Trong khuôn khổ hội nghị diễn ra 2 hội thảo chuyên đề: Phiên 1 có chủ đề “Thanh toán điện tử, thanh toán không tiếp xúc trong kỷ nguyên số”; Phiên 2 có chủ đề “Quản lý rủi ro trong hoạt động thanh toán”.
Phát biểu khai mạc hội nghị, bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Chủ tịch Chi Hội thẻ cho biết, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, thanh toán không tiền mặt (TTKDTM) đã trở thành xu thế tất yếu với những tiện ích rõ rệt mang lại cho người tiêu dùng. Tại Việt Nam, bên cạnh khái niệm thanh toán không tiền mặt, thanh toán không tiếp xúc cũng dần trở nên quen thuộc với người dân Việt Nam. “Do đó, chúng tôi đã lựa chọn chủ đề “Thanh toán không tiếp xúc trong kỷ nguyên số” là chủ đề của Hội nghị thường niên Chi Hội thẻ năm nay”, bà Nguyễn Thị Kim Oanh chia sẻ.
Nhìn lại 2 năm vừa qua, diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 đã làm thay đổi thói quen của người tiêu dùng, thẻ/chuyển khoản/thanh toán QR/mobile payment được sử dụng nhiều hơn thay vì tiền mặt, các giải pháp thanh toán mới không ngừng phát triển nhanh chóng và đa dạng.
“Ở khía cạnh tích cực, dịch COVID-19 đã tạo cơ hội cho thị trường thẻ phát triển: số lượng thẻ lưu hành tăng gấp 1,5 lần, mạng lưới đơn vị chấp nhận thẻ tăng gấp 1,8 lần so với năm 2018; doanh số sử dụng và doanh số thanh toán thẻ duy trì tăng qua các năm”, bà Nguyễn Thị Kim Oanh chia sẻ và cho biết thêm: “Bên cạnh yếu tố dịch bệnh COVID-19, đề án phát triển TTKDTM đang dần hoàn thành mục tiêu nhờ những chính sách hỗ trợ từ phía NHNN và các bộ ngành liên quan, hoạt động tích cực của các ngân hàng thành viên, fintech, tổ chức thẻ quốc tế, trung gian thanh toán… trong việc đẩy mạnh phát triển các giải pháp, hệ thống thanh toán tại Việt Nam”.
Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng tham dự hội nghị |
TTKDTM trở thành thói quen của người tiêu dùng
Báo cáo tổng kết thị trường thẻ Việt Nam năm 2021 được công bố tại hội thảo “Thanh toán điện tử, thanh toán không tiếp xúc trong kỷ nguyên số” cho thấy, đại dịch COVID-19 đã trở thành đòn bẩy quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động TTKDTM.
Bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Chủ tịch Chi Hội thẻ phát biểu |
Theo Chi Hội thẻ, tính đến ngày 30/6/2022, tổng số lượng thẻ đang lưu hành đạt 128,5 triệu thẻ các loại, tăng 7% so với năm 2021 và tăng 49% so với cuối năm 2018, trong đó: cơ cấu loại thẻ có sự dịch chuyển từ thẻ nội địa sang thẻ quốc tế, tỷ trọng thẻ nội địa giảm từ 87% năm 2018 xuống còn 72% trong 6 tháng năm 2022; tỷ trọng thẻ quốc tế tăng từ 13% lên 22% trong cùng giai đoạn.
Tổng số lượng thẻ nội địa lưu hành đạt 99,8 triệu thẻ, trong đó, thẻ ghi nợ nội địa chiếm 96%.
Tính đến ngày 30/6/2022, tổng số thẻ quốc tế lưu hành đạt 28,7 triệu thẻ, cao gấp 2,7 lần số lượng thẻ năm 2018. Trong đó, thẻ ghi nợ quốc tế chiếm 64% và thẻ thẻ tín dụng quốc tế chiếm 30% và thẻ trả trước quốc tế chiếm 6%.
Về doanh số sử dụng thẻ, năm 2021 tổng doanh số sử dụng thẻ toàn thị trường đạt 3.099 nghìn tỷ đồng, tăng 3% do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tuy nhiên, đến ngày 30/6/2022, doanh số sử dụng thẻ đã lấy lại đà tăng trưởng ở mức 11% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 1.838 nghìn tỷ đồng.
Tỷ trọng doanh số rút tiền mặt giảm mạnh từ 85% năm 2018 xuống còn 73% trong 6 tháng đầu năm 2022.
