Doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế quý 2/2021 của CTCP Sữa Việt Nam - Vinamilk (HOSE - Mã: VNM) đạt lần lượt 15.716 tỷ đồng (+1% YoY) và 2.862 tỷ đồng (-7%YoY). Nguyên nhân doanh thu tăng 1% (1) Doanh thu nội địa giảm nhẹ 1% YoY, do tiếp tục bị ảnh hưởng bởi COVID-19 khiến sức mua suy giảm. (2) Doanh thu thị trường xuất khẩu +17%YoY nhờ đóng góp chính từ thị trường Trung Đông và các đơn hàng mới từ Mĩ, châu Âu. (3) Doanh thu các chi nhánh nước ngoài tăng trưởng 12,8% YoY, nhờ phục hồi của Driftwood.
Dự báo kết quả kinh doanh: BSC dự báo Doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế năm 2021 dự kiến đạt lần lượt là 60.886 tỷ đồng (+2% YoY) và 11.292 tỷ đồng (+0,5% YoY), tương đương EPS fw là 4.754 đồng, PE fw là 18,9x – Thấp hơn P/E trung bình 5 năm là 22 lần.
Luận điểm đầu tư:
Duy trì 60% thị phần và mức P/E fw = 18,9 lần – Định giá ở mức hấp dẫn khi ngành sữa được dự kiến phục hồi sau dịch;
Lợi nhuận 2022 được hỗ trợ (+11%YoY) nhờ (1) Nhu cầu nội địa và xuất khẩu phục hồi (2) Biên lợi nhuận gộp cải thiện 2,3ppt YoY nhờ Gía bán tăng ~2% từ tháng 5/2021 và gía NVL có xu hướng giảm.
Liên Doanh – Kỳ vọng tăng trưởng nhờ sức mạnh cộng hưởng: (1) Mở rộng thị trường và ngành hàng kinh doanh, thông qua việc khởi động các chuỗi Liên Doanh vào cuối 2021 (2) Tập trung phát triển các kênh hiện đại (kênh online) và tận dung năng lực bán hàng của đối tác, nhằm tối ưu hóa chi phí bán hàng và QLDN (~25% DT, TB 5 năm) trong dài hạn.
Rủi ro: Biến động giá nguyên vật liệu ảnh hưởng đến biên lợi nhuận; Cạnh tranh gay gắt với các đối thủ trong ngành.
Định giá: BSC khuyến nghị MUA mã cổ phiếu VNM với giá mục tiêu 105.570 VND/CP, upside 17% so với giá ngày 18/08/2021 với phương pháp DCF và P/E, với tỷ trọng là 50% - 50%.
Khuyến nghị khả quan cho cổ phiếu FPT với giá mục tiêu giữa năm 2022 đạt 107.000 đồng/cp
Lũy kế 7 tháng đầu năm 2021, CTCP FPT (HOSE - Mã: FPT) ghi nhận kết quả kinh doanh với tốc độ tăng trưởng phù hợp với dự phòng của BSC. Doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt 19.001 tỷ (+19% YoY) và 2.822 tỷ (+18% YoY) với mức tăng trưởng khả quan tại tất cả các ngành.
BSC dự báo doanh thu và lợi nhuận năm 2021 của FPT lần lượt ước đạt 36.140 tỷ đồng (+21,2% YoY) và lợi nhuận sau thuế đạt 5.323 tỷ đồng (+20,4% YoY). EPS FW 2021 = 5.049 đồng. PE FW 2021 = 18,5 lần.
BSC dự báo doanh thu và lợi nhuận năm 2022 của FPT lần lượt ước đạt 42.086 tỷ đồng (+17% YoY) và lợi nhuận sau thuế đạt 6.324 tỷ đồng (+20% YoY). EPS FW 2022 = 6.103 đồng. PE FW 2021 = 15,4 lần.
Quan điểm đầu tư: Doanh nghiệp Công nghệ đầu ngành đứng trước cơ hội Chuyển đổi số; Tốc độ tăng trưởng kỳ vọng duy trì mức trên 20% trong 3 năm tới.
Rủi ro: Diễn biến phức tạp của dịch bệnh ảnh hưởng đến tốc độ hồi phục; Rủi ro về cạnh tranh thu hút nguồn nhân lực Công nghệ.
