Theo thông tin từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), thị phần của các nền kinh tế mới nổi đã tăng lần đầu tiên kể từ năm 2016, cho thấy sự quan tâm ngày càng tăng của các nhà đầu tư đối với các sản phẩm về môi trường, xã hội và quản trị (ESG), nhưng cơ hội ngày càng tăng này cũng đặt ra những rủi ro mới.
Vai trò ngày càng nổi bật của ESG
Tài chính bền vững kết hợp các nguyên tắc ESG vào các quyết định kinh doanh và chiến lược đầu tư, bao gồm các vấn đề từ biến đổi khí hậu đến thực tiễn lao động. Nguyên tắc này đã trở nên phổ biến hơn ở các thị trường mới nổi một phần do nhu cầu tài chính liên quan đến đại dịch, chẳng hạn như chăm sóc sức khỏe, cũng như sự gia tăng của các khoản vay liên quan đến khí hậu ở Mỹ Latinh.
Giá trị phát hành trái phiếu bền vững qua các năm tại các nền kinh tế mới nổi |
Phát hành trái phiếu liên quan đến ESG đã tăng hơn ba lần vào năm ngoái lên 190 tỷ USD. Dòng vốn quỹ đầu tư liên quan đến tính bền vững cũng tăng lên 25 tỷ USD, nâng tổng tài sản được quản lý lên gần 150 tỷ USD.
Các khoản đầu tư của ESG hiện chiếm gần 18% nguồn tài trợ ngoại của các thị trường mới nổi (không bao gồm Trung Quốc), tăng gấp bốn lần mức trung bình trong những năm gần đây. Điều này đặt ra câu hỏi về các rủi ro ổn định tài chính có thể xảy ra.
Mở rộng theo nhiều khía cạnh
Hệ sinh thái ESG ở các thị trường mới nổi không chỉ phát triển về quy mô mà còn mở rộng ra các khía cạnh khác. Trái phiếu xanh vẫn là một phần cốt lõi của hệ sinh thái này, với khối lượng phát triển với tốc độ trung bình là 20%. Tuy nhiên, các công cụ xã hội và các công cụ khác liên quan đến bền vững đang trở nên quan trọng hơn, đạt gần một nửa lượng phát hành trong giai đoạn 2019-21, tăng từ khoảng 1/5 trong giai đoạn 2016-2018.
Sự phát triển của tài chính bền vững cũng thể hiện rõ ràng trong hoạt động phát hành trái phiếu xanh tích cực hơn của các công ty phi tài chính và các khu vực liên quan đến chính phủ.
Một động lực chính của ESG ở thị trường mới nổi là tăng trưởng bên ngoài Trung Quốc. Lượng phát hành của các thị trường mới nổi ngoại trừ Trung Quốc chiếm gần một nửa tổng số phát hành trong giai đoạn 2019-2021, so với chỉ khoảng 1/3 vào ba năm trước đó. Những quốc gia khác ngày càng quan trọng trong thị trường bền vững là Chile, nơi phát hành ESG đã đạt gần 12% tổng sản phẩm quốc nội trong 5 năm qua, cũng như Peru và Mexico. Một số quốc gia có thu nhập thấp như Benin và Togo cũng đã phát hành trái phiếu liên quan đến ESG vào năm 2021.
Vai trò của tài chính tư nhân
Lợi nhuận gần đây trên thị trường ESG có thể là cơ hội quan trọng để các thị trường mới nổi tiếp cận các nguồn tài trợ ổn định hơn và phát triển một hệ sinh thái tài chính bền vững rộng lớn và trưởng thành hơn. Với việc nhiều quốc gia trong số này phải chịu nhiều rủi ro về khí hậu và đã phải đối mặt với những thách thức liên quan đến quá trình chuyển đổi, tài chính tư nhân sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu những rủi ro này và củng cố khu vực tài chính.
Tuy nhiên, cũng có những rủi ro mà các nhà hoạch định chính sách tại thị trường mới nổi phải theo dõi và giải quyết những thách thức, bao gồm:
Rủi ro về ổn định tài chính: bao gồm sự khác biệt về cơ sở nhà đầu tư so với các nhà đầu tư truyền thống và có khả năng nhạy cảm cao hơn so với các điều kiện tài chính toàn cầu, do cấu thành nặng về công nghệ của nhiều chỉ số ESG. Ngoải ra, còn có một cân nhắc quan trọng trong môi trường chính sách hiện tại, khi các ngân hàng trung ương ở các nền kinh tế tiên tiến tăng lãi suất và giảm chính sách thích ứng áp dụng trong thời kỳ đại dịch, đang bắt đầu thắt chặt các điều kiện tài chính trên khắp thế giới.
Các nhà hoạch định chính sách nên củng cố kiến trúc thông tin về khí hậu để khuyến khích việc định giá hiệu quả cho những rủi ro như vậy và tránh việc tẩy xanh (green washing), sử dụng nhãn xanh hoặc các chiến lược thường chưa được xác minh hoặc lừa dối về tính lành mạnh môi trường. Các chính sách cần hướng tới việc cải thiện chất lượng, tính nhất quán và khả năng so sánh của dữ liệu khí hậu, xây dựng việc phân loại nhằm điều chỉnh các khoản đầu tư với các mục tiêu khí hậu và nâng cao các tiêu chuẩn công bố thông tin toàn cầu.
Trong khi một số vấn đề này cũng đang phổ biến ở các nền kinh tế tiên tiến, các nền kinh tế mới nổi phải đối mặt với những thách thức khác, đặc biệt liên quan đến quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và sự sẵn có và chất lượng của dữ liệu khí hậu. Để tránh phân mảnh thị trường và các phương pháp tiếp cận theo quy định, điều phối quốc tế và áp dụng các tiêu chuẩn toàn cầu vẫn là điều tối quan trọng.