Về hoạt động thanh toán thẻ. Năm 2021 tổng doanh số thanh toán toàn thị trường đạt 3.541 nghìn tỷ đồng, tăng 2%. Trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng doanh số thanh toán thẻ toàn thị trường đã có sự phục hồi nhẹ, đạt 1.902 nghìn tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2021. Tỷ trọng doanh số thanh toán chi tiêu thẻ tăng từ 19% năm 2018 lên 33% tại thời điểm ngày 30/6/2022, trong khi tỷ trọng doanh số rút tiền mặt giảm từ 81% xuống 67%.
Doanh số thanh toán thẻ 6 tháng 2022 tăng trưởng mạnh ở mức 35% (cao nhất trong giai đoạn từ 2018 đến nay), trong khi doanh số rút tiền mặt giảm 7% so với cùng kỳ.
Đặc biệt, doanh số thanh toán theo các hình thức thanh toán mới như QR, Ecom tăng trưởng ấn tượng. Trong 6 tháng đầu năm 2022, doanh số thanh toán QR đạt 4.888 tỷ đồng, tương đương 98% doanh số thanh toán QR của cả năm 2021, cao gấp 70 lần doanh số thanh toán năm 2018. Doanh số thanh toán Ecom 6 tháng đầu năm 2022 đạt 130.571 tỷ đồng, cao gấp 2,7 lần doanh số thanh toán Ecom của cả năm 2018.
Số liệu khảo sát của Bộ Công thương về thương mại điện tử năm 2020 – 2021 cho thấy, xu hướng người dùng chuyển sang các hình thức thanh toán thẻ/ví điện tử tăng lên rõ rệt. Tỷ lệ người sử dụng thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ để thanh toán tăng từ 20% lên 24%, tỷ lệ người sử dụng ví điện tử để thanh toán cũng tăng lên nhanh chóng từ 23% lên 37%. Trong khi đó, tỷ lệ người sử dụng lựa chọn hình thức trả tiền mặt khi nhận hàng giảm từ 78% năm 2020 xuống còn 73% năm 2021.
Báo cáo của Chi Hội thẻ cũng cho biết, trong giai đoạn 2018 đến nay, số lượng ATM của các ngân hàng thành viên chỉ tăng 6%, từ 18.434 máy năm 2018 tăng lên 19.492 máy tại thời điểm 30/6/2022.
Tổng số lượng POS lưu hành tại thời điểm 30/6/2022 đạt 234.151 POS, tăng 18% so với năm 2021.
Số lượng mPOS tăng gấp 6,7 lần trong giai đoạn từ 2018 đến nay, từ 27.565 máy năm 2018 lên 181.979 máy tại thời điểm ngày 30/6/2022. Số lượng đơn vị chấp nhận thanh toán QR cũng tăng gấp 2,5 lần, từ 57.969 đơn vị lên 144.288 đơn vị.
Về hoạt động chuyển đổi thẻ chip toàn thị trường. Tính đến hết qúy II/2022, kết quả chuyển đổi chip nội địa toàn thị trường như sau: tỷ lệ chuyển đổi thẻ chip nội địa đạt 39%, tỷ lệ chuyển đổi ATM VCCS đạt 89%, tỷ lệ chuyển đổi POS VCCS đạt 83%.
Ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ Thanh toán, NHNN phát biểu |
Đánh giá COVID-19 là chất xúc tác giúp chuyển đổi số ngân hàng nhanh mạnh hơn, tại hội nghị, ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ Thanh toán, NHNN cho biết, nhiều hành vi người dùng tích cực vẫn tiếp tục duy trì hậu COVID-19. Số liệu thống kê cho thấy, đến cuối tháng 7/2022, số lượng thẻ lưu hành đạt 139,1 triệu thẻ (tăng 15,3% so với cuối năm 2021); số lượng người trưởng thành có tài khoản (bao gồm tài khoản thanh toán và thẻ ngân hàng) tại tổ chức tín dụng tính đến năm 2020 đạt khoảng 69%.
Các ngân hàng cũng đã tích cực ứng dụng các công nghệ mới, hiện đại như: QR, NFC, eKYC, AI, Big Data, API… Đến nay đã có khoảng 5,5 triệu tài khoản mở bằng eKYC đang hoạt động (24 ngân hàng triển khai), khoảng 8,9 triệu thẻ mở bằng eKYC đang lưu hành (10 ngân hàng đang triển khai). Tính đến cuối tháng 6/2022, hơn 1,8 triệu khách hàng sử dụng dịch vụ mobile money (hơn 60% là khách hàng ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo).
Với sự vào cuộc tích cực của các tổ chức tín dụng, ông Lê Anh Dũng cho biết, TTKDTM giai đoạn 2015 – 2021 đã tăng trưởng mạnh, với mức tăng trưởng bình quân đạt 50% về số lượng, 23% về giá trị; giao dịch qua Internet có mức tăng trưởng bình quân hàng năm là 44% về số lượng, tăng 41% về giá trị; Mobile Banking có mức tăng trưởng bình quân là 87% về số lượng, tăng 87% về giá trị.
