Sự trỗi dậy và lụi tàn của đế chế điện thoại Nokia
Một thời từng thống trị thị trường điện thoại toàn cầu, Nokia trở thành cái tên gắn liền với ký ức của hàng triệu người.
Nokia được thành lập vào năm 1865 tại Phần Lan, khởi nguồn là một nhà máy sản xuất bột giấy. Sau nhiều lần chuyển mình, công ty mở rộng sang lĩnh vực cao su, dây cáp điện và cuối cùng là điện tử. Mảng điện thoại di động chỉ thực sự hình thành vào năm 1979, khi Nokia hợp tác với hãng Salora và cho ra mắt điện thoại ô tô đầu tiên - Mobira Senator.

Vào năm 1987, Nokia tiếp tục ra mắt Mobira Cityman – chiếc điện thoại di động cầm tay đầu tiên. Tuy có giá đắt đỏ và trọng lượng gần 1kg, sản phẩm này đánh dấu bước đột phá quan trọng. Đỉnh cao của công nghệ thời ấy được ghi dấu ấn khi lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev sử dụng chính chiếc điện thoại này trong một sự kiện quốc tế.
Từ đầu những năm 90, Nokia bắt đầu bứt phá nhờ chiến lược táo bạo: tập trung toàn lực vào viễn thông và điện thoại di động, cắt bỏ hoàn toàn các mảng kinh doanh không cốt lõi. Dưới sự điều hành của CEO Jorma Ollila, hãng ra mắt các mẫu điện thoại nhỏ gọn, dễ sử dụng, pin khỏe và đặc biệt là nhạc chuông đặc trưng "Nokia Tune".
Chiếc Nokia 2100 ra mắt năm 1994, trở thành hiện tượng với doanh số vượt 20 triệu chiếc – gấp 50 lần kỳ vọng. Các dòng 3310, 5110 hay 3210 lần lượt chinh phục người dùng toàn cầu. Từ năm 1998 đến 2007, Nokia là hãng điện thoại số 1 thế giới, chiếm gần một nửa thị phần smartphone toàn cầu, đóng góp 25% vào tăng trưởng GDP Phần Lan. Đó là thời kỳ Nokia được ví như "xương sống" kinh tế của cả một quốc gia.

Những dấu hiệu rạn nứt: Khi đỉnh cao trở thành điểm mù chiến lược
Tuy vẫn ở vị trí thống trị, từ năm 2004, Nokia bắt đầu cho thấy dấu hiệu chững lại. Khi Apple ra mắt iPhone năm 2007 – một chiếc điện thoại màn hình cảm ứng, tích hợp kho ứng dụng App Store thị trường điện thoại bước vào một kỷ nguyên mới. Trong khi đó, Nokia vẫn trung thành với hệ điều hành Symbian đã lỗi thời, kém thân thiện với người dùng và không phù hợp với xu thế cảm ứng.
Dù từng có cơ hội phát triển hệ điều hành riêng như dự án Maemo với Intel nhưng Nokia lại thiếu quyết đoán và cuối cùng chọn hợp tác với Microsoft, dùng hệ điều hành Windows Phone cho dòng Lumia. Thị phần sụt giảm nhanh chóng, từ gần 50% xuống chỉ còn hơn 20% vào năm 2012. Năm 2013, mảng thiết bị cầm tay của Nokia được bán cho Microsoft với giá 5,44 tỷ euro – một cái kết buồn cho một đế chế điện thoại từng lừng lẫy toàn cầu.
Sau khi bán mảng thiết bị cho Microsoft, Nokia tập trung hoàn toàn vào lĩnh vực thiết bị mạng. Công ty thành lập Nokia Networks và sau đó thâu tóm Alcatel-Lucent – hãng viễn thông lớn của Pháp – với giá 16,6 tỷ USD vào năm 2015. Nokia trở thành một trong những nhà cung cấp giải pháp viễn thông hàng đầu thế giới, cạnh tranh với Huawei, Ericsson và Cisco.

Doanh thu năm 2023 của Nokia đạt hơn 26 tỷ USD với các hợp đồng thiết bị 5G trải dài trên toàn cầu. Công ty hiện diện tại hơn 130 quốc gia, dẫn đầu trong lĩnh vực hạ tầng mạng và phần mềm viễn thông.
Tháng 2/2024, HMD Global – công ty hiện giữ bản quyền thương hiệu Nokia tuyên bố dừng sản xuất smartphone mang tên Nokia. Trang web chính thức cũng ngừng cập nhật về điện thoại thông minh. Đây là lời chia tay chính thức với mảng smartphone vốn từng làm nên tên tuổi toàn cầu của hãng.
Thay vì tiếp tục cạnh tranh trong thị trường smartphone khốc liệt, HMD sẽ chuyển trọng tâm sang các mẫu điện thoại phổ thông, thiết bị số và các sản phẩm sáng tạo mới. Họ mong muốn tái định vị thương hiệu Nokia theo hướng khác – bền vững hơn, ít cạnh tranh trực diện hơn.
Dù sự rút lui này để lại tiếc nuối với người hâm mộ, nhưng cũng cho thấy bản lĩnh dám dừng lại, dám đổi mới – điều mà chính Nokia từng thiếu khi bước vào kỷ nguyên cảm ứng cách đây hơn một thập kỷ.
Câu chuyện của Nokia không chỉ là hành trình lên đỉnh rồi sa sút của một thương hiệu công nghệ, mà còn là bài học sâu sắc về tư duy lãnh đạo, chiến lược đổi mới và khả năng thích nghi. Trong thế giới biến động như hiện nay, không có vị trí nào là bất biến.
Thành công trong quá khứ là tài sản, nhưng cũng có thể trở thành gánh nặng nếu doanh nghiệp ngủ quên trong vinh quang. Nokia đã từng mắc sai lầm ấy nhưng đang tìm cách sửa chữa, bằng cách dũng cảm rút lui để sống tiếp một vai trò khác.