Kế hoạch hợp nhất với Black Spade đã được thông qua, VinFast sắp niêm yết tại Mỹ
VinFast Auto Pte. Ltd. (“VinFast”) và Black Spade Acquisition Co (NYSE: BSAQ) (“Black Spade”) công bố kết quả họp Đại hội cổ đông đặc biệt (EGM) diễn ra ngày 10/8/2023. Kết quả bỏ phiếu chính thức sẽ được bổ sung trong Báo cáo theo Mẫu 8-K, do Black Spade nộp cho Ủy ban Chứng khoán Mỹ (“SEC”).
Giao dịch hợp nhất dự kiến sẽ hoàn tất vào ngày 14/08/2023. Sau giao dịch, VinFast sẽ hoạt động như một công ty hợp nhất. Cổ phiếu phổ thông và chứng quyền VinFast dự kiến sẽ bắt đầu giao dịch trên sàn chứng khoán Nasdaq Stock Market LLC (“Nasdaq”) vào, hoặc khoảng, ngày 15/08/2023, dưới các mã niêm yết mới lần lượt là “VFS” và “VFSWW”.
VinFast là công ty con của Vingroup và được thành lập năm 2017. Với sứ mệnh xây dựng môt tương lai bền vững hơn cho mọi người, VinFast đã chuyển đổi hoàn toàn sang sản xuất xe điện vào năm 2022. Hiện VinFast đã phát triển thành công hệ sinh thái xe điện toàn diện gồm các dòng xe SUV điện (từ minicar đến 5 phân khúc cơ bản: A-B-C-D-E); xe máy điện và xe buýt điện. Xe của VinFast được bán tại Việt Nam, Bắc Mỹ và sắp tới là châu Âu. VinFast sở hữu cơ sở sản xuất ô tô hiện đại tại Hải Phòng, Việt Nam với tỷ lệ tự động hóa lên tới 90% và công suất sản xuất hàng năm lên đến 300.000 xe trong giai đoạn 1…
Black Spade được thành lập bởi Black Spade Capital và niêm yết trên sàn chứng khoán NYSE American. Black Spade Capital hiện đang điều hành một danh mục đầu tư bao gồm nhiều khoản đầu tư xuyên biên giới và thường xuyên tìm kiếm các cơ hội mở rộng danh mục này.
Trước đó thông tin bổ sung về giao dịch hợp nhất, bao gồm bản sao của thỏa thuận sáp nhập, được cung cấp trong Báo cáo theo Mẫu 8-K do BSAQ nộp cho Ủy ban Chứng khoán Mỹ ("SEC") ngày 12/05/2023 tại www.sec.gov.
Thông tin chi tiết về giao dịch hợp nhất cũng được mô tả trong hồ sơ đăng ký của VinFast, bao gồm bản lấy ý kiến cổ đông của BSAQ và bản cáo bạch của VinFast liên quan đến giao dịch hợp nhất kinh doanh nộp cho SEC ngày 15/06/2023.
Chuyển động cùng 360° doanh nghiệp ngày 11/8/2023 |
Theo báo cáo tài chính hợp nhất bán niên năm 2023 của Công ty CP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail, HOSE: FRT), Công ty ghi nhận lợi nhuận âm gần 213 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 216 tỷ đồng.
Nửa đầu năm 2023, chuỗi dược Long Châu tiếp tục tăng trưởng mạnh, mảng này mang về cho FRT gần 7.000 tỷ đồng doanh thu, tăng 75% so với cùng kỳ 2022; lợi nhuận trước thuế chưa trừ khấu hao và lãi vay đạt 280 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần cùng kỳ. Ước tính mỗi ngày Long Châu lãi hơn 1,5 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, mảng thiết bị công nghệ lại đi xuống rõ rệt. Doanh thu của FPT Shop đạt 8.117 tỷ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế chưa trừ khấu hao và lãi vay âm 166 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 368 tỷ đồng. Kết quả này là do sức mua suy giảm trong khi phải hy sinh thêm lợi nhuận để tham gia “cuộc chiến giá rẻ”. Tuy vậy, kết quả được đánh giá khả quan khi thấp hơn mức giảm chung của thị trường, trong đó quý 2/2023 giảm 18% so với cùng kỳ tốt hơn mức giảm quý 1/2023 là 20%...
Lãi ròng bán niên của Vĩnh Hoàn (VHC) giảm hơn 50%, đầu tư chứng khoán lỗ gần 51 tỷ đồng
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2023, Công ty CP Vĩnh Hoàn (HOSE: VHC) ghi nhận doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt gần 2.724 tỷ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn hàng bán ở mức 2.161 tỷ đồng, giảm 31% so với cùng kỳ. Doanh thu giảm nhanh hơn giá vốn, sau khi khấu trừ Vĩnh hoàn thu về 562,5 tỷ đồng lợi nhuận gộp, giảm 49% so với quý 2/2022…
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Vĩnh Hoàn ghi nhận doanh thu thuần đạt 4.945 tỷ đồng, giảm 34% so với cùng kỳ. Biên lãi gộp còn 19% so với mức 25% cùng kỳ. Trong đó, doanh thu bán thành phẩm ghi nhận 3.341 tỷ đồng, chiếm 67% tổng cơ cấu doanh thu. Doanh thu hoạt động tài chính đạt 182 tỷ đồng, tăng nhẹ 2,3% so với cùng kỳ, chủ yếu đến từ lãi tiền gửi và lãi chênh lệch tỷ giá hối đoái đã thực hiện. 6 tháng đầu năm 2023, Vĩnh Hoàn báo lãi trước thuế gần 764 tỷ đồng, lãi sau thuế 655,5 tỷ đồng, giảm 47,5% và 51,6% so với cùng kỳ năm trước.
Tính đến ngày 30/6/2023, Vĩnh Hoàn ghi nhận tổng cộng tài sản ở mức 12.170 tỷ đồng, tăng 5% so với thời điểm cuối năm 2022. Trong đó, tài sản ngắn hạn ghi nhận 8.114 tỷ đồng, tăng 6,2%. Tài sản dài hạn ở mức 4.056 tỷ đồng, gần như đi ngang với số cuối năm 2022,
Hàng tồn kho tăng 39% lên gần 3.927 tỷ đồng. Tiền và các khoản tương đương tiền giảm 66% còn 186 tỷ đồng. Đầu tư tài chính ngắn hạn ghi nhận 1.778 tỷ đồng, tăng không đáng kể so với cuối năm 2022.
Đáng chú ý, Vĩnh Hoàn đầu tư tài chính ngắn hạn 1.778 tỷ đồng. Trong đó, đầu tư 174,5 tỷ đồng chứng khoán kinh doanh của các công ty sau: Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long (HOSE: NLG); Công ty CP Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh (HOSE: DXS); Tổng Công ty phát triển Đô Thị Kinh Bắc (HOSE: KBC)… Theo ghi nhận, giá trị hợp lý của các khoản đầu tư này cuối quý 2 là 124 tỷ đồng, đồng nghĩa Vĩnh Hoàn đang tạm lỗ gần 51 tỷ đồng, tương ứng 29%.
Ngày 9/8, Tổng Công ty CP Y tế Danameco (UPCoM: DNM) đã có báo cáo giải trình về việc chậm công bố thông tin. Trước đó, Danameco đã nhận được công văn số 1623/SGDHN-QLNY ngày 31/7/2023 của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), yêu cầu giải trình về việc có dấu hiệu vi phạm quy định về công bố thông tin đối với hai tài liệu là báo cáo tài chính quý II/2023 và giải trình biến động lợi nhuận quý II/2023.
Về việc chậm công bố báo cáo tài chính quý II/2023, Dameco cho biết, ngày 20/7/2023, doanh nghiệp này đã tiến hành đổ dữ liệu lên hệ thống công bố thông tin của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và nhận cảnh báo số liệu không khớp từ hệ thống.
Do đó, bộ phận kế toán đã tiến hành rà soát, kiểm tra lại dữ liệu và phát hiện nhân viên kế toán mới đã cập nhật dữ liệu sai lệch, dẫn đến số liệu trên báo cáo tài chính không khớp. Mặc dù đã cố gắng khắc phục sự cố này bằng cách kiểm tra và cập nhật lại số liệu chính xác nhưng đến ngày 21/7/2023, Danameco mới hoàn thiện báo cáo.
Về việc chậm công bố giải trình lợi nhuận sau thuế quý II/2023 là số âm, doanh nghiệp này đưa ra lý do là “nhân sự phụ trách nhầm lẫn trong quy định của pháp luật dẫn đến việc chậm trễ trong giải trình”.
Du lịch khởi sắc trở lại, lãi vay của TTC Hospitality (VNG) vẫn “bào mòn” lợi nhuận
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2023, Công ty CP Du lịch Thành Thành Công (TTC Hospitality, HOSE: VNG) ghi nhận doanh thu thuần đạt 164,3 tỷ đồng, tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ. Sau khi khấu trừ giá vốn, doanh nghiệp đạt 37,2 tỷ đồng lợi nhuận gộp, giảm 20% so với cùng kỳ năm trước.
Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính giảm 11% xuống còn gần 43 tỷ đồng. Trong khi đó, chí phí tài chính biến động không đáng kể ở mức 41,3 tỷ đồng, hầu hết là chi phí lãi vay khi chiếm gần 37 tỷ đồng (tương ứng chiếm 90% chi phí tài chính). Chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí bán hàng giảm lần lượt 26% và 20% so với cùng kỳ, tương ứng ghi nhận 20,3 tỷ đồng và 8,5 tỷ đồng
Kết quả, sau khi khấu trừ chi phí, TTC Hospitality ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm 31% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn gần 7,8 tỷ đồng. Giải trình về biến động kết quả kinh doanh, TTC Hospitality cho biết, trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, lãi suất tăng mạnh và chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp là tác nhân chính làm bào mòn lợi nhuận của doanh nghiệp.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, do quý 1 trước đó TTC Hospitality lỗ gần 6,5 tỷ đồng nên doanh nghiệp chỉ lãi vỏn vẹn 1,1 tỷ đồng sau nửa đầu năm 2023, chỉ bằng gần 50% năm ngoái. Chi phí lãi vay tăng mạnh “bào mòn” đi lợi nhuận của của TTC Hospitality. Sáu tháng, doanh nghiệp trả lãi vay 72,5 tỷ đồng, cao hơn 20 tỷ đồng so với năm ngoái. Lãi vay ngắn hạn doanh nghiệp đang trả dao động 8,5 - 12,7%/ năm, lãi vay dài hạn 8,5 - 15,78%...
Nhiệt điện Phả Lại (PPC) phân trần về quyết định xử phạt của Bộ Công an
Ngày 9/8, Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại (HOSE: PPC) đã có báo cáo làm rõ nội dung quyết định xử phạt vi phạm của Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (C05 - Bộ Công an) đối với doanh nghiệp này.
Trong công văn giải trình gửi Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE), Nhiệt điện Phả Lại cho biết, công ty đã thực hiện công bố thông tin tại công văn số 3712/TB-PPC ngày 28/7/2023 và công văn số 3806/TB-PPC ngày 01/8/2023 về việc xử phạt vi phạm hành chính về môi trường, đồng thời đang khẩn trương triển khai các biện pháp cần thiết nhằm đảm bảo đáp ứng yêu cầu về môi trường.
Theo đó, Nhiệt điện Phả Lại đã chấp hành nộp phạt số tiền 3,925 tỷ đồng vào Kho bạc Nhà nước.
Về nội dung phạt bổ sung đình chỉ hoạt động của công ty trong vòng 12 tháng, Nhiệt điện Phả Lại cho hay, thẩm quyền tổ chức thực hiện hình phạt này thuộc về Bộ Tài nguyên và Môi trường. Doanh nghiệp này khẳng định đang tích cực phối hợp với cấp thẩm quyền, các cơ quan chức năng thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật về xử phạt đình chỉ hoạt động. Trong khi chờ quyết định của cấp thẩm quyền, doanh nghiệp đang duy trì vận hành tối thiểu các tổ máy có hệ thống lọc bụi tĩnh điện đáp ứng, dừng các tổ máy có hệ thống lọc bụi đang bị sự cố…
Cơ hội "vượt vũ môn" cho "nữ hoàng cá tra" Vĩnh Hoàn
Khép lại nửa đầu năm 2023, Công ty CP Vĩnh Hoàn (HOSE: VHC) ghi nhận doanh thu giảm mạnh 34% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 4.945 tỷ đồng. Các mảng kinh doanh cốt lõi đều sụt giảm, đặc biệt là sản phẩm liên quan đến cá tra.
Doanh thu của tất cả các sản phẩm này đã giảm mạnh 20-43% so với cùng kỳ. Nguyên nhân là do nhu cầu yếu từ các thị trường chính. Riêng xuất khẩu vào thị trường Mỹ sụt giảm mạnh xuống 56%.
Nửa đầu năm, giá nguyên liệu và thức ăn thuỷ sản vẫn neo ở mức cao khiến giá cá tra nguyên liệu giảm với tốc độ chậm hơn so với giá bán. Thêm vào đó, việc thị trường Trung Quốc mở cửa trong nửa đầu năm 2023 đã khiến người nuôi kỳ vọng nhu cầu từ thị trường này tăng đột biến và nảy sinh tâm lý giữ cá trong ao, chờ giá tăng.
Điều này khiến cho biên lợi nhuận gộp 6 tháng đầu năm của Vĩnh Hoàn thu hẹp đáng kể, chỉ còn 5,8 điểm %. Cùng với đó, lợi nhuận ròng nửa đầu năm 2023 cũng giảm 52% so với cùng kỳ xuống còn 631 tỷ đồng. Dù vậy, với kết quả này, doanh nghiệp đã hoàn thành được 63,1% kế hoạch kinh doanh.
Nếu xét riêng quý II/2023, doanh thu thuần và lợi nhuận gộp của Vĩnh Hoàn tăng đáng kể so với quý trước đó, mở ra hy vọng và dấu hiệu phục hồi cho "nữ hoàng cá tra" trong nửa cuối năm và sang năm 2024…
Ngày 8/8 vừa qua, Công ty CP Xây dựng Phục Hưng Holdings (HOSE: PHC) và Công ty CP Máy – Thiết bị Dầu khí (PVMachino, HNX: PVM) đã công bố Nghị quyết của HĐQT về việc thông qua kế hoạch góp vốn thành lập Công ty CP Machino An Phú.
Cụ thể, Công ty CP Machino An Phú sẽ được thành lập với số vốn điều lệ là 129 tỷ đồng. Ngành nghề kinh doanh chính của Machino An Phú là bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê. Doanh nghiệp có trụ sở tại L13-LK3 Khu đô thị Damsan, đường Quách Đình Bảo, xã Phú Xuân, TP. Thái Bình, tỉnh Thái Bình.
Theo đó, Phục Hưng Holdings và PVMachino góp lần lượt là 30% và 55% trên tổng vốn điều lệ, tương đương 38,7 tỷ đồng và 70,95 tỷ đồng.
Đối với Phục Hưng Holdings, người đại diện phần vốn góp thuộc về ông Trần Huy Tưởng, chức vụ được đề cử tại Machino An Phú là Phó Chủ tịch HĐQT. Còn PVMachino có 2 người đại diện phần vốn góp là ông Phạm Văn Hiệp và ông Phạm Bình Dân, lần lượt nắm giữ 45% và 10% vốn điều lệ bên Machino An Phú. Chức vụ đề cử của ông Phạm Văn Hiệp là Chủ tịch HĐQT, ông Phạm Bình Dân là Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật.
Được biết, cùng ngày 8/8, PVMachino cũng dự định rót 95,2 tỷ đồng để thành lập Công ty TNHH Machino Phú Xuân, chiếm 70% vốn điều lệ. Machino Phú Xuân cũng có địa chỉ, lĩnh vực kinh doanh tương tự như Machino An Phú.
Sau thanh tra EVN về cung ứng điện, Phó Thủ tướng yêu cầu xử lý vi phạm
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, truyền đạt chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái liên quan tới kết luận thanh tra của Bộ Công Thương về cung cấp điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị liên quan.
Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Công Thương chịu trách nhiệm toàn diện về các nội dung nêu tại kết luận thanh tra; đôn đốc xử lý các vi phạm được phát hiện qua thanh tra. Bộ này cũng được yêu cầu kiểm tra việc xử lý sau thanh tra. Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp theo chức năng, thẩm quyền thực hiện kết luận thanh tra theo đúng quy định pháp luật.
Trước đó, kết luận thanh tra của Bộ Công Thương đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế, khuyết điểm, vi phạm trong công tác chỉ đạo, điều hành cung cấp điện giai đoạn 2021-2023 của EVN và các đơn vị có liên quan.
Đó là chậm đầu tư, hoàn thành nguồn và lưới điện; chậm khắc phục sự cố tổ máy của một số nhà máy nhiệt điện làm giảm khả năng cung cấp điện; không chấp hành nghiêm Chỉ thị số 29/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các quyết định, chỉ thị, văn bản chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương về kế hoạch cung ứng điện, biểu đồ cung cấp nhiên liệu cho sản xuất điện, làm bị động trong việc chuẩn bị nguồn điện, giảm dự phòng an ninh năng lượng.
Ngoài ra, kết luận thanh tra cho rằng việc điều độ, vận hành hệ thống điện mất cân đối trong huy động các loại hình nguồn điện trong nhiều thời điểm; vi phạm trong chỉ đạo, điều hành, lập lịch, điều độ vận hành hệ thống điện quốc gia mùa khô năm 2023.
EVN cũng bị quy trách nhiệm để gián đoạn cung ứng điện trên diện rộng, đặc biệt khu vực miền Bắc từ nửa cuối tháng 5 đến trung tuần tháng 6/2023, cắt điện đột ngột, không báo trước, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến đời sống của người dân, hoạt động sản xuất - kinh doanh và môi trường thu hút đầu tư.
Từ những tồn tại, hạn chế, khuyết điểm, vi phạm nêu trên, Bộ Công Thương đã đề nghị và yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (theo phân cấp quản lý nhà nước) căn cứ kết luận thanh tra, chỉ đạo, tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý hoặc kiến nghị xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với Hội đồng thành viên EVN, các cá nhân có liên quan.
360° doanh nghiệp ngày 10/8: Một doanh nghiệp ngành bia sắp trả cổ tức "khủng" tỷ lệ 278% Liên danh Vinaconex (VCG) sai phạm nghiêm trọng tại dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây; Một doanh nghiệp ngành bia sắp trả ... |
360° doanh nghiệp ngày 9/8: Vinacomin báo doanh thu đột biến gấp gần 5 lần quy mô tài sản Vinacomin báo doanh thu đột biến hơn 20.000 tỷ nửa đầu năm, gấp gần 5 lần quy mô tài sản; Đầu tư chứng khoán "đánh ... |
360° doanh nghiệp ngày 4/8: Tổng Công ty Sông Đà (SJG) báo lãi ròng giảm tới 91% VietCredit (TIN) lỗ ròng quý 2 gần 30 tỷ đồng, nợ xấu tăng vọt; Tổng Công ty Sông Đà (SJG) báo lãi ròng giảm tới ... |
Nguyễn Thanh (t/h)