Với việc kết nối, khai thác Cơ sở dữ liệu căn cước công dân (CSDL CCCD), Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQGvDC) vào hoạt động nghiệp vụ
ngân hàng không chỉ đưa lại tiện ích cho người dân (khách hàng của ngân hàng) mà cho chính ngân hàng, qua đó góp phần hiện thực hóa các mục tiêu của chuyển đổi số ngành
Ngân hàng, hướng đến nền
kinh tế số và thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia.
Ngày 06/01/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 06). Mục tiêu cao nhất của Đề án 06 chính là để người dân và doanh nghiệp được hưởng những tiện ích từ CSDLQGvDC và thẻ CCCD gắn chíp, chuyển đổi cách làm thủ tục hành chính từ thủ công sang môi trường điện tử.
1. Nâng cao hiệu quả giao dịch giữa ngân hàng và khách hàng
Việc kết nối CSDLQGvDC với các đơn vị trong ngành Ngân hàng, kết nối với doanh nghiệp sẽ góp phần thúc đẩy nền kinh tế số, giúp ngành Ngân hàng phát triển các hoạt động nghiệp vụ, nâng cao hiệu quả giao dịch giữa ngân hàng và khách hàng, bảo đảm an toàn hoạt động và phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng.
Cụ thể, Đề án 06 với nội dung cho phép các đơn vị trong ngành Ngân hàng được kết nối, khai thác CSDLQGvDC, CSDL CCCD và sử dụng tài khoản định danh điện tử do Bộ Công an cung cấp có vai trò đặc biệt quan trọng để ngành Ngân hàng ứng dụng triển khai cung cấp các dịch vụ ngân hàng số trên môi trường mạng, xác thực khách hàng chính xác, ngăn ngừa tội phạm gian lận hồ sơ giấy tờ, mở tài khoản mạo danh hoặc lừa đảo khách hàng, chiếm quyền truy cập các dịch vụ ngân hàng số. Bên cạnh đó, việc kết nối, khai thác CSDLQGvDC, CSDL CCCD còn giúp các đơn vị trong ngành Ngân hàng làm sạch CSDL khách hàng hiện có, loại bỏ các tài khoản “rác” thường được tội phạm lợi dụng để chuyển tiền bất hợp pháp.
Hoạt động làm sạch dữ liệu khách hàng có ý nghĩa quan trọng trong việc phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi gian lận, lừa đảo, cho thuê, mượn tài khoản ngân hàng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống rửa tiền, ngăn ngừa tội phạm gian lận, lừa đảo tại các tổ chức tín dụng (TCTD).
Ngoài ra, nguồn dữ liệu từ CSDLQGvDC (đặc biệt, trong thời gian tới khi CSDLQGvDC được làm giàu thông tin từ các CSDL của các bộ, ngành) sẽ là nguồn thông tin tốt để các TCTD xác minh nhân thân khách hàng và tra cứu các thông tin để đánh giá khả năng trả nợ (như thông tin về đóng thuế thu nhập,
bảo hiểm xã hội...) từ đó có thể đẩy nhanh thủ tục
cho vay, góp phần hạn chế tín dụng đen.
Việc liên kết dữ liệu giữa ngành Ngân hàng với CSDLQGvDC đưa lại nhiều tiện ích cũng như gia tăng mức độ an toàn, bảo mật cho khách hàng khi sử dụng dịch vụ ngân hàng.
