Phó Thống đốc Phạm Quang Dũng tham dự Hội nghị Thống đốc NHTW và Bộ trưởng Tài chính ASEAN với các Hội đồng kinh doanh và Phiên Đối thoại chính sách giữa Thống đốc NHTW ASEAN với Tổng Giám đốc điều hành các định chế tài chính

05/04/2024 - 17:33
(Bankviet.com) Ngày 04/4/2024, tại Luang Prabang (Lào), trong khuôn khổ Hội nghị Thống đốc Ngân hàng Trung ương (NHTW) và Bộ trưởng Tài chính ASEAN (AFMGM), Phó Thống đốc Phạm Quang Dũng đã tham dự Hội nghị Thống đốc NHTW và Bộ trưởng Tài chính ASEAN với Hội đồng Kinh doanh EU - ASEAN, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (US - ASEAN) và Hội đồng Tư vấn kinh doanh ASEAN (ABAC)...
Ngày 04/4/2024, tại Luang Prabang (Lào), trong khuôn khổ Hội nghị Thống đốc Ngân hàng Trung ương (NHTW) và Bộ trưởng Tài chính ASEAN (AFMGM), Phó Thống đốc Phạm Quang Dũng đã tham dự Hội nghị Thống đốc NHTW và Bộ trưởng Tài chính ASEAN với Hội đồng Kinh doanh EU - ASEAN, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (US - ASEAN) và Hội đồng Tư vấn kinh doanh ASEAN (ABAC). Cùng ngày, phó Thống đốc Phạm Quang Dũng đã tham dự Phiên Đối thoại chính sách giữa Thống đốc NHTW ASEAN và Tổng Giám đốc điều hành (CEOs) các Định chế tài chính và có buổi làm việc song phương với đại diện Ngân hàng HSBC khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
 

 
Phó Thống đốc tham dự Hội nghị Thống đốc NHTW và Bộ trưởng Tài chính ASEAN với các Hội đồng kinh doanh
 
Hội nghị Thống đốc NHTW và Bộ trưởng Tài chính ASEAN với Hội đồng Kinh doanh EU-ASEAN, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ -ASEAN (US - ASEAN) và Hội đồng Tư vấn kinh doanh ASEAN (ABAC) là sự kiện thường niên quan trọng trong khuôn khổ chuỗi sự kiện cấp cao AFMGM. Đây là diễn đàn để kết nối Hiệp hội doanh nghiệp các nước và khu vực với các lãnh đạo cấp cao của khu vực ngân hàng - tài chính ASEAN nhằm tăng cường trao đổi về tình hình, định hướng, khuyến nghị chính sách và các xu hướng phát triển mới, hướng tới thúc đẩy hơn nữa hoạt động thương mại và đầu tư của doanh nghiệp các nước trong khu vực ASEAN theo các mục tiêu, ưu tiên chiến lược của Cộng đồng kinh tế ASEAN. Tại Hội nghị, đại diện từng Hiệp hội đã có bài trình bày và nêu một số kiến nghị, đề xuất về các chủ đề đang được quan tâm hiện nay bao gồm phát triển bền vững, tài chính xanh, chuyển đổi số và thu hút đầu tư.

Theo báo cáo khu vực ASEAN của Hội đồng Kinh doanh EU - ASEAN, ASEAN tiếp tục phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19, thu hút FDI tăng tăng 6% trong năm 2022 so với năm 2021, tăng trưởng GDP ở mức cao trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tồn tại nhiều khó khăn. Liên minh châu Âu thể hiện vai trò đối tác vững chắc của ASEAN khi là nguồn FDI lớn thứ 2 và liên tục nằm trong top 3 đối tác thương mại hàng đầu của ASEAN. Hội đồng đưa ra một số khuyến nghị để duy trì ASEA duy trì đà tăng trưởng kinh tế và đầu tư, cụ thể bao gồm: (i) Xanh hoá chuỗi cung ứng để duy trì sức hấp dẫn FDI, (ii) Thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng đồng thời đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, (iii) Tăng cường tính hấp dẫn để huy động nguồn vốn đáp ứng như cầu phát triển cơ sở hạ tầng; (iv) Thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế thông qua dỡ bỏ các rào cản thương mại, hài hoà hóa các tiêu chuẩn, thường xuyên tăng cường tính hiệu quả của các Hiệp định thương mại tự do; (v) Chuyển đổi nhanh sang các nền kinh tế số; (vi) Phối hợp xây dựng chính sách để giải quyết gian lận thương mại.

Toàn cảnh Hội nghị Thống đốc NHTW và Bộ trưởng Tài chính ASEAN với các Hội đồng kinh doanh

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thống đốc Phạm Quang Dũng chia sẻ quan điểm hiện tồn tại nhu cầu rất lớn về tài trợ cho các lĩnh vực xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu để hướng tới thực hiện mục tiêu về phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) tại các nước trong khu vực và trên thế giới. Ước tính từ nay đến năm 2050 thế giới cần 50 nghìn tỷ USD, khu vực ASEAN cần 180 tỷ USD đến năm 2030 và 240 tỷ USD đến năm 2045 để thực hiện mục tiêu Net Zero. Trong bối cảnh đó, Phó Thống đốc cho rằng bên cạnh nguồn lực công, rất cần các chính sách và giải pháp để mở khóa và thu hút nguồn lực từ khu vực tư nhân, hướng nguồn lực khu vực tư vào các dự án xanh, các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu. Để hiện thực hóa được điều này, Phó Thống đốc Phạm Quang Dũng cho rằng các nước thành viên ASEAN, các Hội đồng kinh doanh và các đối tác quốc tế cần tiếp tục tăng cường hợp tác trong việc thúc đẩy các sáng kiến về tài trợ xanh trong khu vực để hướng tới một nền ASEAN xanh và bền vững.

