Vùng an toàn dịch bệnh: Yếu tố quan trọng giúp nông sản rộng đường xuất khẩu

25/09/2024 - 00:24
(Bankviet.com) Việc đạt được chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh đã giúp nhiều địa phương tạo đột phá trong xuất khẩu nông sản, trong đó tỉnh Tây Ninh là ví dụ điển hình.
Thúc đẩy tiêu thụ nông sản ở cả thị trường trong và ngoài nước Lào Cai: Kết nối chuỗi, nâng cao giá trị nông sản

Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Nửa đầu năm 2024, toàn tỉnh Tây Ninh đã xuất khẩu rau quả đạt 11,41 triệu USD, chiếm 1,08% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng của khu vực Đông Nam Bộ và chiếm 0,34% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Thị trường xuất khẩu mặt hàng rau quả của Tây Ninh chủ yếu là Hà Lan, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Campuchia…

Trong năm 2023, kim ngạch xuất khẩu nông sản của địa phương này cũng đã tăng 15% so với năm trước, đạt mức 1,5 tỷ USD​. Hiện nay, Tây Ninh đang đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và khẳng định vị thế trên thị trường nông nghiệp quốc tế.

Một trong những yếu tố quan trọng giúp Tây Ninh tạo đột phá trong hoạt động xuất khẩu nông sản chính là việc năm 2023 tỉnh đạt được chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh đối với các sản phẩm nông sản chính như gạo, sắn, cao su.

Vùng an toàn dịch bệnh là điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất động vật, chế biến các sản phẩm từ động vật an tâm sản xuất, kinh doanh và cũng là nơi được doanh nghiệp khác ưu tiên lựa chọn đầu tư, nhất là những nhà đầu tư ứng dụng công nghệ cao, có liên kết chuỗi và hướng đến xuất khẩu.

an toàn nông sản
Vùng an toàn dịch bệnh là điều kiện thuận lợi để địa phương, doanh nghiệp rộng đường xuất khẩu . Ảnh: NH

Nhờ việc duy trì vùng an toàn dịch bệnh giúp doanh nghiệp nông nghiệp có thể tiếp cận được những thị trường khắt khe, đồng thời đáp ứng yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, quản lý chuỗi cung ứng chặt chẽ. Vì vậy, từ lâu, tỉnh Tây Ninh đã xác định việc xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh là một nhiệm vụ quan trọng trong triển khai thực hiện chiến lược phát triển kinh tế của địa phương.

Việc đạt được tiêu chuẩn này đồng nghĩa với việc sản phẩm nông sản của tỉnh đảm bảo yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh thực phẩm, giúp sản phẩm này dễ dàng tiếp cận được những thị trường khó tính như EU, Nhật Bản, Mỹ; tạo đà cho doanh nghiệp mở rộng hoạt động xuất khẩu sang thị trường quốc tế.

Để tạo đột phá cho nông sản cũng như nhiều mặt hàng nông nghiệp công nghệ cao của địa phương rộng đường xuất khẩu sang thị trường kỹ tính, vừa qua tại tỉnh Tây Ninh đã diễn ra Lễ công nhận vùng an toàn dịch bệnh và công bố kế hoạch xuất khẩu sản phẩm gia cầm sang thị trường Halal; Lễ công bố 7 dự án đầu tư trọng điểm trong lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2025-2030...

Hướng đến sản xuất quy mô lớn

Tây Ninh đang là một trong những địa phương tích cực thu hút đầu tư nông nghiệp công nghệ cao khi có nhiều doanh nghiệp lớn đến tìm hiểu, đầu tư, xây dựng chuỗi liên kết nông nghiệp ứng dụng công nghệ hiện đại.

Theo chia sẻ của Tổng Giám đốc toàn cầu Tập đoàn Hoàng gia De Hues (Hà Lan) Gabor Fluit – một trong hai tập đoàn đầu tư vào chuỗi tổ hợp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Tây Ninh, muốn phát triển nông nghiệp công nghệ cao phải có đất rộng; phải xây dựng được vùng an toàn dịch bệnh; đồng thời phải có sự hợp tác đầu tư giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Tây Ninh, với tiềm năng nông nghiệp dồi dào, đang hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm xuất khẩu nông sản hàng đầu. Ngành nông nghiệp chiếm gần 20% GRDP của tỉnh và đóng góp hơn 21.725 tỷ đồng, đang được thúc đẩy mạnh mẽ thông qua ứng dụng công nghệ cao, hướng đến sản xuất quy mô lớn và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.

Tỉnh cũng chú trọng phát triển vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đến năm 2030, dự kiến sẽ có 11 vùng sản xuất như vậy, mỗi vùng sẽ hình thành ít nhất một chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao giá trị và chất lượng nông sản.

Được biết, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, theo chuỗi giá trị là định hướng phát triển ưu tiên và là một trong những đột phá chiến lược của tỉnh Tây Ninh. Thời gian qua, tỉnh đã thực hiện ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp trên hầu hết các sản phẩm nông nghiệp chủ lực như lúa, rau, cây ăn quả, cây cao su, hoa, cây cảnh; chăn nuôi bò, heo, gia cầm.

Không chỉ Tây Ninh, nhiều địa phương trong cả nước đã và đang nỗ lực để đạt được vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh. Việc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh là một trong những giải pháp quan trọng không chỉ nhằm phòng, chống dịch bệnh một cách chủ động mà còn giúp sản phẩm chăn nuôi xuất khẩu của Việt Nam đáp ứng đòi hỏi về sự công khai, minh bạch về chuỗi sản xuất chăn nuôi từ con giống, thức ăn, phòng bệnh, sơ chế, chế biến… theo quy định tại các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Giới chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay, các tỉnh, thành, doanh nghiệp cần nhận thức đúng về chủ trương, chiến lược; đầu tư đúng mức để xây dựng chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh động vật phục vụ xuất khẩu, nâng cao giá trị của ngành chăn nuôi trong cơ cấu nền nông nghiệp.

Tâm An

Theo: Báo Công Thương