Đối với ngành Ngân hàng, các giao dịch với khách hàng đều có yêu cầu định danh và xác thực khách hàng chặt chẽ. Trước đây, việc định danh, xác thực chủ yếu tại quầy, thực hiện so sánh hình ảnh trên giấy tờ cá nhân (như chứng minh nhân dân) và chữ kí lưu trữ khi đăng kí lần đầu của khách hàng. Phương thức xác thực này có rủi ro bị giả mạo giấy tờ, chữ kí vì không có nguồn dữ liệu gốc để đối chiếu và phụ thuộc vào kĩ năng nhận biết của giao dịch viên. Đề án 06 với nội dung cho phép các đơn vị trong ngành Ngân hàng được kết nối, khai thác CSDLQGvDC, CSDL CCCD và sử dụng tài khoản định danh điện tử có vai trò đặc biệt quan trọng để ngành Ngân hàng ứng dụng triển khai cung cấp các dịch vụ ngân hàng số trên môi trường mạng, giúp khách hàng đơn giản hóa mọi thao tác và giao dịch liên quan tới
tài chính;
tiết kiệm chi phí, thời gian; người dùng có thể thực hiện tất cả các dịch vụ ngân hàng tại bất kì thời điểm nào và bất kì đâu. Đây chính là là động lực để phát triển nền kinh tế số, xã hội số. Một số dịch vụ được thực hiện trên môi trường số có sử dụng định danh xác thực khách hàng qua việc kết nối, khai thác CSDLQGvDC, CSDL CCCD gồm: Đăng kí mở tài khoản ngân hàng online; thanh toán trực tuyến các hóa đơn điện, nước, viễn thông, mua bán hàng hóa; gửi tiết kiệm, cho vay online; rút tiền từ ATM sử dụng CCCD
1.
Trong thời gian tới, khi CSDLQGvDC được tích hợp với các dữ liệu chuyên ngành (bảo hiểm, thuế,...) thì đây sẽ là nguồn dữ liệu tốt để các ngân hàng thực hiện đánh giá khách hàng trong việc cho vay tín chấp và các loại hình cho vay khác, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện vay vốn ngân hàng.
2. Ngành Ngân hàng tích cực phối hợp triển khai Đề án 06
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) là một trong số các bộ, ngành được Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao và biểu dương về tinh thần tích cực vào cuộc quyết liệt trong triển khai thực hiện Đề án 06.
Ngày 18/02/2022, Thống đốc NHNN đã kí Quyết định số 171/QĐ-NHNN ban hành Kế hoạch của ngành Ngân hàng triển khai Đề án 06 và Quyết định số 170/QĐ-NHNN thành lập Tổ Công tác của ngành Ngân hàng triển khai Đề án 06 (đã kiện toàn Tổ công tác tại Quyết định số 606/QĐ-NHNN ngày 11/4/2023). Tiếp đó, ngày 02/3/2023, Thống đốc NHNN đã kí Quyết định số 264/QĐ-NHNN ban hành Kế hoạch năm 2023 của ngành Ngân hàng triển khai Đề án 06. Ngày 24/4/2023, Lãnh đạo NHNN và Lãnh đạo Bộ Công an đã kí Kế hoạch phối hợp triển khai các nhiệm vụ Đề án 06 giữa NHNN và Bộ Công an. Các kế hoạch được ban hành với mục tiêu thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của ngành Ngân hàng, phát triển các dịch vụ ngân hàng số, lấy khách hàng làm trung tâm, gia tăng tiện ích, trải nghiệm khách hàng, đồng thời tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, phòng, chống gian lận, tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực ngân hàng trên cơ sở khai thác CSDLQGvDC và ứng dụng các công nghệ mới.
Trong những tháng đầu năm 2023, NHNN đã tích cực phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, hoàn thiện bộ hồ sơ Nghị định thay thế Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt và đang trình Chính phủ kí ban hành. Bên cạnh đó, Thống đốc NHNN đã ban hành Thông tư số 01/2023/TT-NHNN ngày 01/3/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 04/2015/TT-NHNN ngày 31/3/2015 của Thống đốc NHNN quy định về quỹ tín dụng nhân dân, không yêu cầu tổ chức, cá nhân nộp, xuất trình sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính; NHNN cũng đang hoàn thiện sửa đổi, bổ sung Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của các TCTD để cho phép các TCTD triển khai cho vay qua các phương tiện điện tử thông qua xác thực, định danh khách hàng điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng vay vốn, góp phần giảm thiểu tín dụng đen.
Triển khai Nghị định số 59/2022/NĐ-CP ngày 05/9/2022 của Chính phủ quy định về định danh và xác thực điện tử, NHNN đã ban hành kế hoạch triển khai tại NHNN và đã có một số văn bản chỉ đạo các TCTD triển khai việc nghiên cứu ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử trong một số
hoạt động ngân hàng2.
