Trước thềm tăng vốn, lợi nhuận của Thuỷ sản Nam Việt (ANV) “chìm xuống đáy” 7 năm

25/01/2024 - 18:35
(Bankviet.com) Quý IV/2023, Thuỷ sản Nam Việt lại thua lỗ, khiến cho khoản lợi nhuận cả năm thêm “teo tóp”, “chìm” xuống mức thấp nhất 7 năm. Đây là thông tin không mấy tích cực trước thềm tăng vốn điều lệ của “vua cá tra”.

Báo cáo tài chính quý IV/2023 của Công ty CP Nam Việt (Thuỷ sản Nam Việt; HOSE: NAV) ghi nhận doanh thu thuần đạt xấp xỉ 1.111 tỷ đồng, giảm nhẹ 3% so với cùng kỳ. Trong khi đó, giá vốn hàng bán tăng tới 10%, lên mức 996 tỷ đồng, khiến lợi nhuận gộp bị kéo giảm hơn một nửa, xuống còn 114 tỷ đồng.

Doanh thu từ hoạt động tài chính cũng lao dốc mạnh, giảm hơn 5 lần so với cùng kỳ, chỉ đạt 7 tỷ đồng. Mặc dù chi phí tài chính đã được tiết giảm tới 33% nhưng vẫn cao gấp 6,6 lần doanh thu từ hoạt động này, ghi nhận ở mức 45 tỷ đồng. Chưa kể, Thuỷ sản Nam Việt còn ghi nhận thêm khoản lỗ hơn 2 tỷ đồng trong các công ty liên doanh, liên kết.

Điều này khiến cho khoản chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp tiết giảm được trở nên “không thấm vào đâu”. Kết quả, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh “bốc hơi” gần hết, đạt chưa đầy 2 tỷ đồng.

Trước thềm tăng vốn, lợi nhuận của Thuỷ sản Nam Việt (ANV) “chìm xuống đáy” 7 năm
Thuỷ sản Nam Việt thua lỗ trong quý IV

Nhờ có thêm 2,5 tỷ đồng lợi nhuận khác, tổng lợi nhuận kế toán trước thuế của Thuỷ sản Nam Việt được nâng lên mức 4 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí thuế hiện hành đã làm “xoá sạch” khoản lợi nhuận ít ỏi này. Kết quả, Thuỷ sản Nam Việt lỗ 518 triệu đồng, trong khi cùng kỳ lãi 106,5 tỷ đồng.

Luỹ kế năm 2023, doanh thu thuần của Thuỷ sản Nam Việt đạt 4.439 tỷ đồng, giảm 9% so với năm 2022. Lợi nhuận trước thuế đạt 68 tỷ đồng, giảm 91% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế tương ứng đạt 42 tỷ đồng, giảm 94% so với cùng kỳ. Đây cũng là khoản lãi thấp nhất của doanh nghiệp kể từ năm 2017 đến nay.

Trước thềm tăng vốn, lợi nhuận của Thuỷ sản Nam Việt (ANV) “chìm xuống đáy” 7 năm
Lợi nhuận của Thuỷ sản Nam Việt “chìm” xuống “đáy” 7 năm

Như vậy, so với mục tiêu doanh thu đạt 5.200 tỷ đồng, kết thúc năm 2023, Thuỷ sản Nam Việt mới thực hiện được 85% chỉ tiêu doanh thu. Còn so với chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 300 tỷ đồng, doanh nghiệp này thậm chí còn chưa hoàn thành được 1/4 kế hoạch đã đề ra.

Đây là một thông tin không mấy tích cực trước thềm tăng vốn điều lệ của Thuỷ sản Nam Việt. Cần biết, tháng trước, “vua cá tra” đã chính thức thông qua việc triển khai phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu cổ đông hiện hữu. Theo đó, doanh nghiệp này dự kiến phát hành hơn 133 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, qua đó nâng vốn điều lệ lên mức 2.666 tỷ đồng, “soán ngôi” Vĩnh Hoàn trở thành doanh nghiệp cá tra có vốn điều lệ lớn nhất thị trường chứng khoán. Thời gian dự kiến phát hành trong vòng 45 ngày kể từ khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông báo về việc nhận đầy đủ tài liệu phát hành của doanh nghiệp.

Về tình hình tài chính, tại thời điểm ngày 31/12/2023, tổng tài sản của Thuỷ sản Nam Việt ghi nhận ở mức 5.110,5 tỷ đồng, giảm nhẹ 6,5% so với đầu năm. Trong đó, hàng tồn kho chiếm 46% cơ cấu tài sản của doanh nghiệp với giá trị cuối kỳ đạt 2.361 tỷ đồng, tăng không đáng kể so với đầu năm. Số tiền này tập trung chủ yếu ở chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang, nguyên vật liệu và thành phẩm. Bên cạnh đó, Nam Việt cũng trích lập dự phòng gần 17 tỷ đồng giảm giá hàng tồn kho.

Đáng chú ý, một phần hàng tồn kho có trị giá gần 362,6 tỷ đồng đang được doanh nghiệp này thế chấp làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, HOSE: VCB), Ngân hàng TMCP Đầu tư Phát triển Việt Nam (BIDV, HOSE: BID) và Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank, HOSE: MBB).

Trước thềm tăng vốn, lợi nhuận của Thuỷ sản Nam Việt (ANV) “chìm xuống đáy” 7 năm
Thông tin hàng tồn kho của Thuỷ sản Nam Việt

Về tiền mặt, tính đến cuối năm, lượng tiền và tương đương tiền của doanh nghiệp đạt gần 40 tỷ đồng, giảm 29% so với đầu năm. Năm vừa qua, khoản mục đầu tư tài chính ngắn hạn giảm gần 5 lần, xuống mức 72 tỷ đồng, toàn bộ là tiền gửi có kỳ hạn từ trên 3 tháng đến dưới 12 tháng tại các ngân hàng. Trong đó, một khoản tiền gửi có kỳ ngân hàng có kỳ hạn trị giá gần 62 tỷ đồng đã được Thuỷ sản Nam Việt thế chấp để đảm bảo cho các khoản vay của Tập đoàn tại Ngân hàng TNHH MTV Public Việt Nam, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội, Ngân hàng TNHH MTV Woori Việt Nam, Ngân hàng United Overseas Bank, Ngân hàng Malayan Banking Berhad, Ngân hàng TNHH MTV HSBC Việt Nam, Ngân hàng TNHH MTV Hong Leong Việt Nam và thực hiện hợp đồng với Điện Lực Châu Phú.

Kết thúc năm 2023, Thuỷ sản Nam Việt ghi nhận tổng nợ phải trả ở mức 2.260 tỷ đồng, giảm 12,5% so với đầu năm. Trong đó, tổng nợ vay nợ vay tài chính chiếm tới 85%, ghi nhận ở mức 1.929 tỷ đồng, bao gồm 1.783 tỷ đồng tiền nợ vay ngắn hạn và 1.45 tỷ đồng tiền nợ vay dài hạn.

Cuối kỳ, vốn chủ sở hữu của “vua cá tra” ghi nhận ở mức 2.850,5 tỷ đồng, trong đó vốn góp là 1.335 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 1.521 tỷ đồng.

Trên thị trường chứng khoán, tính đến cuối phiên giao dịch sáng ngày 25/1/2024, cổ phiếu ANV đang giảm 1,01%, xuống mức 29.350 đồng/cp, khối lượng giao dịch đạt 1,78 triệu đơn vị.

Chi phí đầu vào cao, Thuỷ sản Nam Việt (ANV) báo lãi “còi”

Quý III/2023, lợi nhuận của “vua cá tra” Nam Việt “bốc hơi” gần hết, chỉ còn vỏn vẹn 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu so ...

Vi phạm về thuế, Thuỷ sản Nam Việt (ANV) nhận “tráp” phạt gần 400 triệu đồng

Mới đây, Cục trưởng Cục thuế An Giang vừa ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực thuế đối với Công ...

Thuỷ sản Nam Việt (ANV) muốn tăng gấp đôi vốn điều lệ, chuẩn bị “soán ngôi” Vĩnh Hoàn trên thị trường chứng khoán

Sau khi hoàn tất thương vụ tăng vốn lên mức 2.667 tỷ đồng, Nam Việt sẽ “soán ngôi” doanh nghiệp cá tra có vốn điều ...

Thái Hà

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán