021. Ngoài ra, lãi từ dịch vụ đạt 25,5 tỷ đồng; lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối 4 tỷ đồng và lãi từ các hoạt động khác đạt hơn 30 tỷ đồng.

Tuy nhiên, hoạt động đầu tư chứng khoán của PG Bank lại thua lỗ nhưng khoản lỗ thấp. Trong quý 3/2022, PG Bank đã dành 77,3 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng nhưng vẫn đạt hơn 113 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 45% so cùng kỳ năm 2021.

Tính chung 9 tháng đầu năm 2022, thu nhập lãi thuần của PG Bank đạt 876 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong 9 tháng qua, PG Bank cũng đã dùng gần 220 tỷ đồng cho chi phí dự phòng rủi ro, cao gấp 2,3 lần cùng kỳ năm trước. Mặc dù vậy trong 9 tháng, PG Bank vẫn lãi trước thuế là 387 tỷ đồng và là sau thuế gần 310 tỷ đồng, tăng 42% so cùng kỳ 2021.

Đầu năm 2022, lãnh đạo PG Bank đặt mục tiêu lãi trước thuế cả năm là 430 tỷ đồng. Như vậy mục tiêu của PG Bank năm 2022 hoàn toàn có thể thực hiện được.

Vốn điều lệ của PG Bank không thay đổi trong nhiều năm qua
Vốn điều lệ của PG Bank không thay đổi trong nhiều năm qua

Liên quan đến vốn điều lệ, PG Bank không thay đổi vốn điều lệ trong nhiều năm qua, giữ nguyên ở mức 3.000 tỷ đồng. Trong năm 2022, ngân hàng tiếp tục không có kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm 2022. Đây là năm thứ 12 liên tiếp PG Bank không tăng vốn điều lệ và năm thứ 10 liên tiếp không chia cổ tức.

Trước đó, ngân hàng từng thực hiện tăng vốn điều lệ từ 1.000 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng vào năm 2010 thông qua phát hành cổ phần mới và chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu.

Tính đến ngày 20/10, vốn hóa PG Bank mức 6.000 tỷ đồng, trong đó, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đang nắm giữ 40% vốn điều lệ ngân hàng.

Việc bán vốn của Petrolimex tại PG Bank được giới đầu tư quan tâm khi Ngân hàng Nhà nước phê duyệt việc cổ đông lớn này thoái hơn 40% vốn cổ phần tại ngân hàng thông qua hình thức đấu giá công khai tại Sở Giao dịch Chứng khoán. Tiết lộ tại đại hội cổ đông năm 2022, đại diện Petrolimex khẳng định có thể hoàn tất thoái vốn PG Bank trong năm 2022.

Tại thời điểm cuối năm 2021, khoản đầu tư vào PG Bank của Petrolimex có giá trị gần 1.673 tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ sở hữu 40,57%. Thông tin về đối tác mua vốn của Petrolimex vẫn chưa được hé lộ.

Hoàng Hà

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán