Sau sầu riêng, thêm một mặt hàng chủ lực của Thái Lan gặp khó: Xuất khẩu giảm 30% trong quý 1, cạnh tranh giá với Ấn Độ, Việt Nam
Gạo Thái Lan đang gặp khó trước mức thuế quan 36% đến từ phía Mỹ.
Các chuyên gia cho biết Thái Lan cần tiếp tục phát triển các giống lúa chất lượng cao và thúc đẩy sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường và duy trì khả năng cạnh tranh của vương quốc này trong bối cảnh thách thức mới từ thuế quan thương mại của Mỹ.

"Gạo Jasmine Thái Lan có chất lượng và uy tín cao trên thị trường quốc tế, sẽ không bị ảnh hưởng bởi việc tăng thuế của Mỹ", Charoen Laothamatas, chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA), cho biết. "Tuy nhiên, mức thuế bổ sung có thể khiến giá gạo tăng vọt và khiến giá gạo Thái Lan kém cạnh tranh hơn".
Thái Lan là một trong những quốc gia Đông Nam Á bị ảnh hưởng bởi biện pháp thuế quan từ phía Mỹ. Quốc gia này sẽ phải chịu mức thuế 36% đối với hàng hóa trừ khi đàm phán thành công trước khi lệnh hoãn thuế kết thúc vào tháng 7.
Theo TREA, năm ngoái, Thái Lan đã xuất khẩu 9,95 triệu tấn gạo, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước và là mức cao nhất kể từ năm 2018. Trong tổng lượng xuất khẩu, nước này đã bán 848.449 tấn gạo sang Mỹ, trở thành thị trường lớn thứ ba của gạo Thái Lan sau Indonesia và Iraq.
Bộ Thương mại Thái Lan đã đặt mục tiêu xuất khẩu 7,5 triệu tấn gạo trong năm nay. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của TREA, xuất khẩu gạo đã giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý đầu tiên của năm nay.
Charoen cho rằng sự suy giảm này là do nhiều lý do, bao gồm thuế quan cao từ Mỹ, đồng baht tăng giá cùng với giá cao hơn so với các đối thủ là Việt Nam và Ấn Độ.
"Giá gạo của Ấn Độ đang rẻ hơn 40 USD/tấn so với gạo của Thái Lan, khiến một số quốc gia tiêu thụ gạo quốc tế chính của chúng tôi, bao gồm Nam Phi, Malaysia và Philippines, chuyển sang Ấn Độ thay vì Thái Lan", Charoen cho biết.
Phó phát ngôn viên Chính phủ Anukool Pruksanusak cho biết tại một cuộc họp báo gần đây rằng nhu cầu giảm, kết hợp với sản lượng tăng ở cả nước xuất khẩu và nhập khẩu khi tình trạng hạn hán giảm bớt, sẽ khiến xuất khẩu gạo của Thái Lan trở nên khó khăn hơn trong năm nay.
Chookiat Ophaswongse, chủ tịch của TREA cũng cho biết thêm rằng gạo Việt Nam rẻ hơn vì chi phí sản xuất thấp hơn, nông dân trồng nhiều loại cây trồng xen canh khác nhau và thu hoạch nhiều lần.
"Gạo Thái đắt hơn vì nông dân Thái Lan phải chịu chi phí sản xuất cao hơn trong khi năng suất thấp. Chính quyền nên tập trung vào việc cải thiện hiệu quả sản xuất của nông dân Thái Lan để họ có thể cạnh tranh trong dài hạn, đặc biệt là bằng cách quản lý chi phí sản xuất, cải thiện đầu tư và phát triển các giống lúa cho năng suất cao hơn."
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với giới truyền thông Thái Lan, ông Banjong Tangchitwattanakul, chủ tịch Hiệp hội các nhà xay xát gạo Thái Lan, cho biết những động thái như giảm thuế đối với ngô của Mỹ từ 73% xuống 0%, sẽ gây thêm tổn hại cho nông dân Thái Lan.
Ông cho biết: "Ngô nhập khẩu giá rẻ có thể làm giảm giá gạo tấm và cám gạo, được chiết xuất trong quá trình xay xát gạo và sử dụng làm thức ăn chăn nuôi".
Kirida Bhaopichitr, giám đốc Cơ quan Tình báo Kinh tế thuộc Viện Nghiên cứu Phát triển Thái Lan, cho biết các mặt hàng xuất khẩu chính của Thái Lan sang Mỹ bao gồm đồ điện tử, đồ điện gia dụng, máy móc, ô tô và phụ tùng, nông nghiệp và nông sản chế biến, sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi mức thuế quan này.
"Thái Lan nên giữ thái độ trung lập và thúc đẩy thương mại và đầu tư từ tất cả các quốc gia. Các hiệp định thương mại tự do với nhiều đối tác thương mại hơn nên sớm được lập ra." Bà cho biết các quốc gia và doanh nghiệp phải đa dạng hóa để tồn tại trong một hệ thống thương mại năm 2025.