Một cổ phiếu gấp hơn 3 lần sau gần hai tuần: Từ ngày 13/12 đến 20/12, giá cổ phiếu Thể thao Ngôi sao Geru (UPCoM: GER) tăng trần 6 phiên liên tiếp lên mức 12.800 đồng/cp với thanh khoản thấp 100-1.000 đơn vị/phiên. Trước đó tại ngày 7/12, cổ phiếu ghi nhận mức tăng với biên độ 40% sau thời gian dài không có giao dịch nào được thực hiện. Tuy nhiên đến các phiên 8 – 10/12, mã này tiếp tục không có thanh khoản. Thị giá GER hiện gấp hơn 3 lần sau gần hai tuần. Thể thao Ngôi sao Geru thành lập từ năm 1994, tiền thân là Công ty Sản xuất và Kinh doanh Dụng cụ Thể thao trực thuộc Tổng công ty Cao su Việt Nam nay là Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (HoSE: GVR). Đến năm 2006, đơn vị chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần với vốn điều lệ 22 tỷ đồng được duy trì cho tới nay. Cơ cấu cổ đông Ngôi sau Geru cô đặc, tại thời điểm cuối năm ngoái, GVR sở hữu 64,38% vốn, theo sau là Cao su Phước Hòa (HoSE: PHR) với 26,82% cổ phần.
Công bố thông tin không đúng hạn, Vận tải Transimex bị xử phạt: Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với CTCP Vận tải Transimex (UPCoM: TOT) số tiền 50 triệu đồng. Cụ thể, TOT công bố thông tin không đúng hạn theo quy định pháp luật trên hệ thống công bố thông tin của Ủy ban Chứng khoán Nhà Nước và trên trang thông tin điện tử của HNX các tài liệu như Báo cáo thường niên 2019, Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên 2020 và 2021, Báo cáo tình hình quản trị Công ty 2020. Do đó, TOT bị xử phạt số tiền 50 triệu đồng do công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định pháp luật.
Khối ngoại giảm bán ròng còn 17 tỷ đồng trên HoSE trong phiên 20/12: Giao dịch của khối ngoại biến động có phần bớt tiêu cực hơn. Theo đó, khối ngoại mua vào 31 triệu cổ phiếu, trị giá 1.240 tỷ đồng, trong khi bán ra 31,5 triệu cổ phiếu, trị giá 1.250 tỷ đồng. Tổng khối lượng bán ròng ở mức 433.816 cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng là 9,8 tỷ đồng. Trên sàn HoSE, khối ngoại có phiên bán ròng thứ 7 liên tiếp nhưng giá trị giảm 98% so với phiên trước và ở mức 17,3 tỷ đồng, tương ứng khối lượng 340.700 cổ phiếu. Khối ngoại sàn HoSE bán ròng mạnh nhất mã CII với 132 tỷ đồng. HSG và VIC bị bán ròng lần lượt 41,5 tỷ đồng và 40 tỷ đồng. Trong khi đó, VRE được mua ròng mạnh nhất với 60 tỷ đồng. HPG và HDB đều được mua ròng trên 50 tỷ đồng.
Cổ phiếu tài chính bị rút tiền: Trong tuần từ 13-17/12, thị trường tăng điểm khá tích cực, cả điểm số và thanh khoản đều tăng. Tuy nhiên, dòng tiền ở nhóm ngân hàng vẫn chưa trở lại khi không có cổ phiếu ngân hàng trong top tăng thanh khoản, ngược lại nhiều cổ phiếu ở nhóm này vẫn bị rút tiền. TPB, ACB giảm khối lượng giao dịch tới 40% so với trước. TCB cũng ghi nhận khối lượng giao dịch giảm gần 32%. Cổ phiếu tài chính như bảo hiểm và chứng khoán cũng là đối tượng bị rút tiền. MIG, BVH lần lượt giảm khối lượng giao dịch 41% và 29% so với tuần trước. Trong khi nhiều đại diện thuộc nhóm chứng khoán như FTS, VIX, BVS, SHS, MBS… có khối lượng giao dịch giảm từ 25 - 35% so với tuần trước. Xét về nhóm ngành tăng thanh khoản, bất động sản là nhóm góp mặt nhiều nhất trong top tăng thanh khoản tuần qua. TDC, NTL, BCM, AGG, CCL, BCE, VC7, CEO, PV2 là những cái tên đại diện. Hầu hết cổ phiếu bất động sản kể trên đều tăng giá.
Chứng khoán VIX lấy ý kiến cổ đông chào bán 274,6 triệu cổ phiếu, giá 15.000 đồng/cp: Theo tài liệu lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản, HĐQT Chứng khoán VIX (HoSE: VIX) sẽ trình cổ đông xem xét và thông qua phương án chào bán thêm 274,6 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ 1:1. Với giá chào bán 15.000 đồng/cp, công ty dự thu số tiền 4.119 tỷ đồng để bổ sung nguồn vốn cho hoạt động đầu tư tự doanh và cho vay giao dịch ký quỹ chứng khoán. Vốn điều lệ sau phát hành dự kiến gấp đôi lên 5.492 tỷ đồng. Thời hạn cuối công ty nhận ý kiến cổ đông là 17h ngày 22/12. Cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu không bị hạn chế chuyển nhượng. Cổ phiếu “ế” phân phối lại cho nhà đầu tư khác bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm. Cổ phiếu VIX hiện giao dịch vùng giá 32.000-33.000 đồng/cp, gấp 2,7 lần trong vòng 5 tháng qua.
Nhóm quỹ Dragon Capital không còn là cổ đông lớn tại FPT: Cập nhật mới đây, Amersham Industries Limited và Balestrand Limites - hai quỹ thành viên do Dragon Capital quản lý vừa báo cáo về giao dịch bán ra lần lượt 500 nghìn và 1 triệu cổ phiếu FPT tại CTCP FPT, qua đó giảm tỷ lệ sở hữu của hai quỹ này tại FPT xuống còn hơn 2 triệu cổ phiếu, tương đương 0,23% vốn điều lệ và 1 triệu cổ phiếu, tương đương 0,11% vốn điều lệ. Giao dịch được thực hiện trong phiên ngày 15/12. Tính theo giá đóng cửa cùng ngày của cổ phiếu FPT là 95.900 đồng/cổ phiếu, số tiền hai quỹ thành viên Dragon Capital thu về vào khoảng gần 144 tỷ đồng. Sau giao dịch trên, các nhóm quỹ liên quan Dragon Capital đang nắm giữ tổng cộng gần 45,3 triệu cổ phiếu FPT, tương đương tỷ lệ sở hữu giảm từ 5,16% vốn xuống còn 4,99% vốn điều lệ, chính thức rời ghế cổ đông lớn tại FPT.
Nguyễn Thanh
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam