''Quản trị Xám'': Góc nhìn mới cho tư duy lãnh đạo trong thời đại chuyển đổi

30/09/2024 - 22:56
(Bankviet.com) Tiến sĩ Lê Tân – một chuyên gia tư vấn về quản trị và nhân sự vừa ra mắt cuốn sách ''Quản trị Xám'', đánh dấu sự ra đời của một lý thuyết quản trị mới.
IMF cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam hiện thực hóa các mục tiêu phát triển Thực hành và theo đuổi ESG sẽ mang lại giá trị thương hiệu cho doanh nghiệp

Tiến sĩ Lê Tân – một chuyên gia tư vấn về quản trị và nhân sự vừa ra mắt cuốn sách "Quản trị Xám", đánh dấu sự ra đời của một lý thuyết quản trị mới, hứa hẹn sẽ trở thành kim chỉ nam cho các nhà quản trị, đặc biệt là các doanh nhân trẻ trong hành trình đối mặt với thách thức của thời đại mới.

“Quản trị Xám” (Gray Management Theory - GMT) là quá trình nhà quản trị thay đổi tư duy, chủ động nhận diện và ra quyết định quản trị trong trạng thái môi trường thông tin khó kiểm soát, mơ hồ hoặc có đầy đủ thông tin chính xác nhưng bất tương xứng về các giá trị quy chuẩn giữa nhà quản trị với các đối tượng quản trị nhằm tạo ra cơ hội sử dụng hiệu quả nguồn lực để phát triển bền vững tổ chức.

''Quản trị Xám'': Góc nhìn mới cho tư duy lãnh đạo trong thời đại chuyển đổi
"Quản trị Xám" - Góc nhìn cho tư duy lãnh đạo trong thời đại chuyển đổi

Khái niệm "Quản trị Xám", một cách tiếp cận mới mẻ, linh hoạt giúp các nhà quản trị ra quyết định trong bối cảnh thông tin không rõ ràng và khó dự đoán hoặc thông tin chính xác đầy đủ nhưng gặp sự bất tương xứng về quy chuẩn, hệ giá trị. Đây cũng là nội dung chính xuyên suốt cuốn sách, giúp các doanh nghiệp có thể điều chỉnh chiến lược và quản lý tổ chức một cách hiệu quả hơn trong thời đại chuyển đổi số.

Hành trình nghiên cứu và biên soạn "Quản trị Xám" là kết quả của nhiều năm dày công tìm tòi, đúc kết từ thực tiễn quản trị. Tác giả không chỉ trình bày lý thuyết mà còn gửi gắm tâm huyết và niềm tin vào khả năng thay đổi tích cực trong cách quản trị doanh nghiệp.

Để cụ thể hóa khái niệm mới mẻ này về quản trị, TS. Lê Tân đã chỉ ra ra các vấn đề cần làm rõ. Một là, “Quản trị Xám” là quá trình nhà quản trị thay đổi tư duy, chủ động nhận diện và ra quyết định quản trị trước các tác động từ môi trường bên trong và môi trường bên ngoài. Với điểm này, về cơ bản, “Quản trị Xám” cũng được hiểu như cách thức của một nhà quản trị truyền thống ra quyết định bởi tác động của các yếu tố bên trong và yếu tố bên ngoài.

"Quản trị Xám": Góc nhìn mới cho tư duy lãnh đạo trong thời đại chuyển đổi

Sự kiện ra mắt sách “Quản trị Xám” thu hút sự quan tâm của những nhà quản trị và những người làm việc trong lĩnh vực nhân sự

Hai là, “Quản trị Xám” là quá trình nhà quản trị ra quyết định trong trạng thái môi trường thông tin khó kiểm soát, mơ hồ (hay còn gọi là “Quản trị Xám” cấp độ 1). Ba là, “Quản trị Xám” là quá trình nhà quản trị ra quyết định trong môi trường bất tương xứng về giá trị, quy chuẩn (hay còn gọi là “Quản trị Xám” cấp độ 2). Bốn là, việc tạo ra cơ hội thay đổi tổ chức là một mục đích xuyên suốt, là sự khác biệt cơ bản của quản trị thay đổi (trong đó có “Quản trị Xám”) với quản trị truyền thống.

Tác giả Lê Tân cũng đưa ra một ví dụ vụ thể trong bối cảnh hội chứng FOMO (Fear Of Missing Out) trở nên phổ biến, nhà quản trị có thể khai thác sự lo lắng này để đưa ra các quyết định chiến lược, nhắm đến việc thỏa mãn nhu cầu tâm lý của nhân viên, khách hàng hoặc các đối tác kinh doanh. Hoặc nhóm đối tượng Gen Z, dưới tác động của hội chứng này, luôn có xu hướng được doanh nghiệp đãi ngộ tài chính dưới hình thức biểu hiện phi tài chính để “sống ảo” với cộng đồng. Vì thế, thay bằng nhà quản trị phải chi phí một nguồn lực tài chính lớn cho đãi ngộ thì chỉ cần sử dụng một cơ số hợp lý tác động vào các đãi ngộ có tính hình thức. Việc này, một phần sẽ thỏa mãn được nhu cầu của nhân sự nhưng nhà quản trị và doanh nghiệp chỉ phải bỏ ra một chi phí rất tiết kiệm trong khi kết quả tác động của hoạt động đãi ngộ thu được còn lớn hơn đãi ngộ tài chính đơn thuần.

Với trọng tâm là sự thay đổi tư duy quản trị và khả năng thích ứng linh hoạt, lý thuyết “Quản trị Xám” cung cấp một khung lý thuyết mới, giúp các nhà quản trị không chỉ đối phó hiệu quả với sự biến động mà còn chủ động tạo ra các cơ hội mới, tối ưu hóa việc sử dụng nguồn lực để đạt được sự phát triển bền vững trong dài hạn.

Như vậy, lý thuyết “Quản trị Xám” mở ra một hướng đi mới trong quản trị doanh nghiệp, nơi mà cạnh tranh không còn là mục tiêu chính. Thay vào đó, sự hợp tác, đổi mới và sáng tạo được đặt lên hàng đầu, giúp doanh nghiệp không chỉ thoát khỏi cạnh tranh một cách khả thi mà còn phát triển mạnh mẽ trong môi trường kinh doanh phức tạp hiện nay.

Thùy Linh

Theo: Báo Công Thương