SCIC tổ chức bán vốn trên 1.000 đơn vị trong 17 năm hoạt động, thu hơn 51.000 tỷ đồng

24/10/2022 - 23:24
(Bankviet.com) Thông tin này được ban lãnh đạo Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) chia sẻ tại sự kiện đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì, diễn ra ngày 21/10.
SCIC tổ chức bán vốn trên 1.000 đơn vị trong 17 năm hoạt động, thu hơn 51.000 tỷ đồng
Sau 17 năm hoạt động, doanh thu của SCIC theo số liệu mới nhất đã tăng gấp 50 lần, lợi nhuận sau thuế tăng gấp 77 lần, vốn chủ sở hữu tăng gấp 16 lần, tổng tài sản tăng gấp 12 lần.

Đại diện SCIC cho biết, trong 17 năm hoạt động, SCIC đã tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 1.079 doanh nghiệp, gồm 24 Tổng công ty và Tập đoàn, với tổng giá trị vốn Nhà nước gần 30.800 tỷ đồng, giải ngân đầu tư đạt 37.651 tỷ đồng

Bên cạnh đó, SCIC đã tổ chức bán vốn tại 1.040 doanh nghiệp và bán quyền mua tại 19 doanh nghiệp với tổng giá vốn 12.410 tỷ đồng, thu về 51.062 tỷ đồng, kết quả thu được gấp 1 lần giá vốn.

So với thời điểm thành lập, doanh thu của SCIC theo số liệu mới nhất đã tăng gấp 50 lần, lợi nhuận sau thuế tăng gấp 77 lần, vốn chủ sở hữu tăng gấp 16 lần, tổng tài sản tăng gấp 12 lần, tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân đạt 13%.

Đáng nói, mức đóng góp ngân sách Nhà nước của SCIC đều tăng trưởng qua các năm, bình quân khoảng 64%/năm. Cùng với đó, tổng nguồn thu cổ tức cho Nhà nước lũy kế trên 47.800 tỷ đồng trong 17 năm hoạt động, tương ứng bình quân mỗi năm SCIC thu về hơn 2.800 tỷ đồng cổ tức.

Đến ngày 30/9/2022, danh mục đầu tư của SCIC (còn lại sau khi bán vốn và chuyển giao lại một số doanh nghiệp công ích cho địa phương) bao gồm 126 doanh nghiệp, với tổng vốn theo giá trị sổ sách là 47.344 tỷ đồng, trên tổng số vốn điều lệ là 158.111 tỷ đồng, bao gồm: 121 Công ty cổ phần; 1 Công ty TNHH 2 thành viên; 4 Công ty TNHH MTV.

Về hoạt động kinh doanh, theo số liệu tài chính bán niên 2022, SCIC ghi nhận hơn 5.000 tỷ đồng doanh thu, tăng 31% so với cùng kỳ, chiếm khoảng 74% là nguồn thu từ cổ tức là lợi nhuận được chia, còn lại đến từ bán các khoản đầu tư (722 tỷ) và lãi tiền gửi, lãi trái phiếu (544 tỷ đồng).

Tuy nhiên, do không còn khoản hoàn nhập dự phòng giảm giá đầu tư và lợi nhuận từ công ty liên doanh, liên kết âm hơn 1.613 tỷ đồng nên lợi nhuận sau thuế của SCIC giảm 69% còn 1.773 tỷ đồng.

Tổng tài sản của SCIC tính đến cuối tháng 6/2022 xấp xỉ 60.255 tỷ đồng, giảm hơn 3.200 tỷ so với đầu năm. Trong đó, tập trung phần lớn vào đầu tư tài chính ngắn hạn là hơn 42.904 tỷ đồng gồm tiền gửi ngân hàng và đầu tư vào cổ phiếu (niêm yết và chưa niêm yết).

Vân Oanh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán