Phân tích diễn biến thị trường LNG Châu Á và thế giới tuần qua

23/10/2023 - 14:00
(Bankviet.com) Các tổ chức công nghiệp Nhật Bản lo ngại xung đột giữa Israel và Gaza có thể ảnh hưởng đến nguồn cung LNG toàn cầu.
LNG - Bức tranh đa sắc màu của thị trường năng lượng Việt Nam Dự án Kho LNG 1 triệu tấn Thị Vải: Không gì là không thể

Giá khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) giao ngay tại châu Á tăng hơn 3 USD trong tuần này lên mức cao nhất trong gần 9 tháng qua, được thúc đẩy bởi nhu cầu gia tăng từ người mua ở Đông Bắc Á và trong bối cảnh căng thẳng ở Trung Đông.

Phân tích diễn biến thị trường LNG Châu Á và thế giới tuần qua

Giá LNG trung bình giao tháng 12 tới Đông Bắc Á (LNG-AS) tăng 23% lên 17,90 USD/triệu đơn vị nhiệt Anh (mmBtu), các nguồn tin trong ngành ước tính, đây là mức cao nhất kể từ đầu tháng Hai.

"Tuần này, tồn kho LNG của Nhật Bản do các công ty điện lực nắm giữ đang tăng lên nhờ nhiệt độ trên mức bình thường được ghi nhận trong những tuần gần đây. Nhập khẩu LNG của Trung Quốc đã tăng vọt trong tuần này khi kỳ nghỉ Tuần lễ Vàng kết thúc và chúng ta có thể mong đợi lượng hàng tồn kho bổ sung thêm trước mùa sưởi ấm”, Ryhana Rasidi, nhà phân tích LNG tại Kpler cho biết.

Ông Rasidi cho biết thêm, những lo ngại về nguồn cung đã giảm kể từ khi đợt đình công thứ hai ở Úc bị đình chỉ và giá cả châu Á sẽ ổn định trong tương lai, ông Rasidi nói thêm, vì người mua ở khu vực Đông Bắc Á muốn dự trữ để chuẩn bị cho mùa đông sắp tới.

Auguste Breteau, Phó Giám đốc định giá LNG tại cơ quan định giá nguyên liệu thô Argus cho biết, nhu cầu LNG ở Đông Bắc Á cũng tăng lên trong những ngày gần đây, với một số nhu cầu mua xuất hiện trong tháng 12 trong khu vực.

Ông Breteau cho biết: “Theo những người tham gia thị trường, một số chuyến hàng lớn sẽ được mua vào tháng 11 và bán khống vào tháng 12, điều này có thể đẩy một số hàng hóa trôi nổi trong tháng 12”.

Các tổ chức công nghiệp Nhật Bản lo ngại xung đột giữa Israel và Gaza có thể ảnh hưởng đến nguồn cung LNG toàn cầu.

Kazuhiro Ikebe, chủ tịch của Japan Electric, cho biết tại một cuộc họp báo hôm thứ Sáu: “Vì Trung Đông là khu vực sản xuất khí tự nhiên lớn nên chúng tôi rất lo ngại về vấn đề nguồn cung tại khu vực này, cùng với sự lo ngại về nguồn cung nhiên liệu của Nga do xung đột tại Ukraine”.

Ông Ikebe, đồng thời là chủ tịch của Kyushu Electric Power chia sẻ, ông tin rằng công ty của ông đã đảm bảo đủ LNG cho mùa đông năm nay vì các nhà cung cấp chính của công ty là Australia và Indonesia.

Tại Châu Âu, S&P Global Commodity Insights đã đánh giá mức giá chuẩn hàng ngày của LNG ở Tây Bắc Âu (NWM) đối với hàng hóa được giao trong tháng 12 trên cơ sở xuất xưởng (DES) ở mức 16,152 USD/mmBtu vào ngày 19/10, giảm 0,80 USD/mmBtu so với giá khí đốt tháng 12 tại trung tâm khí đốt TTF của Hà Lan, Shermaine Ang, người đứng đầu thị trường LNG toàn cầu cho biết.

Bà Ang cho biết: “Dù gần đây có nhiều sự kiện xảy ra như hư hỏng đường ống Balticconnector hay căng thẳng ở Trung Đông, nhưng các nguồn tin thị trường cho thấy mức dự trữ khí đốt ở châu Âu vẫn đủ”.

Đồng thời, thông tin các bên châu Âu ký hợp đồng dài hạn hơn cho LNG của Qatar đã giúp giá các hợp đồng dài hạn đi xuống, Hans Van Cleef, chuyên gia kinh tế trưởng về năng lượng LNG Qatar tại PZ - Energy cho biết.

“Giá tương lai trong giai đoạn 2026-2030 đã giảm trong những tuần gần đây, do những tín hiệu tốt về an ninh nguồn cung bắt đầu xuất hiện.

Hôm thứ Tư, QatarEnergy đã ký một thỏa thuận với Shell để cung cấp 3,5 triệu tấn LNG mỗi năm trong 27 năm tới cho cảng Rotterdam, Hà Lan, bắt đầu từ năm 2026. Thỏa thuận này lặp lại thỏa thuận đạt được mới nhất vào tuần trước với TotalEnergies, công ty cung cấp giao LNG đến trạm tiếp nhận LNG Fos Cavaou, ở miền nam nước Pháp.

Đồng thời, giá cước vận tải giao ngay cho LNG giảm tuần thứ 4 liên tiếp. Qasim Afghanistan, nhà phân tích tại Spark Commodities, cho biết giá cước tại Đại Tây Dương giảm xuống còn 132.250 USD/ngày vào thứ Sáu, trong khi giá cước tại Thái Bình Dương giảm xuống còn 129.500 USD/ngày.

Anh Thư

nangluongquocte.petrotimes.vn

Theo: Báo Công Thương