Chia sẻ tại hội nghị, đại diện Bộ Y tế cho biết, trong ngành y tế, một số bệnh viện đã tiên phong trong việc ứng dụng các giải pháp thanh toán viện phí không dùng tiền mặt và ghi nhận những kết quả hết sức tích cực. Báo cáo tổng hợp từ các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế và các Sở Y tế (27 bệnh viện trực thuộc Bộ và thuộc các trường Đại học Y, Dược và 34 Sở Y tế) cho thấy, tính đến tháng 8/2022 có 85% (23/27) bệnh viện trực thuộc Bộ và thuộc các trường Đại học Y, Dược đã triển khai TTKDTM và có khoảng 56% (19/34) địa phương (Sở Y tế) đã triển khai TTKDTM có tỷ lệ từ 50% trở lên, trong đó có 7/34 Sở Y tế đạt tỷ lệ 100% các cơ sở khám chữa bệnh đã triển khai TTKDTM.
Thanh toán không tiếp xúc góp phần đẩy nhanh TTKDTM
Để đẩy nhanh TTKDTM, ông Kelvin Utomo, Trưởng Bộ phận Phát triển Giải pháp Visa Việt Nam và Lào cho biết, triển khai thanh toán không tiếp xúc sẽ giúp Việt Nam tiến nhanh hơn đến mục tiêu xã hội không tiền mặt.
Ông Kelvin Utomo, Trưởng Bộ phận Phát triển Giải pháp Visa Việt Nam và Lào phát biểu |
Theo ông Kelvin Utomo, ứng dụng contactless (thanh toán không tiếp xúc) đem lại lợi ích cho cả chủ thẻ, ngân hàng và cơ quan quản lý. Đối với ngân hàng phát hành thẻ, thanh toán không tiếp xúc sẽ giúp tăng giá trị giao dịch thanh toán và doanh số thanh toán so với hiện nay. Với người tiêu dùng, khi sử dụng thanh toán không tiếp xúc sẽ gia tăng trải nghiệm, an toàn, nhanh hơn và bảo mật hơn. Còn với Chính phủ, thanh toán không tiếp xúc là nền tảng giúp Chính phủ đang hướng tới là xã hội không tiền mặt,
Đại diện của Visa cũng chia sẻ số liệu nghiên cứu tại thị trường Philippines, Malaysia và Việt Nam cho thấy, sau khi chuyển qua thanh toán không tiếp xúc, tổng giao dịch thanh toán tại Philippines tăng 27%, còn Malaysia tăng 38%.... Còn tại Việt Nam, khảo sát thực hiện với các khách hàng sử dụng thẻ tín dụng cho thấy, khi sử dụng thanh toán không tiếp xúc, số lượng giao dịch tăng thêm khoảng 3 lần, ví như: trước đây khoảng 5 giao dịch/tháng thì nay đã tăng lên khoảng 8 giao dịch/tháng… Với những lợi ích thanh toán không tiếp xúc mang lại, ông Kelvin Utomo cho rằng, phát triển thanh toán không tiếp xúc sẽ mang lại cơ hội lớn cho thị trường Việt Nam.
Tại phiên thảo luận, Bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa Việt Nam và Lào cho biết, khoảng 90% điểm chấp nhận bán tại Việt Nam đã chấp nhận thanh toán Contactless. Bên cạnh đó, với tỷ lệ người tiêu dùng sử dụng Smartphone rất lớn sẽ là điều kiện tốt để các ngân hàng, doanh nghiệp phát triển thẻ contactless. Contacles đem lại cơ hội lớn cho người tiêu dùng và các ngân hàng. Thực tế cho thấy, cả ngân hàng và người tiêu dùng Việt Nam đã sẵn sàng sử dụng phương thức thanh toán contactles.
Với phương thức thanh toán qua QR, bà Đặng Tuyết Dung đánh giá hoàn toàn phù hợp với Việt Nam. Do vậy, việc đẩy mạnh thanh toán qua QR, thanh toán không tiếp xúc là cần thiết góp phần đẩy nhanh TTKDTM tại Việt Nam.
Các diễn giả tham gia phiên thảo luận |
Thúc đẩy TTKDTM trong kỷ nguyên số
TTKDTM là xu hướng tất yếu trong quá trình phát triển kinh tế thương mại toàn cầu. Việt Nam đã và đang bắt nhịp theo xu hướng này và đạt những thành tựu bước đầu đáng ghi nhận. Đến nay, TTKDTM đã và đang trở thành một phương thức thanh toán chính yếu trong xã hội, đem lại nhiều lợi ích để thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững, sẽ tạo sự minh bạch trong các khoản chi tiêu và giao dịch, giúp dòng chảy tiền tệ được lưu thông rõ ràng và trơn tru.
Chia sẻ định hướng điều hành thời gian tới, ông Lê Anh Dũng cho biết, NHNN sẽ tập trung vào 5 điểm:
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, khuôn khổ pháp lý. Trước mắt sẽ tập trung: Nghị định sửa đổi về TTKDTM, Cơ chế thử nghiệm Fintech; xây dựng các văn bản pháp lý hương dẫn về quy trình nghiệp vụ tạo thuận lợi ứng dụng công nghệ số (Ví điện tử, thẻ ngân hàng, tài khoản thanh toán, thiết bị thanh toán thẻ…); phối hợp trong xây dựng Luật Giao dịch điện tử, Nghị định định danh và xác thực điện tử, Nghị định Bảo vệ dữ liệu cá nhân; tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra hoạt động thanh toán, nhất là giao dịch thanh toán qua tài khoản, thẻ ngân hàng;
Thứ hai, ưu tiên chuyển đổi thẻ chip đa chức năng, phát triển hình thức thanh toán phi tiếp xúc, lấy thanh toán số làm nòng cốt, tạo sự thuận tiện, an toàn cho người dân; từ đó thúc đẩy người dân sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng;
Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện hạ tầng công nghệ phục vụ thanh toán điện tử (gồm thẻ ngân hàng), tăng cường kết nối, hợp tác, chia sẻ với các ngành, lĩnh vực khác (Kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước công dân, cơ sở dữ liệu các ngành khác);
Thứ tư, tiếp tục chú trọng công tác đảm bảo an ninh, an toàn, kiểm tra, giám sát, phòng chống rửa tiền trong các giao dịch thanh toán, nhất là thanh toán điện tử bao gồm thẻ ngân hàng;
Thứ năm, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục tài chính cho người dân.
Toàn cảnh hội nghị |
Về phía Chi Hội thẻ, Báo cáo của Chi hội cho biết, nhằm hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế số và xã hội số, để tiếp tục phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn tiếp theo, Báo cáo của Chi Hội thẻ cho biết sẽ tiếp tục triển khai kế hoạch phát triển như: tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách theo hướng hỗ trợ hoạt động thẻ ngân hàng nói chung và hoạt động kinh doanh thẻ của các ngân hàng thành viên nói riêng; xây dựng thị trường kinh doanh lành mạnh, đảm bảo hiệu quả hoạt động kinh doanh và cân bằng lợi ích giữa tổ chức phát hành thẻ và tổ chức thanh toán thẻ; phát triển mạng lưới chấp nhận thanh toán để hỗ trợ việc triển khai các giải pháp thanh toán mới;
Các tổ chức hội viên của Chi Hội thẻ cũng xác định tiếp tục thúc đẩy thanh toán theo hướng sử dụng thẻ không tiếp xúc, các hình thức thanh toán điện tử đối với các loại hình dịch vụ công, thanh toán tại các cơ sở giáo dục, bệnh viện, y tế hoặc triển khai phương án thẻ thanh toán giao thông (vé xe buýt, metro…); tiếp tục phát triển các phương thức thanh toán hiện đại, có tính công nghệ cao như Mobile Payment, Contactless, tap to phone, NFC, các giải pháp số hóa nhằm đẩy mạnh hình thức thanh toán trực tuyến, nâng cao trải nghệm người dùng; triển khai các sản phẩm thẻ phi vật lý để tiết kiệm chi phí hoạt động, vận hành, khuyến khích khách hàng sử dụng các sản phẩm dịch vụ thẻ trên kênh số;
Tăng cường đảm bảo an toàn trong hoạt động thanh toán thẻ thông qua các phương thức xác thực và bảo mật tiên tiến dựa trên ứng dụng công nghệ sinh trắc học, AI, machine learning; gia tăng hợp tác, kết nối giữa các ngân hàng với các công ty fintech, startup để tạo hệ sinh thái các sản phẩm dịch vụ đa dạng, tạo sự thuận lợi và tiện ích cho người dùng; đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông về lợi ích TTKDTM cho người dân…
Kết thúc hội thảo, các đại diện các bộ, ngành, các TCTD đều cho rằng, sự phát triển của thanh toán điện tử/ thanh toán không tiếp xúc không chỉ là câu chuyện của các ngân hàng, công ty fintech mà còn cần sự chỉ đạo, định hướng của các cơ quan quản lý nhà nước, cũng như sự phối hợp đồng bộ của các bộ ngành, công ty thanh toán điện tử và các doanh nghiệp liên quan. Đây sẽ là cơ hội để hiện thực hóa mục tiêu phát triển TTKDTM, đồng thời là tiền đề để Việt Nam có những bước tiến mạnh mẽ trong kỷ nguyên số.
Ngô Hải