Theo báo cáo của NHNN, từ tháng 12/2022, NHNN đã chính thức hoàn thành kết nối, khai thác CSDLQGvDC cho dịch vụ công của NHNN. Với mục tiêu rà soát, làm sạch hồ sơ khách hàng trong CSDL thông tin tín dụng quốc gia, phòng ngừa rủi ro lừa đảo tín dụng, NHNN đã phối hợp với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) - Bộ Công an đối soát 25 triệu hồ sơ khách hàng trong CSDL thông tin tín dụng quốc gia và hiện nay đang tiếp tục rà soát làm sạch 26 triệu hồ sơ khách hàng. Căn cứ kết quả đối chiếu, NHNN đã và đang yêu cầu các TCTD rà soát, báo cáo về các hồ sơ có thông tin sai lệch hoặc không tìm thấy để có biện pháp xử lí.
Việc kết nối, khai thác CSDLQGvDC để xác thực nhân thân và thông tin về nơi cư trú của các đối tượng liên quan đến tội phạm rửa tiền, tài trợ khủng bố trong công tác quản lí nhà nước về phòng, chống rửa tiền, NHNN đã bước đầu làm việc với các đơn vị chức năng của Bộ Công an, triển khai thử nghiệm kết nối kĩ thuật 04 dịch vụ do Bộ Công an cung cấp: Dịch vụ xác thực thông tin công dân; dịch vụ xác thực thông tin hộ gia đình; dịch vụ tra cứu thông tin công dân; dịch vụ gợi ý số định danh cá nhân từ số CMND.
Đối với các TCTD, trong năm 2022, thực hiện chỉ đạo của NHNN, một số đơn vị như Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Ngoại thương Việt Nam (
Vietcombank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (
BIDV), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (
VietinBank)... đã phối hợp với C06 - Bộ Công an hoàn thành triển khai thử nghiệm giải pháp ứng dụng xác thực qua thẻ CCCD gắn chíp trong một số nghiệp vụ như: (i) Xác thực, định danh khách hàng tại quầy giao dịch; (ii) Xác thực, định danh khách hàng giao dịch tại ATM và đã bước đầu cung cấp dịch vụ thử nghiệm tại một số chi nhánh trên địa bàn Hà Nội, Quảng Ninh từ tháng 5/2022, hiện đang triển khai mở rộng cho các tỉnh, thành phố trên cả nước. Kết quả giai đoạn thử nghiệm đã được người dân đón nhận tích cực vì sự tiện lợi và an toàn khi sử dụng thẻ CCCD gắn chíp.
Năm 2023, một số ngân hàng như Vietcombank đã lập kế hoạch triển khai chính thức giải pháp sử dụng thiết bị di động, cài đặt ứng dụng xác thực khách hàng qua thẻ CCCD gắn chíp (giải pháp Match on Card - MoC) và cập nhật thông tin giấy tờ tùy thân, bước đầu mở rộng cho toàn bộ chi nhánh trên địa bàn Hà Nội trong tháng 5/2023. BIDV cũng đã hoàn thành 02 gói thầu mua sắm trang thiết bị để triển khai giải pháp xác thực khách hàng bằng thẻ CCCD gắn chip khi cung cấp dịch vụ rút tiền tại máy giao dịch tự động, xác thực khách hàng tại quầy. Một số TCTD như Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (
PVcomBank), Công ty
Tài chính Trách nhiệm hữu hạn
MB Shinsei (MB Credit) đã phối hợp với C06 - Bộ Công an thử nghiệm hệ thống chấm điểm tín dụng công dân trên nền tảng dữ liệu dân cư. Với kết quả thử nghiệm ban đầu, các đơn vị tham gia thí điểm đánh giá đây là giải pháp hiệu quả, khả thi giúp các đơn vị sử dụng hỗ trợ cho vay tài chính và là một kênh cung cấp thông tin cho các TCTD để hạn chế rủi ro, lừa đảo, giả mạo trong ngành Ngân hàng.
Quá trình chuyển đổi số ngành Ngân hàng, trong đó có việc ứng dụng dữ liệu dân cư vào hoạt động nghiệp vụ ngân hàng cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Trước hết là hành lang pháp lí chưa đồng bộ, phù hợp. Bên cạnh đó, xu hướng gia tăng tội phạm công nghệ cao với các thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp. Hay là việc thiếu hụt
nhân sự trình độ cao (nghiệp vụ, công nghệ thông tin...) và sự cân bằng về hiệu quả trong đầu tư nguồn lực cho chuyển đổi số. Cơ sở hạ tầng kĩ thuật, khả năng tích hợp, kết nối, liên thông với các hệ thống, các ngành, lĩnh vực khác để hình thành hệ sinh thái số, cung ứng dịch vụ đa tiện ích cho khách hàng... Chưa kể, các ngân hàng cần phải có kinh phí và thời gian thực hiện nâng cấp hệ thống ATM/POS và chỉnh sửa hệ thống ứng dụng cho phép khách hàng sử dụng CCCD gắn chíp khi thực hiện giao dịch; sửa đổi quy trình nghiệp vụ cho phép sử dụng CCCD gắn chíp thay thế thẻ ngân hàng. Hiện tại, số lượng tài khoản khách hàng tại các TCTD là tương đối lớn, với mức phí khai thác CSDLQGvDC hiện tại thì các TCTD sẽ tốn chi phí rất lớn để làm sạch CSDL hiện có cũng như để triển khai xác thực khách hàng thực hiện giao dịch sau này.
3. Đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng và an toàn hệ thống CSDLQGvDC
Để triển khai các nhiệm vụ đã được Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ giao và Kế hoạch phối hợp giữa Bộ Công an và NHNN, thời gian tới, ngành Ngân hàng tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ chính như sau:
(i) Nâng cấp, tích hợp, kết nối Hệ thống dịch vụ công trực tuyến NHNN, Hệ thống một cửa điện tử NHNN sử dụng danh tính điện tử, tài khoản định danh điện tử tạo lập bởi Hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an; (ii) Tiếp tục khai thác thông tin từ CSDLQGvDC để làm sạch toàn bộ 51 triệu hồ sơ khách hàng trong CSDL thông tin tín dụng quốc gia bằng phương thức offline; (iii) Tiếp tục làm việc với các đơn vị của Bộ Công an để thống nhất nghiệp vụ, kế hoạch khai thác các dịch vụ về nhân thân, thông tin xuất nhập cảnh phục vụ nghiệp vụ phòng, chống rửa tiền của NHNN; (iv) Tiếp tục chỉ đạo các TCTD phối hợp với C06 - Bộ Công an triển khai mở rộng giải pháp xác thực khách hàng qua CCCD gắn chíp, ứng dụng phần mềm VNeID và triển khai kết nối, khai thác CSDLQGvDC để phục vụ các hoạt động nghiệp vụ của ngân hàng; (v) Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố để triển khai hiệu quả các giải pháp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực an sinh xã hội nêu tại Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt; (vi) Tiếp tục rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lí về mở, sử dụng tài khoản; cho vay theo phương thức điện tử để tạo thuận lợi cho người dân sử dụng dịch vụ ngân hàng, cũng như bảo đảm an toàn khi được xác thực qua CCCD gắn chíp, CSDLQGvDC.
Bên cạnh đó, NHNN ưu tiên việc rà soát, chỉnh sửa, bổ sung quy định yêu cầu các ngân hàng tăng cường công tác nhận biết khách hàng, áp dụng các giải pháp kiểm tra, đối chiếu, nhận biết khách hàng để đảm bảo xác minh chính xác chủ tài khoản trong quá trình sử dụng tài khoản; thúc đẩy cơ chế chia sẻ thông tin trong ngành Ngân hàng về các hình thức giả mạo, gian lận, các thủ đoạn tội phạm sử dụng công nghệ cao; xây dựng kho dữ liệu về danh sách tài khoản thanh toán có dấu hiệu, nghi ngờ liên quan đến lừa đảo, gian lận để cảnh báo tới các ngân hàng.
