Thương hiệu điện thoại quốc dân một thời đang dần bị lãng quên: Liệu còn có thể "hồi sinh"?
Một thời từng thống lĩnh thị trường điện thoại tại Việt Nam, thương hiệu Sony giờ đây gần như vắng bóng và dường như hãng đang lặng lẽ rút lui khỏi cuộc đua công nghệ toàn cầu.
Những năm 2000–2010, điện thoại Sony Ericsson, sau này là Sony Xperia từng là lựa chọn hàng đầu của người Việt. Với thiết kế độc đáo, giao diện thân thiện và đặc biệt là khả năng chụp ảnh “ăn đứt” đối thủ cùng thời, Sony từng được gọi là “thương hiệu quốc dân”.

Không khó để bắt gặp hình ảnh người dùng trẻ Việt Nam cầm chiếc Xperia Z, Z1 hay M2 – những biểu tượng cho phong cách cá tính và sự khác biệt. Nhưng ở thời điểm 2025, khi các bảng xếp hạng bán chạy tràn ngập iPhone, Samsung và điện thoại Trung Quốc, điện thoại Sony gần như mất hút.
Vấn đề của Sony không nằm ở chất lượng sản phẩm. Ngược lại, hãng vẫn cho ra mắt những thiết bị có phần cứng mạnh mẽ, giữ lại nhiều tính năng mà người dùng trung thành yêu thích như jack tai nghe 3.5mm, khe thẻ nhớ microSD và camera có thể điều chỉnh thủ công như máy ảnh chuyên nghiệp.
Các mẫu điện thoại mới như Xperia 1 VI vẫn sở hữu thiết kế vuông vức, cao cấp, màn hình đẹp và camera thuộc hàng đỉnh của thế giới Android. Thế nhưng, điểm yếu cố hữu của Sony là sự “bảo thủ” và định vị sản phẩm quá kén khách hàng.
Trong khi iPhone và các hãng Android khác như Samsung, Xiaomi không ngừng đơn giản hóa trải nghiệm, thì Sony lại đòi hỏi người dùng phải hiểu sâu về nhiếp ảnh, công nghệ để tận dụng hết tính năng.

Nhiều chuyên gia cho rằng, Sony đang “một mình một đường” quá lâu. Khi cả thế giới theo đuổi camera AI, thiết kế màn hình đục lỗ hoặc Dynamic Island, sạc nhanh, thì Sony vẫn trung thành với các yếu tố xưa cũ như tỷ lệ màn hình 21:9, viền màn hình dày và trải nghiệm thuần túy.
Thị phần smartphone toàn cầu của Sony chỉ còn khoảng 3,5% trong nửa đầu năm 2024, theo báo cáo từ Counterpoint. Đáng chú ý hơn, tại quê nhà Nhật Bản – thị trường chủ lực – doanh số điện thoại Sony đã giảm tới 40% chỉ trong năm 2023, và được dự báo tiếp tục giảm sâu trong năm 2024.
Việc Xperia 1 VI không phát hành tại Mỹ, một trong những thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới, là minh chứng cho chiến lược rút lui dần của Sony. Không ai bỏ thị trường Mỹ nếu còn có hy vọng phát triển tại đó – trừ khi họ biết rằng, nhu cầu gần như đã bằng 0.
Điều đáng tiếc là Sony không thiếu năng lực công nghệ. Các cảm biến ảnh Sony vẫn đang “làm mưa làm gió” trong các mẫu flagship của Apple, Samsung và nhiều hãng Android khác. Vấn đề là Sony không chịu “học lại bài” từ thị trường, không tìm cách hợp lý hóa giao diện, tối ưu trải nghiệm hay điều chỉnh giá thành.
Dù vậy, những tín hiệu tích cực đã bắt đầu xuất hiện. Xperia 1 VI đã bỏ tỷ lệ màn hình 21:9 và độ phân giải 4K, chuyển sang màn hình FHD để tối ưu pin – một thay đổi được đánh giá là thực tế và cần thiết.
Tuy nhiên, nếu Xperia 1 VII tiếp tục đi theo lối mòn, thiếu thay đổi và định giá cao, rất có thể điện thoại Sony sẽ theo bước chân của LG – rời khỏi sân chơi smartphone trong vài năm tới.
Tại Việt Nam, nơi từng là một trong những thị trường trung thành nhất của Sony, giờ đây cũng rất hiếm gặp người dùng Xperia. Dù vẫn có những hội nhóm “Sony fan” sôi nổi, nhưng giá bán cao, thiếu đại lý phân phối chính hãng, dịch vụ hậu mãi không phổ biến là những rào cản khiến người dùng quay lưng.
Trong khi đó, với cùng mức giá 20–30 triệu đồng, người tiêu dùng hoàn toàn có thể chọn iPhone 14 Pro Max, Galaxy S24 Ultra, hoặc flagship đến từ Xiaomi, OPPO có sạc nhanh, camera AI và hỗ trợ phần mềm lâu dài.
Sony vẫn làm ra những chiếc điện thoại tốt. Nhưng thị trường 2025 không cần một thiết bị “tốt trong âm thầm”. Người dùng cần trải nghiệm hiện đại, thông minh và dễ sử dụng.
Nếu Sony vẫn duy trì chiến lược "không chạy theo ai cả", rất có thể hãng sẽ tiếp tục tụt lại phía sau. Điều đáng tiếc không nằm ở sản phẩm, mà ở chính sự bảo thủ và lạc nhịp trong định hướng phát triển.