Sau lễ ra mắt sản phẩm thẻ tín dụng nội địa và thẻ trả trước nội địa được Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) và 7 ngân hàng (VietinBank, Ngân hàng Bản Việt, ACB, HDBank, BAOVIET Bank, Sacombank và Vietbank) tổ chức ngày 25/1/2021, một số ngân hàng trong nhóm 7 ngân hàng này đã bắt đầu triển khai phát hành thẻ ra thị trường, có thể kể đến như: VietinBank, BAOVIET Bank, Ngân hàng Bản Việt…
Ngoài việc tích hợp các tính năng của thẻ tín dụng quốc tế, thẻ tín dụng nội địa với mức phí tốt hơn còn đáp ứng mọi nhu cầu tài chính của khách hàng trên lãnh thổ Việt Nam. Chủ thẻ tín dụng nội địa có thể rút tiền mặt tại tất cả ATM có biểu tượng NAPAS và tại các điểm giao dịch 7 ngân hàng trên. Tuy là thẻ tín dụng nội địa nhưng các tính năng an toàn, bảo mật đều được áp dụng theo chuẩn quốc tế (sử dụng công nghệ thẻ chip VCCS) để chủ thẻ hoàn toàn có thể yên tâm giao dịch.
Là khách hàng đầu tiên đăng ký sử dụng thẻ tín dụng nội địa của BAOVIET Bank và được cấp hạn mức thẻ là 200 triệu đồng, chị V.M.H, cán bộ văn phòng một doanh nghiệp lớn có trụ sở tại Hà Nội cho biết, sau khi tìm hiểu chị quyết định đăng ký mở thẻ tín dụng nội địa để đáp ứng nhu cầu chi tiêu hàng ngày.
Lý do được chị V.M.H đưa ra khi lựa chọn mở thẻ tín dụng nội địa, là: Giống như thẻ tín dụng quốc tế, phương thức thanh toán của thẻ tín dụng nội địa cũng rất đa dạng (thanh toán khi mua hàng, sử dụng dịch vụ tại các đơn vị chấp nhận thẻ, thanh toán qua internet, các đơn vị chấp nhận thanh toán trực tuyến…); thủ tục đăng ký mở thẻ đơn giản; phí giao dịch và duy trì thẻ thấp hơn so với thẻ quốc tế. Hơn nữa, sử dụng thẻ tín dụng nội địa do các ngân hàng trong nước phát hành còn được hưởng rất nhiều ưu đãi.
Cụ thể, với mỗi khoản thanh toán, chị V.M.H đều được miễn lãi tối đa lên đến 55 ngày (thẻ tín dụng quốc tế là 45 ngày). Trong trường hợp cần tiền mặt gấp, phí rút tiền cũng rất ưu đãi chỉ 1% số tiền giao dịch (tối thiểu là 10.000 đồng), thấp hơn nhiều so với mức 4% số tiền giao dịch (tùy ngân hàng). Với thẻ tín dụng nội địa của BAOVIET Bank, có thể rút/ứng tiền mặt tối đa lên đến 100% hạn mức.
Tương tự như BAOVIET Bank, ngay sau lễ công bố ngày 25/1/2021, VietinBank và Ngân hàng Bản Việt cũng công bố phát hành thẻ tín dụng nội địa cho riêng mình. Trong đó, VietinBank ra mắt sản phẩm thẻ tín dụng nội địa mang tên iZero - một giải pháp hoàn hảo đối với các khách hàng có nhu cầu chi tiêu trước, thanh toán sau, các khách hàng yêu thích chi tiêu thẻ với mức phí thấp.
Hay Ngân hàng Bản Việt cũng công bố ra mắt dòng thẻ tín dụng nội địa thuần Việt - dành riêng cho người Việt, tại thị trường Việt - gồm: Thẻ NAPAS Bản Việt Standard và thẻ NAPAS Bản Việt shopON. Đại diện của Ngân hàng Bản Việt cho biết, dòng thẻ này được thiết kế để hướng tới phục vụ các nhu cầu mua sắm, thanh toán của khách hàng có thu nhập trung bình/thấp dựa trên tín chấp. Đây được kỳ vọng là sản phẩm tín dụng dễ tiếp cận và thiết thực đối với số đông khách hàng Việt.
Với quyết định cho ra mắt 2 dòng thẻ tín dụng nội địa thuần Việt đi kèm với nhiều ưu đãi thiết thực, đại diện của Ngân hàng Bản Việt chia sẻ, ra mắt dòng thẻ tín dụng nội địa thuần Việt góp phần tích cực hưởng ứng chủ trương của Đảng và Nhà Nước và các chỉ đạo của Ngân hàng Nhà Nước trong thúc đẩy thanh toán không tiền mặt và tham gia phát triển tài chính cho cộng đồng, đẩy lùi các hoạt động tín dụng đen.
Được biết, thẻ tín dụng nội địa được các ngân hàng phát hành nhắm tới mọi đối tượng, đặc biệt là tầng lớp cho thu nhập trung bình thấp (từ 3-5 triệu đồng/tháng). Với thủ tục đăng ký mở thẻ đơn giản, chi phí giao dịch thấp, chi phí rút tiền mặt thấp… thẻ tín dụng nội địa được kỳ vọng sẽ thu hút nhiều người dùng như hộ nông dân, công nhân, người dân ở vùng sâu, vùng xa - đối tượng dễ bị tín dụng đen “tấn công”.
Phát biểu tại lễ ra mắt thẻ tín dụng nội địa và thẻ trả trước nội địa, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh từng nhấn mạnh, với những đặc điểm như chi tiêu trước trả tiền sau với thời gian miễn lãi lên đến 55 ngày; được chấp nhận thanh toán và sử dụng trên mạng lưới thanh toán thẻ chip ghi nợ nội địa sẵn có của tất cả các ngân hàng; chi phí hợp lý cho các đơn vị phát hành, đơn vị chấp nhận thanh toán và khách hàng… đây sẽ là lựa chọn phù hợp để đẩy mạnh TTKDTM; giúp khách hàng dễ dàng, nhanh chóng tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngân hàng với mức phí hợp lý; góp phần triển khai chiến lược tài chính toàn diện quốc gia và từng bước đẩy lùi tín dụng đen.
PV
Theo Tạp chí Thị trường Tài chính - Tiền tệ (link gốc)