Cùng với các giải pháp trên, để chuyển đổi số ngành Ngân hàng đạt được các mục tiêu, bên cạnh hoàn thiện hành lang pháp lí, ngành Ngân hàng cần nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, triển khai ứng dụng các giải pháp đảm bảo an ninh, bảo mật trong hoạt động ngân hàng. Đồng thời, ứng dụng mạnh mẽ các công nghệ số vào hoạt động ngân hàng để cung ứng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số; chú trọng tạo lập quan hệ đối tác, hợp tác kinh doanh từ đó thiết lập hệ sinh thái số, kết nối dịch vụ ngân hàng số với nhiều dịch vụ số khác trong nền kinh tế, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ, tăng tính tiện ích và gia tăng trải nghiệm khách hàng; đẩy mạnh hợp tác kết nối, tận dụng năng lực công nghệ của các công ty
Fintech. Xây dựng và triển khai các
chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường công tác đào tạo, đào tạo lại, trang bị những kiến thức, kĩ năng nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho hoạt động chuyển đổi số ngành Ngân hàng. Đặc biệt, các TCTD cần đẩy mạnh truyền thông, thông tin đến các khách hàng dưới nhiều hình thức để hướng dẫn, nâng cao nhận thức, hiểu biết của khách hàng về ứng dụng công nghệ và những lưu ý, cảnh báo để hỗ trợ khách hàng nhận biết, phòng, tránh rủi ro khi thực hiện giao dịch trên môi trường điện tử.
Hiện nay, các đơn vị liên quan của Bộ Công an và ngành Ngân hàng đã và đang phối hợp chặt chẽ, tiên phong triển khai một cách chắc chắn, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng và an toàn hệ thống CSDLQGvDC. Cùng với đó là xây dựng quy trình phối hợp và hoàn thiện khuôn khổ pháp lí để thực hiện triển khai đạt hiệu quả cao.
Về phía Bộ Công an, cần tiếp tục hỗ trợ ngành Ngân hàng triển khai các giải pháp xác thực khách hàng qua CCCD gắn chíp trên thiết bị di động hoặc theo phương thức App-to-App (giữa ứng dụng VNeID và ứng dụng Mobile Banking). Đồng thời, Bộ Công an cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể để các TCTD có thể kết nối với CSDLQGvDC và sử dụng dịch vụ xác thực, định danh điện tử phục vụ các hoạt động nghiệp vụ của TCTD; có kế hoạch cho phép các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán thử nghiệm kết nối, khai thác CSDLQGvDC để phục vụ hoạt động nghiệp vụ của ngân hàng. Bên cạnh đó, để tổ chức triển khai làm sạch CSDL tài khoản ngân hàng, đảm bảo an ninh an toàn hoạt động ngành Ngân hàng, phòng, chống tội phạm cũng như thúc đẩy chuyển đổi số của ngành Ngân hàng, Bộ Tài chính xem xét có chính sách hỗ trợ miễn, giảm phí khai thác CSDLQGvDC cho các TCTD.
1 Khách hàng có thể sử dụng CCCD thay cho thẻ ATM khi thực hiện các giao dịch trên ATM; sử dụng CCCD gắn chíp hoặc ứng dụng phần mềm VNeID thực hiện mở tài khoản, mở thẻ, đăng kí dịch vụ Internet Banking và các dịch vụ khác một cách nhanh chóng, thuận tiện.
2 Công văn số 7262/NHNN-TT ngày 17/10/2022 về việc nghiên cứu ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử trong một số hoạt động ngân hàng; Công văn số 1652/CNTT8 ngày 02/11/2022 về việc triển khai Nghị định số 59/2022/NĐ-CP ngày 05/9/2022 của Chính phủ trong hoạt động ngân hàng; Công văn số 541/CNTT8 ngày 13/4/2023 về việc hướng dẫn kiểm tra ứng dụng VNeID và các thông tin giấy tờ tích hợp trên ứng dụng VNeID; Công văn số 540/CNTT8 ngày 13/4/2023 hướng dẫn về tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình, điều kiện đảm bảo kết nối với hệ thống định danh và xác thực điện tử.
Tài liệu tham khảo:
1. Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
2. https://www.sbv.gov.vn
3. https://www.bocongan.gov.vn
Kim Chi (NHNN)