Định giá: BSC tiếp tục duy trì khuyến nghị KHẢ QUAN đối với cổ phiếu FPT với giá mục tiêu giữa năm 2022 đạt 107.000 đồng với tiềm năng tăng giá là 14% so với mức giá ngày 17/08/2021 dựa trên hai phương pháp định giá là FCFE và PE với tỷ trọng là 60%/40%.
Cắt lỗ nếu cổ phiếu SCI mất ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn 30.000 đồng/cp
Cổ phiếu SCI (CTCP SCI E&C – sàn HNX) vừa hình thành phiên bứt phá sau khi tích lũy ngắn hạn quanh vùng giá 30-31. Thanh khoản cổ phiếu vượt ngưỡng trung bình 20 phiên đồng thuận với đà tăng giá cổ phiếu.
Đường giá cổ phiếu đã vượt lên MA20 và gần vượt lên MA50, báo hiệu xu hướng tăng giá tích cực. Chỉ báo RSI và chỉ báo MACD đều đang ủng hộ xu hướng tăng giá này.
Nhà đầu tư có thể mở vị thế quanh ngưỡng giá 34.5, chốt lãi tại ngưỡng 45.0 và cắt lỗ cổ phiếu SCI nếu mất ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn 30.0.
Trong quý II/2021, CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HOSE – Mã: HPG) ghi nhận doanh thu thuần tăng trưởng 72% so với cùng kỳ năm ngoái và lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 254%. Kết quả đầy ấn tượng này được hỗ trợ từ việc giá bán tăng mạnh và doanh thu đến từ những sản phẩm mới như – HRC và tôn mạ.
Các sản phẩm chủ lực trước đây vẫn duy trì được đà tăng trưởng của mình. Sản lượng thép xây dựng tăng trưởng 26% và sản lượng thép ống giảm nhẹ 5%. Sản lượng bán hàng của công ty vào tháng 6 có bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Sản lượng thép xây dựng trong tháng 6 giảm 29% so với tháng trước và 9% so với cùng kỳ năm ngoái.
PHS vẫn duy trì số dự phóng trong báo cáo gần nhất của chúng tôi. Dự phóng doanh thu năm 2021 sẽ đạt 149 nghìn tỷ đồng (tăng 66% so với năm trước) và lợi nhuận sau thuế sẽ đạt 28 nghìn tỷ đồng (tăng 108%) trong năm 2021. Kết quả kinh doanh khả quan trong nửa đầu năm 2021 và việc tăng chi tiêu đầu tư công trong năm 2021 là cơ sở cho kết quả ấn tượng này.
Điểm nhấn đầu tư: Dung Quất mở rộng sẽ bắt đầu khởi công vào cuối năm nay. Dung Quất giai đoạn 2 này sẽ tăng công suất của công ty thêm 5,6 triệu tấn thép, biến HPG trở thành công ty sản xuất thép lớn nhất Việt Nam.
Bên cạnh đó, HPG có kế hoạch sản xuất container với tổng công suất 500 nghìn TEUs. Công ty sẽ dần hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm thép của mình; Công ty có kế hoạch tăng quy mô mảng bất động sản trong tương lai. Công ty đã được phê duyệt để làm khảo sát cho 2 dự án ở Cần Thơ.
Ngoài ra, HPG đã mua lại một dự án mỏ quặng ở Úc. Công ty sẽ nhập khẩu nguyên vật liệu từ mỏ này vào đầu năm 2022.
Sử dụng EV/EBITDA, PE và DCF như những báo cáo lần trước, chúng tôi duy trì giá hợp lý của cổ phiếu lên 64.800 đồng/cổ phiếu. Vì mức tăng của cổ phiếu còn rất lớn, do đó chúng tôi duy trì khuyến nghị mua cho cổ phiếu.
Rủi ro: (1) Tham vọng trở thành công ty sản xuất thép hàng đầu cần phải đầu tư nhiều vào tài sản cố định. Dù cho HPG chỉ mới đề xuất dự án Dung Quất mở rộng, vốn đầu tư chuẩn bị sẽ tiềm ẩn rủi ro về cơ cấu nợ vay cao. (2) Giá bán thép trong nước đã có một đà tăng mạnh trong giai đoạn gần đây, điều này giúp cho công ty có biên lợi nhuận cao. Tuy nhiên, khi giá thép tạo đỉnh trong nửa đầu năm và giảm mạnh trong nửa cuối năm, biên lợi nhuận sẽ bị tác động, có thể giảm 3-5% từ ước tính của chúng tôi. Điều này có thể ảnh hưởng đến kỳ vọng của thị trường.
Những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo, các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.
Tân An
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam