Doanh nhân Phương Hữu Việt giữ chức Chủ tịch HĐQT VietABank từ năm 2011 đến năm 2021. |
Ông Phương Hữu Việt là một doanh nhân tuổi Giáp Thìn (1964). Giai đoạn 1989 – 1995, ông Phương Hữu Việt công tác trong nhà nước và sau đó làm Chủ tịch Công ty Thương mại, Đầu tư và Du lịch Việt Phương – tiền thân của Việt Phương Group ngày nay.
Việt Phương Group dưới sự điều hành của ông Việt ngày một trở nên lớn mạnh, mở rộng vốn liếng cũng như quy mô hoạt động, số lượng doanh nghiệp thành viên ước tính tăng lên 20 đơn vị, bao phủ các lĩnh vực từ bất động sản, khoáng sản… đến năng lượng, dược phẩm.Năm 2010, tập đoàn tạo dấu ấn mạnh mẽ bằng việc chi hàng trăm tỷ đồng góp vốn vào Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank), cùng với đó cá nhân ông Phương Hữu Việt liên tiếp tăng tỷ trọng lên mức 5%, trở thành cổ đông lớn của ngân hàng này. Sang năm 2011, với số cổ phần đủ lớn, ông Phương Hữu Việt chính thức gia nhập HĐQT VietABank và sau đó được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT và đến tháng 9/2021 ông Việt đã từ nhiệm “ghế nóng” tại VietABank nhường chỗ cho ông Phương Thành Long kế nhiệm.
Gần đây, VietABank là từ khóa tìm kiếm “hot” trên không gian mạng, sau khi Thanh tra Chính phủ công bố Kết luận thanh tra về trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các tổ chức tín dụng trong việc thực hiện “Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng và Đề án xử lý nợ xấu giai đoạn 2013 – 2017”. Tại đây, Thanh tra Chính phủ đã “điểm mặt” VietABank cùng hàng loạt sai phạm về cho vay dưới thời ông Phương Hữu Việt, gây xôn xao dư luận. Vậy, VietABank hoạt động thế nào sau khi ông Việt đảm trách “ghế nóng” từ năm 2011?
Còn nhớ năm 2010, VietABank đứng trước tình cảnh buộc phải tăng vốn lên 3.000 tỷ đồng để có thể duy trì hoạt động, bằng cách phát hành thêm cổ phần mới, trong đó 51 triệu cổ phần được chào bán cho Việt Phương Group và ông Phương Hữu Việt với giá 10.600 đồng/cp.
Tháng 7/2010, nhóm ông Việt ký kết với VietABank một hợp đồng hứa mua, theo đó, 36 triệu cổ phần sẽ do Việt Phương Group mua lại, còn 15 triệu cổ phần thuộc về ông Việt; quá trình chuyển nhượng được chia làm 3 đợt, diễn ra từ 31/7/2010 đến 30/11/2010.
Trong thương vụ mua vốn VietABank còn xuất hiện nhóm doanh nghiệp của bà Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch Vimedimex Group tại thời điểm đó.
Từ khi ông Việt điều hành VietABank, ngân hàng đã chứng kiến nhiều sự thay đổi, theo cả hai hướng tích cực và tiêu cực. Năm 2011, VietABank hoàn thành kế hoạch tăng vốn lên 3.098 tỷ đồng nhờ động lực từ vị “thuyền trưởng” mới, song đó là chưa đủ giải tỏa “cơn khát vốn” của nhà băng, vậy nên một trong những chỉ tiêu trọng tâm đề ra trong năm 2012 là tiếp tục tăng vốn điều lệ lên 5.000 tỷ đồng, tức tăng trên 61%.
Kết quả kinh doanh VietABank dưới thời Chủ tịch Phương Hữu Việt. |
Tuy nhiên giữa thời kỳ khó khăn, kế hoạch trên nhiều năm bất thành và mãi đến 2020, VietABank mới tăng vốn thành công lên 4.450 tỷ đồng và vẫn nằm trong top ngân hàng có vốn điều lệ “bé hạt tiêu” nhất hệ thống. Ngày 20/7/2021, VietABank đem toàn bộ 445 triệu cổ phần (mệnh giá 10.000 đồng/cp) lên giao dịch trên sàn UPCoM với mã VAB, là bước tiến đáng chú ý sau 10 năm ông Phương Hữu Việt điều hành ngân hàng này.
Về kết quả kinh doanh, trước thời ông Việt, VietABank vốn đang hoạt động khá sa sút. Năm 2012, tổng thu nhập hoạt động của VietABank tiếp tục giảm 18% so với cùng kỳ, xuống 536 tỷ đồng; tương tự lợi nhuận sau thuế giảm 35% xuống 164 tỷ đồng. Đây còn là năm tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng “nhảy vọt” lên mức 4,65%.
VietABank sau đó lên kế hoạch tái cấu cơ cấu với 3 giai đoạn, dựa trên 3 trọng tâm là khắc phục, củng cố năng lực cạnh tranh; phát triển mở rộng thị trường và “bứt phá”. Năm đầu tiên thực hiện (2013), kết quả kinh doanh của ngân hàng tiếp tục “giật lùi”, song vấn đề nợ xấu đã được cải thiện khi tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát, giảm mạnh còn 2,88%.
Sau năm 2014 – thời điểm lợi nhuận đã chạm đáy, VietABank “bật dậy” cho thấy chiến lược kinh doanh của ban lãnh đạo đang phát huy tối đa hiệu quả, những thay đổi lớn như di dời trụ sở chính, thoái vốn khỏi một loạt các khoản đầu tư chứng khoán… giúp cho kết quả kinh doanh đồng loạt khởi sắc, tỷ lệ nợ xấu cũng được tiết giảm.
