Tây Ninh khởi công dự án khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao 200 tỷ đồng Nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số cho cán bộ ngành Công Thương |
Đứng trong top đầu về tăng trưởng xuất khẩu
Tại Hội thảo “Ứng dụng công nghệ - Đổi mới sáng tạo để tăng cường năng lực xuất khẩu cho ngành nông sản Việt Nam” diễn ra sáng 27/9, bà Trần Thị Lan Anh - Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay, ngành nông sản hiện có hơn 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD như rau quả, gạo, cà phê, hạt điều, hồ tiêu, đồ gỗ… Đây cũng đồng thời là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đã có mặt tại 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, bao gồm cả các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản… Trong đó EU là thị trường tiềm năng của nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đặc biệt từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được ký kết.
Bà Trần Thị Lan Anh - Tổng Thư ký VCCI |
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Hội - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương, Bộ Công Thương thông tin: Nông sản là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước.
Trong bối cảnh chung 8 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giảm nhưng kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 16,9 tỷ USD, tăng 11,5 %. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 3,55 tỉ USD, tăng 61,8% so với cùng kỳ năm 2022. Con số này đã cao hơn tổng kim ngạch của cả năm 2022 là 3,36 tỉ USD. 8 tháng năm nay, ngành hàng rau quả xuất siêu trên 2,1 tỉ USD. Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng gia vị đạt trên 1 tỷ USD, tăng hơn 7% so với cùng kỳ năm 2022.
“Việt Nam hiện đứng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu; đứng số 1 thế giới về xuất khẩu quế, đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu hoa hồi. Ngoài ra, các mặt hàng gia vị khác cũng chiếm vị trí khá quan trọng như: Ớt, đinh hương, gừng, bạch đậu khấu... Các thị trường nhập khẩu gia vị Việt Nam cũng ngày càng đa dạng như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, Ấn Độ và Trung Đông”, ông Nguyễn Văn Hội nhấn mạnh.
Dù đạt nhiều kết quả khả quan, tuy nhiên tại Hội thảo, các đại biểu đồng quan điểm cho rằng, sản xuất và kinh doanh nông sản của Việt Nam cũng còn tồn tại nhiều hạn chế như: Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, thiếu liên kết sản xuất theo chuỗi liên kết, trình độ áp dụng khoa học công nghệ của các doanh nghiệp nông nghiệp còn thấp.
Nông sản của Việt Nam chủ yếu xuất thô do thiếu công nghệ chế biến, bảo quản dẫn đến hiệu quả kinh doanh, khả năng cạnh tranh chưa cao, chưa đảm bảo đáp ứng các quy trình, quy định, tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu từ khâu sản xuất, thu hoạch, sơ chế, đóng gói, vận chuyển, truy xuất nguồn gốc để đẩy mạnh xuất khẩu.
Ông Nguyễn Văn Hội còn chỉ ra, mức độ sẵn sàng cho hội nhập của các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam còn khiêm tốn; việc khai thác cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế, thực thi cam kết trong các hiệp định thương mại tự do cho phát triển thị trường xuất khẩu nông sản thời gian qua chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Ông Nguyễn Văn Hội - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương, Bộ Công Thương |
Cùng đó, việc xây dựng và triển khai thực hiện các chiến lược, chính sách, quy hoạch phát triển các ngành chưa phù hợp, chưa tiếp cận sát với nhu cầu của các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản. Thiếu chính sách khuyến khích, tăng cường hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản và doanh nghiệp FDI để nâng cao sức mạnh tổng hợp về vốn, công nghệ, trình độ quản lý khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu; chưa tập trung khuyến khích ứng dụng công nghệ - đổi mới sáng tạo để tăng cường năng lực xuất khẩu cho ngành nông sản Việt Nam.
Nâng cao năng lực xuất khẩu thông qua áp dụng công nghệ
Với những bất cập được nêu, để tăng cường năng lực xuất khẩu cho nông sản Việt Nam, các chuyên gia cho rằng, cần có các giải pháp đồng bộ hỗ trợ toàn ngành phát triển theo chuỗi, chế biến để đảm bảo được các tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm; thực hiện truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm xuất khẩu và đáp ứng được các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của thị trường quốc tế.
Đặc biệt, công nghệ được xác định là giải pháp quan trọng giúp tăng giá trị cũng như nâng cao thị phần của nông sản của Việt Nam trên thị trường xuất khẩu.
Thực tế thời gian qua việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp đã ngày càng được quan tâm, nhân rộng trong cả nước. “Khoa học công nghệ đã đóng góp trên 35% vào thành công trong sản xuất nông nghiệp của Việt Nam; năm 2022 1ha đất trồng trọt đạt giá trị 104,2 triệu đồng/ha”, ông Phạm Đức Nghiệm, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ, Bộ Khoa học Công nghệ cho biết.
Hội thảo “Ứng dụng công nghệ - Đổi mới sáng tạo để tăng cường năng lực xuất khẩu cho ngành nông sản Việt Nam” |
Để tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò của công nghệ trong việc nâng cao giá trị nông sản xuất khẩu, ông Phạm Đức Nghiệm khuyến nghị: Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của ngành nông nghiệp; tăng cường hợp tác khoa học và công nghệ nông nghiệp với các quốc gia có nền nông nghiệp tiên tiến trong khu vực và quốc tế; đẩy mạnh đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong nông nghiệp; phát triển thị trường khoa học và công nghệ trong ngành nông nghiệp, hình thành sàn giao dịch công nghệ ngành nông nghiệp; xây dựng và đưa vào hoạt động có hiệu quả các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thúc đẩy phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Các viện nghiên cứu và trường đại học tăng cường hợp tác tiếp nhận đặt hàng nghiên cứu và phát triển các công nghệ cao, công nghệ xanh phục vụ sản xuất nông nghiệp giúp nâng cao chất lượng và giá trị nông sản. Hình thành các bộ phận chuyên trách để đẩy mạnh thương mại hóa, chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đã hoàn thiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác nông nghiệp.
Đặc biệt, doanh nghiệp, hợp tác xã tăng cường đầu tư, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ: Công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo trong sản xuất nông nghiệp thông minh, quản trị quá trình sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với truy xuất nguồn gốc, đảm bảo chất lượng sản xuất, quy mô hàng hoá. Đẩy mạnh hợp tác với các nhà khoa học, các chuyên gia để nhanh chóng tiếp nhận, làm chủ công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Nâng cao trình độ, năng lực để nhanh chóng tiếp nhận, vận hành các công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.
Hải Linh