Phó Thống đốc tham dự Phiên Đối thoại chính sách giữa Thống đốc NHTW ASEAN với Tổng Giám đốc điều hành các định chế tài chính

Cùng ngày, Phó Thống đốc Phạm Quang Dũng đã tham dự Phiên Đối thoại chính sách giữa Thống đốc NHTW và CEOs các Định chế tài chính. Tham dự Đối thoại gồm có các Thống đốc NHTW các nước ASEAN, Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng ASEAN, đại diện các Hiệp hội Ngân hàng của các nước thành viên ASEAN và các định chế tài chính quốc tế. Nội dung phiên đối thoại xoay quanh chủ đề: (i) Cập nhật về Khuôn khổ liên thông dữ liệu (IDF); (ii) Chuyển đổi khả năng tiếp cận tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; (iii) An ninh mạng và khả năng phục hồi; và (iv) Thúc đẩy tài chính bền vững trong khu vực.

Phát biểu tại phiên Đối thoại, Phó Thống đốc Phạm Quang Dũng ghi nhận và hoan nghênh các sáng kiến khu vực về: (i) Mạng lưới chia sẻ thông tin và tăng cường an ninh mạng (CRISP) để các quốc gia thành viên chia sẻ thông tin nhằm chống lại các mối đe dọa an ninh mạng và phát triển các hành động hợp tác giảm nhẹ; (ii) IDF nhằm thúc đẩy luồng dữ liệu xuyên biên giới an toàn cho các tổ chức tài chính ngân hàng trong khu vực ASEAN. Phó Thống đốc cho rằng các sáng kiến này cho phép thiết lập kết nối kỹ thuật số giữa các tổ chức tài chính ASEAN và các bên tham gia thị trường, thông qua đó hỗ trợ chuyển đổi kỹ thuật số ngành ngân hàng trong khu vực, góp phần thúc đẩy hội nhập kinh tế cũng như phát triển xã hội. Để tăng cường hơn nữa hiệu quả của các sáng kiến này cũng như các sáng kiến kết nối kỹ thuật số trong tương lai, Phó Thống đốc đề nghị khu vực tư nhân tham gia chặt chẽ trong việc đề xuất các giải pháp mang tính kỹ thuật và nguồn lực cụ thể nhằm giảm thiểu rủi ro và thúc đẩy hơn nữa khả năng kết nối trong khu vực.

Về vấn đề tài chính bền vững, Phó Thống đốc Phạm Quang Dũng ghi nhận các nỗ lực của Ủy ban Taxonomy ASEAN trong việc phát triển và đưa ra các cách tiếp cận tiêu chuẩn hóa để đánh giá về các hoạt động kinh tế. NHNN đánh giá cao các nỗ lực, hỗ trợ của khu vực ASEAN đối với ngành ngân hàng trong việc chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải ròng bằng 0 (net zero economy) bền vững.

Phó Thống đốc làm việc với Đại diện HSBC châu Á-Thái Bình Dương

Cũng trong ngày 4/4/2024, Phó Thống đốc Phạm Quang Dũng có buổi làm việc song phương với ông Rosha Surendra, Đồng Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tại buổi làm việc, hai bên đã thảo luận về hợp tác hỗ trợ phát triển kinh tế của Việt Nam, trong đó nhấn mạnh về việc hợp tác hỗ trợ thúc đẩy thương mại và đầu tư phát triển thị trường vốn, chú trọng vào việc chuyển đổi số và công nghệ trong các dịch vụ tài chính, tài chính bền vững và tài chính toàn diện; và trong quản lý đầu tư dự trữ quốc gia.

Phó Thống đốc ghi nhận HSBC Việt Nam là thành viên tích cực trong Nhóm Công tác ngân hàng thuộc Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam, thường xuyên tham gia tích cực trong hoạt động đối thoại chính sách của Nhóm Công tác với NHNN, có những đóng góp đáng ghi nhận đối với việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động ngân hàng tại Việt Nam. NHNN cũng đánh giá cao công tác nghiên cứu của HSBC với những dự báo tương đối chính xác về kinh tế Việt Nam, có giá trị tham khảo tốt cho cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan quản lý. Phó Thống đốc chia sẻ NHNN đã ban hành Thông tư cho phép các ngân hàng mở tài khoản, phát hành thẻ bằng phương thức điện tử (eKYC), cho vay, bảo lãnh ngân hàng bằng phương thức điện tử nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng công nghệ mới, thúc đẩy chuyển đổi số nhưng vẫn đảm bảo an ninh, an toàn. Về tài chính xanh, NHNN mong muốn HSBC chia sẻ thêm về kinh nghiệm thực tiễn trong triển khai các tiêu chuẩn Quản trị - Môi trường - Xã hội (ESG) nhằm xanh hóa danh mục đầu tư tín dụng để góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh ở Việt Nam.

Theo sbv.gov.vn
Theo: Tạp chí Ngân hàng