Cuối quý IV/2022, Vietnam Airlines sở hữu 12.316 tỷ đồng tài sản ngắn hạn, trong đó 3.390 tỷ đồng là tiền mặt và khoản đầu tư ngắn hạn. Nợ ngắn hạn của Vietnam Airlines lên tới 53.139 tỷ đồng, tức gấp hơn 4,3 lần tài sản ngắn hạn. |
Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines, HOSE: HVN) vừa có văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM về việc tạm hoãn công bố thông tin báo cáo tài chính (BCTC) kiểm toán năm 2022.
Trong công văn này, Vietnam Airlines chia sẻ rằng mình là doanh nghiệp có quy mô lớn, hoạt động trên toàn cầu với 27 đơn vị trực thuộc (gồm 9 đơn vị trong nước và 18 chi nhánh nước ngoài), và 15 công ty con hoạt động trong nhiều lĩnh vực. Các công ty con của Vietnam Airlines cũng phải lập BCTC hợp nhất mỗi năm.
Thời gian qua, Vietnam Airlines và các công ty con đang sắp xếp, ổn định lại hoạt động sản xuất kinh doanh, khắc phục hậu quả của đại dịch Covid-19, từng bước tái cơ cấu doanh nghiệp.
"Trong điều kiện như vậy, Vietnam Airlines cần thêm thời gian cho việc đối chiếu, xác nhận báo cáo, tổng hợp số liệu tuân thủ chuẩn mức kế toán", phía Vietnam Airlines cho biết.
Đồng thời, cũng theo hãng bay quốc gia này, trong năm 2022, công ty mẹ đã thực hiện tái cơ cấu, sáp nhập 5 đơn vị trực thuộc, tiến hành đóng mã số thuế tại các chi nhánh bị sáp nhập nên công tác đối chiếu số liệu báo cáo giữa các cơ quan, đơn vị bị kéo dài.
Bên cạnh đó, Vietnam Airlines tiết lộ trong giai đoạn ảnh hưởng của đại dịch, doanh nghiệp đã đàm phán và được nhiều nhà cung cấp nước ngoài chấp thuận (có điều kiện) cho phép được giảm giá hàng hóa dịch vụ, giãn hoãn các khoản thanh toán.
"Do có những điều kiện thay đổi trong việc thực hiện hợp đồng, nên Vietnam Airlines cần thời gian hơn để đối chiếu xác nhận công nợ đáp ứng chuẩn mực kế toán", hãng hàng không quốc gia giãi bày.
Hoạt động trong lĩnh vực hàng không, Vietnam Airlines chịu tác động lớn nhất kể từ khi xuất hiện đại dịch. Vì vậy, trong hai năm 2020 - 2021, doanh nghiệp lỗ sau thuế hơn 24.400 tỷ đồng.
Sang năm 2022, bước sang giai đoạn hậu Covid-19, mặc dù nhiều ngành nghề kinh doanh khác đã phục hồi đáng kể, song Vietnam Airlines vẫn tiếp tục báo lỗ thêm hàng chục nghìn tỷ khác, bất chấp doanh thu tăng trưởng rất mạnh.
Cụ thể, theo BCTC quý IV/2022, riêng ba tháng cuối năm, doanh thu của Vietnam Airlines đã đạt 19.500 tỷ đồng, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Kinh doanh dưới giá vốn, và các chi phí tài chính nhảy vọt là nguyên nhân khiến hãng bay quốc gia chịu lỗ ròng gần 2.700 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 1.000 tỷ đồng.
Luỹ kế cả năm 2022, Vietnam Airlines đạt 70.500 tỷ đồng doanh thu, cao gấp 2,5 lần cùng kỳ; gánh nặng chi phí khiến HVN lỗ ròng 10.400 tỷ đồng.
Với 12 quý lỗ liên tiếp, Vietnam Airlines đang lỗ lũy kế hơn 34.000 tỷ đồng, tính đến cuối năm 2022. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu cũng âm hơn 10.000 tỷ đồng, dẫn tới việc cổ phiếu HVN bước đến bờ vực hủy niêm yết.
Trước đó, HOSE đã nhấn mạnh tới khả năng hãng hàng không quốc gia bị hủy niêm yết nếu BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2022 tiếp tục lỗ ròng hoặc vốn chủ sở hữu là số âm.
Vietnam Airlines đã có giải trình biện pháp, lộ trình khắc phục tình trạng cổ phiếu HVN bị kiểm soát. Theo đó, Vietnam Airlines cho rằng do thị trường quốc tế phục hồi chậm, các yếu tố tiêu cực phát sinh như giá nhiên liệu tăng cao, xung đột chiến tranh Nga - Ukraine và các biến động về tỷ giá và lãi suất gia tăng nên hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn tiếp tục bị thua lỗ trong quý IV và cả năm 2022.
Vẫn theo Vietnam Airlines, bắt đầu từ quý IV/2022, thị trường quốc tế sẽ từng bước được phục hồi, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sẽ có kết quả tích cực hơn vào năm 2023.
Hiện Vietnam Airlines đã hoàn thành Đề án cơ cấu lại Tổng công ty giai đoạn 2021 - 2025, đã báo cáo cổ đông và cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong đề án, Vietnam Airlines sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp để khắc phục tình trạng lỗ hợp nhất và âm vốn chủ sở hữu; tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư tài chính để gia tăng thu nhập, dòng tiền và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn chủ sở hữu sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Áp lực thanh khoản ngắn hạn vẫn tiếp tục đeo bám Vietnam Airlines. Cuối quý IV/2022, hãng hàng không quốc gia sở hữu 12.316 tỷ đồng tài sản ngắn hạn, trong đó 3.390 tỷ đồng là tiền mặt và khoản đầu tư ngắn hạn. Nợ ngắn hạn của Vietnam Airlines lên tới 53.139 tỷ đồng, tức gấp hơn 4,3 lần tài sản ngắn hạn.
Toàn cảnh ngành hàng không năm 2022: 'Kẻ khóc, người cười' Sau hơn hai năm hỗn loạn bất ngờ bởi đại dịch Covid-19, nhu cầu giao thông hàng không tăng mạnh trong năm 2022. Tuy nhiên, ... |
Lãnh đạo doanh nghiệp "hiến kế" phát triển du lịch Các lãnh đạo Tập đoàn Liên Thái Bình Dương, BRG, Sun Group, VinGroup, Vietnam Airlines... đã có kiến giải và đề xuất phát triển du ... |
Mùa cao điểm, giá vé máy bay tăng chóng mặt dịp 30/4-1/5: Có chặng lên tới 8 triệu đồng/khứ hồi Dù còn hơn một tháng mới đến dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 nhưng giá vé máy bay tại một số chặng đã tăng vọt, ... |
Thanh Phong