Năm 2021, tổng thu nhập hoạt động của VietABank cán mốc 5.800 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 840 tỷ đồng, đều tăng mạnh so với các năm trước. Nợ xấu ở mức 2,89%, trong ngưỡng an toàn được Ngân hàng Nhà nước khuyến nghị…
Tình hình cho vay và nợ xấu của VietABank. |
Giới tài chính biết đến mối quan hệ gắn bó ông Phương Hữu Việt và bà Nguyễn Thị Loan từ năm 2010, khi cùng hiện diện bất ngờ tại danh sách cổ đông VietABank. Sau này, hai group càng trở nên thân thiết hơn nhờ “cầu nối” là VietABank – tổ chức đóng vai trò cấp tín dụng cho hoạt động đầu tư, phát triển của phía Vimedimex Group.
Chẳng hạn, trong số doanh nghiệp mà VietABank cho vay vốn có sai phạm đã được Thanh tra Chính phủ nêu rõ gần đây, có đến 6 đơn vị (gồm Công ty TNHH Đầu tư đô thị An Phú, Công ty TNHH Thương mại vây dựng và Đầu tư Hà Thủy, Công ty Cổ phần Dịch vụ Đầu tư nhà đất Nhật Anh, Công ty TNHH Địa ốc Phú Gia Green, Công ty TNHH Đầu tư Đô thị Gia Phát, Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Vạn Phúc) đã vay góp vốn hợp tác đầu tư thực hiện các dự án đối ứng của dự án ây dựng tuyến đường Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên. Đây là một dự án trọng điểm của Vimedimex Group.
Bà Nguyễn Thị Loan cũng có thời gian ngồi ghế Phó chủ tịch HĐQT VietABank, tuy không mấy nổi bật vì chỉ tại vị khoảng một năm, nhưng sau này những dự án của Vimedimex Group đều có “bóng dáng” của VietABank.
Ví dụ, tháng 3/2015, Công ty CP Đầu tư Bất động sản Mỹ Đình – doanh nghiệp có liên quan Vimedimex Group đã thế chấp cổ phần hình thành trong tương lai của các cổ đông sáng lập với tổng giá trị 200 tỷ đồng tại VietABank chi nhánh Hà Nội để bảo đảm cho toàn bộ nghĩa vụ của các hợp đồng tín dụng/hợp đồng bảo lãnh.
Hay như ngày 9/10/2015, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Hòa Bình (cổ đông lớn của VietABank) và Công ty CP Bất động sản Hồ Gươm thế chấp lần lượt 9,6 triệu cổ phần và 21,6 triệu cổ phần của Vimedimex Group cho phía VietABank chi nhánh Hà Nội. Đồng thời, tính đến hiện tại, các dự án do Công ty Hòa Bình và Công ty Hồ Gươm phát triển đều được thế chấp ở ngân hàng này.
Tiếp đó, năm 2016,, Công ty CP Bất động sản Vimedimex đã thế chấp toàn bộ quyền tài sản từ dự án Tổ hợp công trình nhà ở căn hộ cao cấp, văn phòng cho thuê và công cộng tại 6 lô đất thuộc Khu vực Bắc Cổ Nhuế - Chèm (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) tại VietABank chi nhánh Hà Nội.
Ngoài ra, một pháp nhân có liên quan đến Vimedimex Group là Công ty CP Đầu tư Phát triển Hạ tầng và Đô thị Vĩnh Hưng cũng thế chấp quyền tài sản từ khu nhà ở Ao Mơ và dự án tại các lô đất ký hiệu CT1, CT2, CT3, CT4 thuộc các quận Hoàng Mai, Hai Bà Trưng tại VietABank chi nhánh Hà Nội.
Nhìn chung, “lực đẩy” cho danh mục dự án “đồ sộ” của Vimedimex Group không thể thiếu nhân tố VietABank. Trong đó, một số dự án “khủng” ở Hà Nội sẽ là thiếu sót nếu không đề cập là: Helianthus Center Red River (4,9 ha, Đông Anh), Jade Orchid (gần 4,97 ha, Bắc Từ Liêm), Iris Garden (2,2 ha, Nam Từ Liêm), The Emerald (5,7 ha, Nam Từ Liêm), The Eden Rose (8 ha, Thanh Trì), Athena Fulland phân khu Larissa (27 ha, Kim Giang), Athena Fulland phân khu Athens (2,2 ha), Belleville Hà Nội (gần 1,6 ha, Cầu Giấy).
Chuyện ít biết về "quán quân" nợ xấu tại VietABank - Vicoland Group của ông Bùi Đức Long Hết quý II, khoản nợ xấu 500 tỷ đồng của Vicoland Group đang chiếm 54% tổng nợ nhóm 5 của VietABank, đồng nghĩa với vị ... |
Nhiều cán bộ của các Ngân hàng PvcomBank, VietABank, NCB hầu toà trong vụ siêu lừa Nguyễn Thị Hà Thành Mặc dù làm nghề tự do, nhưng bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành đã qua mặt, cấu kết với nhiều lãnh đạo, nhân viên các ... |
Vi phạm về thuế, VietABank phải nộp 2,5 tỷ đồng vào ngân sách Mới đây, Tổng Cục thuế vừa ra quyết định xử phạt về thuế đối với Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank, UPCoM: VAB) |
Hà Lê - Hà Giang