Vietcombank "khởi động" lại việc rao bán loạt bất động sản nhằm thu hồi nợ xấu

08/11/2021 - 21:04
(Bankviet.com) Mới đây nhất vào hôm 3/11, Vietcombank vừa thông báo phát mại tài sản bảo đảm khoản nợ của CTCP Phú Tường GSF bao gồm 2 nhà xưởng sản xuất với diện tích xây dựng từ 3.300 - 3.660 m2 nằm tại xã Ngọc Hòa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội.

Sau khi các tỉnh thành dần nới lỏng giãn cách xã hội từ cuối tháng 9 tới nay, Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank - Mã: VCB) liên tục thông báo đấu giá nhiều khoản nợ, tài sản bảo đảm để thu hồi nợ. Trong đó, tài sản bảo đảm là bất động sản được rao bán nhiều nhất. Số lượng tài sản rao bán cũng nhiều hơn hẳn các tháng trước đây.

Mới đây nhất vào hôm 3/11, Vietcombank vừa thông báo phát mại tài sản bảo đảm khoản nợ của CTCP Phú Tường GSF bao gồm 2 nhà xưởng sản xuất với diện tích xây dựng từ 3.300 - 3.660 m2 nằm tại xã Ngọc Hòa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội.

Cùng với đó là dây chuyền máy sạch, tuyển chọn và phân loại ngũ cốc, hệ thống máy móc thiết bị phụ trợ khác phục vụ cho hoạt động của phòng hóa nghiệm và kiểm định chất lượng sản phẩm. Giá khởi điểm của toàn bộ lô tài sản bảo đảm này là hơn 24,5 tỷ đồng.

Trong cùng ngày, Vietcombank cũng rao bán hai tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất và nhà ở của hai cá nhân khác. Trong đó có một khu đất tọa lạc tại số 7, Phường An Phú Đông, Quận 12, TP HCM với diện tích gần 384 m2 và khu còn lại ở 811 Âu Cơ, Phường Tân Thành, Quận Tân Phú, TP HCM. Hai lô đất này được lần lượt được rao bán với giá khởi điểm là 12 tỷ và 13,5 tỷ đồng.

Trước đó không lâu, tài sản bảo đảm của Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ Cỏ Ngọc tại Vietcombank là thửa đất 68,5 m2 nằm tại số 46/2 Đường Trần Quang Diệu, Phường 13, Quận 3, TP HCM cũng được rao bán với giá khởi điểm là hơn 8,5 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Vietcombank cũng đang rao bán nhiều tài sản động sản là xe ô tô, thiết bị máy móc, tàu cá,... Đơn cử như loạt máy móc của Công ty TNHH MTV Đêm và Nội thất G.Home được Vietcombank đưa ra thanh lý với giá gần 3,5 tỷ đồng. Hay dây chuyền sàng đậu của CTCP Vimag Holdings có giá hơn 467 triệu đồng.

Báo cáo tài chính quý III/2021 của Vietcombank cho thấy mặc dù dư nợ cho vay khách hàng của ngân hàng trong 9 tháng đầu năm mới tăng 11,5%, nhưng dư nợ xấu đã tăng mạnh 108%, qua đó kéo tỷ lệ nợ xấu nhảy vọt từ 0,62% lên 1,16%.

Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) đã tăng 122% lên 1.483 tỷ đồng, nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) tăng gấp 14 lần lên 3.122 tỷ đồng, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng 44,7% lên 6.279 tỷ đồng. Các khoản nợ xấu chủ yếu hình thành trong quý III.

(Nguồn: BCTC của Vietcombank)

Bên cạnh đó, các khoản phải thu của Vietcombank tính đến 30/9 cũng đã tăng gần 77% lên 11.781 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận của Vietcombank đạt 19.311 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái với sự tăng trưởng tích cực ở hầu hết các mảng kinh doanh.

Tại ngày 30/9/2021, tổng tài sản của ngân hàng đạt hơn 1,38 triệu tỷ đồng, tăng 4,4% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 11,5% đạt 936.343 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 7,4% đạt hơn 1,1 triệu tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay ở mức 1,16%.

Đến cuối quý III, Vietcombank có hơn 21.378 tỷ đồng giấy tờ có giá lưu hành trên thị trường, không thay đổi nhiều so với cuối năm trước. Trong đó gần như toàn bộ là kỳ phiếu, trái phiếu trung và dài hạn bằng VND.

Trên thị trường chứng khoán, tại phiên giao dịch sáng ngày 8/11, cổ phiếu VCB tăng 0.4% lên mức 97.900đ/cp. Khối lượng giao dịch trung bình đạt hơn 1 triệu đơn vị.

Theo các chuyên gia của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), có thể Vietcombank sẽ đẩy mạnh xóa nợ xấu trong quý IV để đưa tỷ lệ nợ xấu về mức dưới 1% như kế hoạch. Điều này cũng có thể thấy từ động thái tích cực rao bán tài sản bảo đảm ngân hàng từ đầu tháng 10 đến nay.

Lưu Lâm

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán